Những thủ đoạn để bà Trương Mỹ Lan rút hàng ngàn tỷ đồng tại SCB

Bà Trương Mỹ Lan đã dùng nhiều thủ đoạn để rút hàng ngàn tỷ đồng tại SCB, trong đó, có câu kết chủ sở hữu, đại diện pháp luật các công ty liên quan tạo lập khoản vay, cùng sử dụng và chiếm đoạt tiền của SCB.

Hợp thức rút tiền SCB

Cơ quan công tố cáo buộc, ngoài tạo lập các công ty “ma” đứng tên hồ sơ vay vốn, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) còn câu kết và chỉ đạo các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật hoặc được giao quản lý các công ty thực tế có hoạt động kinh doanh như: Trương Huệ Vân là cháu ruột bà Lan, được giao quản lý điều hành một số công ty trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong đó có Công ty Lavifood (do Nguyễn Phi Long làm Tổng Giám đốc, Đặng Quang Nguyên - Phó Tổng Giám đốc); Chu Lập Cơ, là chồng bà Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Times Square); Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc) và Đào Chí Kiên (Phó Tổng Giám đốc) Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương; Dương Tấn Trước (Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt), để các công ty này đứng tên vay vốn hoặc lập thêm nhiều công ty “ma”, tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn, rút tiền của SCB để Trương Mỹ Lan sử dụng.

nhom-bi-can-vtp-7066.jpeg
Các bị can tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Bên cạnh đó, bà Lan còn bị cáo buộc tạo lập hồ sơ vay vốn khống để hợp thức hóa việc rút tiền của SCB. Cụ thể, mỗi khi cần rút tiền SCB, bà Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ dung (là người của SCB) phối hợp, câu kết với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; đưa các cá nhân được thuê/nhờ đứng tên các khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty “ma” đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký. Các đại diện pháp nhân và cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn.

Cơ quan công tố cho rằng, hầu hết các khoản vay của bà Lan được giải ngân trước và hợp thức hóa sau. Trên hồ sơ các khoản vay thể hiện thời điểm giải ngân cùng thời điểm ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, nhưng thực tế việc rút tiền tại SCB đã được thực hiện trước khi hợp đồng tín dụng, thủ tục thế chấp tài sản hoàn thiện, hợp thức.

Viện kiểm sát cũng làm rõ, trong 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của bà Lan còn dư nợ, có 684 khoản vay và dư nợ hơn 382.800 tỷ đồng chưa có thủ tục thế chấp tài sản khi giải ngân, số còn lại tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản; có 201 khoản vay với dư nợ hơn 11.600 tỷ đồng, hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền tại SCB.

Nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay vốn

Bên cạnh các hành vi trên, viện kiểm sát còn cáo buộc, để rút được tiền của SCB, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ tại SCB thông đồng và câu kết với các đối tượng tại công ty thẩm định giá, phát hành các chứng thư thẩm định giá để hợp thức các hồ sơ vay vốn của bà Lan. Trong đó, lãnh đạo của SCB (gồm các bị can Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; Trương Khánh Hoàng, quyền Tổng Giám đốc; Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Giám đốc) chỉ đạo cấp dưới trực tiếp hoặc qua trung gian để liên hệ các công ty thẩm định giá, thông đồng, nâng giá tài sản lên nhiều lần, ghi ngày, tháng phát hành các chứng thư thẩm định theo yêu cầu của SCB.

Kết quả điều tra xác định, SCB đã thuê 19 công ty thẩm định giá với 46 người là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, nhân viên thực hiện phát hành tham gia phát hành 378 chứng thư có liên quan các khoản vay còn dư nợ của nhóm bà Lan. Đến nay, xác định có 5 công ty thẩm định giá và 7 cá nhân đã môi giới phát hành 23 chứng thư thẩm định giá hợp thức cho các khoản vay của nhóm bà Lan.

Để hợp thức hồ sơ, rút được tiền của SCB, bà Lan và các đồng phạm đã dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ thuộc trách nhiệm của bà Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách SCB ghi nhận, phân bổ hơn 1.200 tỷ đồng, nhưng công ty thẩm định giá chỉ định giá được 726 mã tài sản, số còn lại không định giá vì lý do các tài sản là cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản…

Khi cần rút các tài sản đủ pháp lý, có giá trị để bán hoặc sử dụng cho mục đích khác, bà Lan chỉ đạo các đồng phạm hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi SCB, thay thế bằng các tài sản khác, hầu hết có giá trị thấp hơn tài sản đã rút ra.

Để dễ dàng hoán đổi tài sản đảm bảo, bà Lan và các đồng phạm tại SCB không thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong số 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của bà Lan thì có 240 tài sản bảo đảm giá có tổng trị giá trên sổ sách là hơn 487.400 tỷ đồng, bị hoán đổi thành 278 tài sản đảm bảo, giá trị trên sổ sách là hơn 315.900 tỷ đồng. Trong khi, công ty thẩm định giá chỉ định giá được 260 tài sản với tổng trị giá hơn 108.700 tỷ đồng.

Những người không bị xử lý hình sự

Cơ quan công tố Trung ương cho rằng, đối với 11 cá nhân là thành viên tổ giám sát từ năm 2016 đến 2022. Quá trình thực hiện công tác giám sát SCB trong giai đoạn trên, các thành viên tổ giám sát (Trần Thị Hứng, Trần Thị Tuyết Mai, Phạm Công Hòa, Trần Thế Quỳnh, Nguyễn Thị Tâm Thương, Đoàn Phương Thảo, Phạm Thế Khải, Hoàng Minh Thắng, Lê Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hạnh Linh, Ngô Trần Kiến Quốc) đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt, nhưng không được cấp trên (gồm Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung và Nguyễn Tín) chấp thuận.

Quá trình công tác, những người trên có nhận quà từ SCB nhưng với giá trị không lớn và đã tự nguyện giao nộp lại, đã chủ động khai báo rõ sai phạm tại SCB, nên không xem xét xử lý hình sự; cơ quan điều tra kiến nghị xử lý về mặt Đảng và chính quyền. Trong số người không bị xử lý hình sự, có ông Tô Duy Lâm, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM. Người này được xác định không can thiệp, không tham gia chỉnh sửa, phê duyệt nội dung báo cáo của tổ giám sát liên quan các hành vi sai phạm. Bên cạnh đó còn có 17 cá nhân là thành viên tổ giám sát giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 1-2016 cũng không bị xử lý hình sự.

Tin cùng chuyên mục