Những “tổ ấm” sang trọng nhất thế giới

Những “tổ ấm” sang trọng nhất thế giới

Đây là năm thứ ba liên tiếp chuyên san kinh tế Forbes tổng hợp danh sách những ngôi nhà đắt nhất. Năm 2005 đã chứng kiến một số thương vụ bất động sản khá đắt nhưng chưa thương vụ nào sánh bằng căn nhà mà tỷ phú Ronald O. Perelman (người sở hữu Hãng Mỹ phẩm Revlon) bán với giá 70 triệu USD hồi năm 2004 (đắt nhất thị trường bất động sản Mỹ).

  • Dinh cơ của hai trùm phần mềm
Những “tổ ấm” sang trọng nhất thế giới ảnh 1

Căn nhà của tỷ phú máy tính Michael Dell (tài sản khoảng 18 tỷ USD).

Có thể điểm lại vài thương vụ bất động sản lớn trong năm 2005 tại Mỹ. Chỉ vài tuần sau khi Rupert Murdoch (chủ tịch Hãng Truyền thông News Corp) tuyên bố mua căn biệt thự của (cố tỷ phú) Laurance Rockefeller với giá 44 triệu USD tại Đại lộ Số năm (New York City), Stewart Rahr – Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Kinray (nhà phân phối dược phẩm bán sỉ tư nhân lớn nhất thế giới) – đã mua căn Burnt Point với giá 45 triệu USD từ David Campbell.

Đây là thương vụ bất động sản đắt nhất trong năm 2005. Forbes cũng nhắc đến cuộc “chạy đua” xây biệt thự giữa Larry Ellision (chủ Hãng Phần mềm Oracle) và Bill Gates (Microsoft). Căn Atherton của Larry Ellision được thiết kế theo phong cách Nhật, phỏng theo một trong những biệt thự nổi tiếng ở Kyoto được trang trí bằng nhiều tượng và tác phẩm nghệ thuật như trong bảo tàng.

Tại đó, có khu vườn cảnh theo kiểu thần thoại Phù Tang rộng khoảng ba mẫu Anh với các loại đá granit,  sỏi mịn, những bụi hoa anh đào, cây cảnh, thảm thực vật, ao nước, thác nhân tạo và tòa tháp dùng làm nơi thưởng thức trà. Từ cuối thập niên 1980, Ellison đã sở hữu hai tư dinh tráng lệ: một ngôi nhà tại Atherton trị giá 15 triệu USD và một dinh cơ tại San Fancisco trị giá 24 triệu USD với lối đi làm bằng thép và thủy tinh. Ngôi nhà San Fancisco là nơi Ellison lui tới khi có việc ở thành phố này, được trang bị thiết bị giải trí gia đình hoàn hảo có  tổng trị giá 200.000 USD.

Trong khi đó, cung điện của Bill Gates có thể so với lâu đài tráng lệ mà nam tước Cornelius Vanderbilt và Jacob Astor từng xây thời phong kiến. Gates đã cho lấp đất để xây dựng cung điện trên bờ hồ bang Washington. Ngôi nhà Gates được xây với 6 lô riêng biệt, 4 lô đầu tiên được Gates mua trong một khu đầm lầy. Khi tin tức về sự sở hữu vùng đất của người đàn ông giàu có nhất này được tiết lộ, các khu đất trong vùng tăng vọt giá.

Quá trình mặc cả về giá hai lô đất cuối cùng kéo dài hơn một năm và Gates phải trả hơn 5 triệu USD cho lô đất rộng chưa tới 5 mẫu Anh phía trước hồ. Gates còn chọn 23 bộ hồ sơ được gửi từ các công ty thiết kế kiến trúc trên thế giới và tổ chức gặp gỡ ba lần các công ty được duyệt trong danh sách cuối cùng. Bản thiết kế (được duyệt) gồm việc xây một dãy gác dọc theo sườn đồi và nối với nhau qua hệ thống đường ngầm (phải tốn rất nhiều thời gian đào và vận chuyển đất khỏi đường hầm). Tờ Esquire xem nó là “ngôi nhà được nói đến nhiều nhất sau ngôi nhà Xanadu của (trùm báo chí) William Randolph Hearst”.

  • Nội thất như thế nào là cao cấp?
Những “tổ ấm” sang trọng nhất thế giới ảnh 2
Nội thất một biệt thự cao cấp trị giá 25 triệu USD ở New York.

Trong chừng mực nào đó, có thể nói rằng chỉ cần nhìn nội thất căn nhà, người ta có thể biết túi tiền hoặc trình độ thẩm mỹ của chủ nhân. Trong căn biệt thự tân cổ điển trị giá 29,5 triệu USD ở Lake Forest (bang Illinois), người ta thấy tường trong phòng đọc sách đều được phủ bằng da Hermès; còn trong căn 70 triệu USD ở New York City, chủ nhân của nó đã dùng cẩm thạch đen để làm cầu thang… Sử dụng, thiết kế nội thất cao cấp đồng nghĩa với việc xài hàng nhập cao cấp.

Trong khu nhà trị giá 40 triệu USD ở Alpine (New Jersey), có một căn nhà kính-thép với nguyên vật liệu được nhập từ Anh. Khi dựng đại sảnh, chủ ngôi nhà trị giá 53 triệu USD ở Medina (bang Washington) đã mướn thợ mộc từ Alaska để làm bốn dàn kèo (mỗi dàn nặng 1,8 tấn). Tất nhiên, nhà (người) giàu không chỉ dành để trú nắng, trốn mưa. Nó còn phải có rạp chiếu phim mini, hầm rượu, hồ bơi, garage xe, sân tennis và thậm chí sân golf.

Nếu xem phòng tắm là một phần của thiết kế nội thất thì phòng tắm nhà giàu tất nhiên cũng khiến “hết hồn”. Cựu tổng Giám đốc điều hành Công ty Tyco (Mỹ), Dennis Kozlowski (từng bị quy kết tội biển thủ), là người nổi tiếng “đầu tư” mạnh cho phòng tắm. Trong phòng tắm nhà Kozlowski, chỉ riêng tấm màn dệt chỉ vàng đã trị giá 6.000 USD. Với một số người giàu có “biết chơi” thì có lẽ không thể không lắp cái bàn cầu Neorest 6000 (Hãng Toto, Nhật) trong nhà vệ sinh.

Bàn cầu này có giá từ 5.200-5.980 USD (tùy theo màu)! Neorest 6000 là bàn cầu thông minh: nó tự mở nắp khi có người đến gần và tự đóng lại cũng như xịt nước sau khi người sử dụng đứng lên. Chưa hết, nó có bộ điều khiển từ xa không dây để điều chỉnh độ cao-thấp của bàn ngồi. Hệ thống nước xịt rửa hoạt động ba bước để đảm bảo sạch tuyệt đối. Ấn tượng nhất là Neorest 6000 có thể “tự học”, tức tự ghi nhận tỷ lệ thời gian sử dụng và cách sử dụng để tự chuyển sang chế độ tiết kiệm điện! 

THẢO LÊ

Tin cùng chuyên mục