Sau một thời gian dài tạm dừng hoạt động do dịch bệnh, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ kỳ vọng nhạc kịch Sóng sẽ đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc mới mẻ.
Không quá ôm đồm nhiều khúc quanh của cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, Sóng sẽ kể câu chuyện của Xuân Quỳnh bằng một góc nhìn của thế hệ hậu bối: thể hiện 2 bản thể của nhân vật và đặt câu hỏi cho mỗi người về sự dấn thân, cống hiến để biến ước mơ thành sự thật - “Ta làm gì để biến ước mơ của ta thành sự thật?”.
Nói về việc chọn thơ Xuân Quỳnh làm cảm hứng sáng tạo, tổng đạo diễn, NSƯT Cao Ngọc Ánh chia sẻ, chị đã đọc thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, càng đọc càng bị cuốn vào và thấy mảng thơ của hai người rất đẹp. Theo chị, hầu như ai cũng thuộc ít nhất một vài câu thơ của Xuân Quỳnh vì thấy mình ở trong đó, nhất là phụ nữ, xuất phát từ đó chị đã ấp ủ ý tưởng làm Sóng.
Vở nhạc kịch bắt tay vào thực hiện từ năm 2021, và ca khúc Thuyền và biển là chủ đề chính xuyên suốt. Các nhạc sĩ đã phổ nhạc cho 10 bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ như Sóng, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Tự hát... để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ Xuân Quỳnh.
Điều mới mẻ và cũng là điều mà ê kíp tâm đắc nhất là phần âm nhạc của Sóng, bởi trong thể loại nhạc kịch, âm nhạc gần như là linh hồn, là kịch tính, là xương sống của vở diễn. Trong vở này, tất cả phần lời của ca khúc đều sử dụng thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, kể cả những câu thoại. Những bức thư tình vượt thời đại của cặp vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng được biên kịch gửi gắm vào vở nhạc kịch, nhằm tròn trịa hơn không khí lãng mạn yêu đương rất đời và cũng rất thơ thời bấy giờ.
Vở diễn lấy cảm hứng về vẻ đẹp trong thơ Xuân Quỳnh và cuộc đời của bà, nhưng tất cả các công đoạn của vở diễn, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được thực hiện sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời. Sóng được thể hiện bằng thể loại nhạc kịch, nơi hội tụ tất cả các yếu tố nhảy múa, diễn xuất, ca nhạc…; đồng thời, Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng với phong cách hiện đại, sử dụng các kỹ thuật sân khấu mới, kỹ xảo hiện đại để đánh thức, trợ giúp thêm thị giác khán giả.
“Tất cả các công đoạn của vở diễn, từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được “đo ni đóng giày” sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời. Sân khấu vốn là ước lệ. Nghệ thuật vốn không có khuôn khổ. Nhưng sự kết nối với trái tim người xem luôn là thước đo chính xác quyết định thành công của vở diễn…”, lãnh đạo nhà hát chia sẻ.
Tham gia dàn dựng Sóng có đội ngũ khá hùng hậu gồm tổng đạo diễn - NSƯT Cao Ngọc Ánh, đạo diễn sân khấu Duy Anh, nhạc sĩ Minh Đạo, Tường Văn, thiết kế sân khấu Phùng Nam Thắng… Dịch bệnh đã khiến việc tập vở nhạc kịch vô cùng khó khăn, vở diễn đã phải lùi thời gian ra mắt gần 1 năm. Song thời gian đó cũng giúp các nghệ sĩ có nhiều thời gian để thấm, ngấm vở diễn hơn.
Nhà hát Tuổi Trẻ kỳ vọng Sóng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch ở Việt Nam bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn cũng như trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch hiện đại.