Trang sử trên núi đá
Du khách đến thưởng ngoạn ngọn Thủy Sơn - ngọn cao nhất của danh thắng Ngũ Hành Sơn - sau khi ghé thăm chùa Linh Ứng, từ nơi đặt bảng động Tàng Chơn qua một lối nhỏ hai bên là vách đá núi tự nhiên, bên trong là cả một không gian kiến trúc Phật giáo còn nguyên sơ. Trên vách động Tàng Chơn có 20 bia ma nhai.
Vừa cảm nhận sự gai góc của từng vách đá, chị Lê Thị Tuyết Mai (37 tuổi, du khách Hà Nội) cho biết, khi hướng dẫn viên soi đèn, chỉ tận mắt đoàn mới biết có văn bia cổ khắc trên vách núi. Nhờ vậy, du khách mới biết được giá trị văn hóa, lịch sử của ma nhai. Với khách lẻ, không có người hướng dẫn, chẳng mấy ai biết hay để ý đến sự tồn tại của các văn bia được khắc hoàn toàn bằng chữ Hán này. Theo hướng dẫn viên Hoàng Quốc Huy, phần lớn du khách chỉ dành 1-2 tiếng để tham quan, mua sắm tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Chút thời gian ít ỏi rất khó để họ lắng lại cảm nhận giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh của vùng đất này. Nếu có thêm những câu chuyện gắn với nguồn gốc văn tự hoặc giải thích nội dung trên vách đá, không chỉ du khách quốc tế mà người dân địa phương cũng sẽ quan tâm hơn.
Theo ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, trải qua gần 400 năm, do ảnh hưởng của khí hậu, thời gian, chiến tranh và con người, hiện chỉ có 52/78 ma nhai còn đọc được. Số còn lại đã bị bào mòn bởi thời gian, bị bôi lấp bởi các lớp sơn và xi măng, bị nứt vỡ, bị đục bỏ hoặc khắc thêm chữ quốc ngữ, làm biến dạng hoặc mất một số chữ Hán.
Bài toán bảo tồn và phát huy
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhìn nhận, di sản tư liệu ma nhai tại đây có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh nhiều mặt của TP Đà Nẵng và đất nước Việt Nam dưới thời phong kiến như lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục. Từ đó, có thể tìm hiểu về quá trình giao lưu, tiếp biến kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các nước Đông Á từ thế kỷ 17, biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở, mềm dẻo của Việt Nam được kế thừa đến ngày nay. Mỗi bia ma nhai là sự kết hợp của tâm hồn, tài hoa của thi nhân và kinh nghiệm, kỹ nghệ của nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước.
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) cho hay, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, địa phương đã xúc tiến nhiều hoạt động cụ thể, như mời chuyên gia ở Cục Di sản văn hóa nghiên cứu, đưa ra phác đồ bảo quản toàn bộ 78 tác bản ma nhai Ngũ Hành Sơn; sử dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại để du khách chiêm ngưỡng mà không ảnh hưởng yếu tố gốc; số hóa ma nhai bằng 6 ngôn ngữ và gắn bảng giới thiệu, mã QR để du khách có thể quét, đọc nội dung; phối hợp mở 10 lớp cập nhật kiến thức về di sản cho hơn 1.000 hướng dẫn viên du lịch; mang 26 tác bản gốc ma nhai phiên dịch đầy đủ đến các trường đại học tại TP Đà Nẵng giới thiệu cho sinh viên... “Chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng quy hoạch tổng thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, 5 ngọn núi với 112ha cho Thủ tướng phê duyệt gồm tôn tạo, giải tỏa đền bù, xây dựng các hạng mục công trình… từng bước phát triển khu vực này trở thành công viên văn hóa, một điểm đến hấp dẫn của du khách, phát huy bề dày lịch sử, kinh tế, văn hóa của danh thắng”, ông Nguyễn Hòa cho biết thêm.
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, đề nghị UBND TP Đà Nẵng tổ chức tập hợp, sưu tầm tất cả tư liệu từ xưa đến nay có đề cập ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, nghiên cứu tạo các sản phẩm du lịch kèm theo để hỗ trợ di sản. Bên cạnh đó, lập đề án quản lý, tư liệu hóa, tăng cường trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng và di sản văn hóa nói chung, góp phần vào sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.