Gian nan khởi nghiệp
Ở tuổi gần 80, sống đầm ấm trong căn nhà nhỏ của gia đình người con gái trên đường 22 (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TPHCM), những ngày tháng 7 hàng năm luôn khiến thương binh Trần Minh Lệ bùi ngùi, xúc động. Ký ức ông quay trở lại những trận đánh khốc liệt ở đường 9 - Nam Lào của 50 năm về trước, nơi ông đã kề vai sát cánh cùng đồng đội và cũng là nơi ông phải gửi lại một phần cơ thể của mình.
Trở về cuộc sống đời thường với cơ thể mang nhiều thương tích, chỉ còn một chân nhưng thương binh Trần Minh Lệ chưa bao giờ cảm thấy bế tắc, đầu hàng số phận. Hàng ngày, ông bám ruộng vườn, tăng gia sản xuất để nuôi 6 người con ăn học. Nhờ bàn tay chai sạn của người cha thương binh mà 6 người con đều tốt nghiệp PTTH, có 4/6 người đạt trình độ đại học, cao đẳng, lập nghiệp rồi ổn định cuộc sống ở TPHCM và tỉnh Bình Dương.
Người dân đất thép Củ Chi đến giờ vẫn thán phục thương binh Nguyễn Văn Cu Em (ở tổ 10, ấp Trung, xã Tân Thông Hội) về kỹ thuật trồng hoa lan. Chiến tranh đi qua, người thanh niên Nguyễn Văn Cu Em trở thành thương binh với tỷ lệ thương tật 2/4. Không lùi bước trước khó khăn của cuộc sống, ông tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới và chọn trồng hoa lan để “khởi nghiệp”. Từ hơn 4.000 gốc lan ban đầu, người thương binh cần cù đã nhân giống và mở rộng diện tích trồng lan lên quy mô gần 10.000 gốc. Hoa lan mang về thu nhập cho gia đình ông mỗi tháng hàng chục triệu đồng.
Những hội viên Hội Cựu chiến binh quận 8, TPHCM rất tự hào về người cựu chiến binh - thương binh Trần Trọng Ân ở phường 10. Trở về từ chiến trường Campuchia, thương binh Trần Trọng Ân bị mất 71% sức khỏe nhưng ông vẫn không đầu hàng số phận. Sau những trăn trở, ông thử vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của Hội Cựu chiến binh quận để đầu tư mở xưởng sản xuất giày dép. Sản phẩm do cơ sở sản xuất của ông làm ra bền, đẹp, tiêu thụ nhanh, mang lại thu nhập ngày càng cao. Từ đó, xưởng sản xuất giày dép mở rộng và nhận thêm 20 lao động vào làm, trong đó đa số là thương binh, cựu chiến binh, quân nhân chuyên nghiệp…
Ở Long An, người dân kể nhiều về thương binh Nguyễn Văn Thuấn - “vua nuôi bò” ở Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa. Năm 17 tuổi, ông tham gia du kích xã, rồi làm Xã đội phó xã Hòa Khánh trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh kết thúc, ông trở về với cơ thể chi chít vết thương. Người thương binh 2/4 ấy làm đủ nghề để nuôi con ăn học nhưng không thoát được cảnh khó khăn. Ông Thuấn mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi bò. Không chăn nuôi theo kiểu truyền thống, ông ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt, tổng đàn lên đến hàng trăm con, mang lại cho gia đình tổng thu nhập hàng năm khoảng 1 tỷ đồng.
Sẻ chia cùng đồng đội
Nghề trồng hoa lan cảnh đã trở thành ngành sản xuất nông nghiệp làm giàu cho người nông dân ở vùng đất thép Củ Chi. Người dân xã Tân Thông Hội vẫn không quên hình ảnh người thương binh Nguyễn Văn Cu Em đến từng nhà cựu chiến binh, nông dân hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa lan. Miệng nói tay làm, ông cặn kẽ truyền bí quyết trồng hoa lan để mọi người cùng làm ăn, vượt qua khó khăn. Còn gia đình thương binh Trần Trọng Ân đã dành hơn 300 triệu đồng cho các cựu chiến binh vay không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, hàng năm, ông ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, quỹ học bổng, quỹ “Vì biển đảo quê hương”…
Đánh giá về thương binh Nguyễn Văn Thuấn, cán bộ xã Hòa Khánh Tây nói bằng sự kính trọng đặc biệt: “Ông luôn quan tâm đến cựu chiến binh và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Hàng năm, cứ đến dịp lễ tết, gia đình ông lại dành hàng trăm triệu đồng, trao hàng trăm suất quà tết cho người dân địa phương. Vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày gia đình ông cung cấp từ 150-250 suất ăn cho người dân trong khu phong tỏa, cách ly và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch…”.
Ông Nguyễn Lương Quân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân cựu chiến binh TPHCM, chia sẻ, tại TPHCM có trên 70.000 hội viên cựu chiến binh, trong đó hơn 10.000 người là thương binh, bệnh binh. Nhiều thương binh, bệnh binh đi đầu trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Những thương binh, bệnh binh trong hoàn cảnh nào cũng mang trong mình bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ”, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, trở thành những tấm gương sáng trong cuộc sống để thế hệ trẻ noi theo.