Những trang viết cảm động

3 cuốn sổ cảm tưởng tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (số 28 đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) chật kín những chia sẻ. Không chỉ người Việt, mà du khách quốc tế cũng để lại những dòng cảm xúc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Gửi gắm tâm tình

Bảo tàng đã rất chu đáo khi đặt các cuốn sổ cảm tưởng tại những vị trí thuận tiện nhất: sảnh tầng trệt, hành lang các tầng cùng với bàn ghế, bút viết và nước rửa tay, tạo điều kiện cho khách tham quan thoải mái ghi lại những suy nghĩ của mình.

N6A.jpg
Khách tham quan ghi sổ cảm tưởng tại di tích lịch sử Dinh Độc Lập, TPHCM

Trong những dòng cảm tưởng để lại, đó có thể đơn giản chỉ là một lời thông báo: “Giang và Tiến đã tham quan tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh” nhưng gây chú ý với hình ảnh 2 dấu vân tay bằng mực đỏ. Hoặc, đó có thể là cả một trang viết đầy cảm xúc như của Quan Ngọc Trí Cường, Bí thư Chi đoàn khu phố 22, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TPHCM).

Dòng cảm tưởng đề ngày 1-8 của Trí Cường có đoạn: “Hôm nay là một ngày thật tuyệt vời khi tôi có chuyến tham quan đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Khi đến tham quan tại nơi đây đã cho tôi trải nghiệm, cũng như học hỏi những bài học giá trị của ông cha ta. Nơi đây đã lưu dấu lại nhiều chiến tích hào hùng và vạch ra những tội ác của chiến tranh... Một lần nữa xin cảm ơn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã tái hiện lại những khung cảnh lịch sử để chúng tôi có thể tham quan, học tập và thêm yêu hơn về lịch sử nước nhà”.

Không chỉ khách tham quan trong nước, mà nhiều khách nước ngoài khi đến thăm bảo tàng cũng để lại những dòng chia sẻ chân thành. “Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vì đã lưu giữ lịch sử cho mọi người, để mọi tầng lớp đến xem, học hỏi và trải nghiệm những nỗi đau kinh hoàng của chiến tranh. Mong rằng toàn thế giới sẽ cố gắng tránh mắc phải những sai lầm tương tự” - là dòng cảm tưởng của Guilbert R. Purcia IV đến từ Philippines, viết ngày 25-9.

Tại TPHCM, nhiều điểm tham quan, di tích hiện vẫn duy trì những cuốn sổ cảm tưởng như thế. Vừa tốt nghiệp THPT, bạn Nguyễn Thùy Vân (quê Vĩnh Phúc) đã rất bất ngờ khi lần đầu tiên được tham quan di tích lịch sử Dinh Độc Lập. Sau khi tham quan các khu vực trưng bày khác nhau, cô gái gen Z dừng lại khá lâu ở cuốn sổ cảm tưởng được đặt ở hầm tầng 1, ngay gần khu vực trưng bày phòng bếp. “Tôi đọc được những dòng chia sẻ của rất nhiều du khách đến từ mọi miền đất nước, cả khách nước ngoài. Mỗi dòng cảm xúc đều gợi lên trong tôi rất nhiều suy nghĩ. Tôi không nghĩ trong thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay vẫn còn những cuốn sổ như vậy”, Thùy Vân chia sẻ.

Trong cuốn sổ này, Thùy Vân dừng lại ở những dòng chia sẻ đề ngày 13-9-2024 của các cán bộ y tế khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức, TP Hà Nội) - những người đã từng tham gia chống dịch Covid-19 tại TPHCM năm 2021: “Sau gần 3 năm trở lại, chúng tôi được tham quan di tích lịch sử Dinh Độc Lập - là một trong những biểu tượng của nhân dân thành phố. Cuộc sống vẫn thế, vẫn những con người thân thương của thành phố sôi động nhất Việt Nam”.

Lưu dấu đẹp

Có nhiều lý do để mỗi du khách khi ghé các điểm tham quan, di tích chọn ghi những dòng cảm xúc vào sổ cảm tưởng. Đó có thể là sự xúc động nghẹn ngào, lòng tự hào trước những câu chuyện lịch sử hào hùng; là lòng tôn kính với những giá trị văn hóa, lịch sử… hay đôi khi là chỉ là những dòng chia sẻ thật ngắn gọn, giản dị: “Tự hào là công dân Việt Nam”, “Tôi yêu Việt Nam”... những nét chữ nắn nót, bay bổng như gửi hết tâm tư của người viết. Và, cứ như thế, những cuốn sổ cảm tưởng hàng trăm trang mỗi ngày lại dày thêm bởi những dòng chia sẻ đầy cảm xúc.

Những cuốn sổ cảm tưởng không chỉ là lời nhắn gửi cá nhân, mà còn tạo ra một không gian để mọi người giao lưu, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ… Qua những dòng chữ ấy, người ta có thể hiểu hơn suy nghĩ, cảm xúc của những người từng ghé thăm. Và, cũng rất phổ biến, viết cảm tưởng cũng là cách để mỗi người để lại một dấu ấn nhỏ của mình. Đó là lý do, ở nhiều điểm tham quan tại TPHCM, không khó để bắt gặp cách “check-in” độc đáo, không phải bằng những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, mà là dòng chữ ngắn gọn trong sổ cảm tưởng. Như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Mơ (quận Gò Vấp, TPHCM) khi ghé tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: “Tôi thích đọc những dòng cảm tưởng để lắng nghe cảm xúc của mỗi người.

Mỗi dòng chữ có thể nội dung khác nhau nhưng có một điểm chung đó là lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn sự hy sinh của thế hệ cha ông đi trước”. Và hiển nhiên, những dòng cảm xúc, chia sẻ kỷ niệm, ước mơ hay lời nhắn nhủ trong mỗi cuốn sổ cảm tưởng ấy có thể xem như cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, góp phần làm phong phú thêm tư liệu cho các điểm tham quan.

Tin cùng chuyên mục