Từ lâu, nó đã trở thành nét văn hóa và là biểu tượng của văn minh đô thị và cuộc sống năng động của các thành phố lớn.
Thành phố ngầm lớn nhất thế giới
Ước tính khoảng 26 quốc gia trên thế giới như: Argentina, Australia, Canada, Chile, Trung Quốc, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iran, Italia, Nhật Bản, Jordan, Mexico, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Anh, Mỹ và Lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)...có từ 1 đến nhiều thành phố ngầm.
RÉSO (Canada) được xem là thành phố ngầm nổi tiếng và lớn nhất thế giới. RÉSO cũng là tên được áp dụng cho một loạt tháp văn phòng, khách sạn, trung tâm mua sắm, khu dân cư, khu thương mại, phòng hội nghị, trường đại học và địa điểm biểu diễn nghệ thuật. RÉSO là một từ đồng âm của từ tiếng Pháp - réseau (nghĩa là mạng lưới). Chữ “O” ở cuối từ là biểu trưng của Montreal Metro (cách gọi những thành phố ngầm). Đoạn lớn nhất và nổi tiếng nhất của RÉSO nằm ở trung tâm thành phố, được phân định bởi các trạm tàu điện ngầm Peel & Place-des-Arts trên tuyến Green Line và các trạm Lucien-L’Allier và Place-d’Armes trên đường Orange. RÉSO trở thành điểm thu hút du khách quan trọng của các tour du lịch đến Montreal và như là một thành tựu quy hoạch đô thị. Hầu hết các phần của thành phố ngầm Montreal đều mở cửa khi metro hoạt động (5 giờ 30 sáng đến 1 giờ sáng hôm sau), mặc dù một số cửa hàng đóng cửa ngoài giờ làm việc.
Gần 500.000 người đến với RÉSO mỗi ngày. RÉSO trải dài 32km, rộng 4 triệu m2. Theo thống kê chính thức, các hành lang của thành phố ngầm này liên kết với 10 trạm tàu điện ngầm, 2 bến xe buýt, 1.200 văn phòng, khoảng 2.000 cửa hàng, bao gồm 2 cửa hàng bách hóa lớn, khoảng 1.600 căn hộ, 200 nhà hàng, 40 ngân hàng, 40 rạp chiếu phim và các địa điểm giải trí khác, khách sạn lớn, 4 trường đại học, nhà thờ, khu triển lãm, trung tâm hội nghị và Trung tâm Olympic.
Liên kết đầu tiên của thành phố RÉSO ngầm xuất phát từ công trình xây dựng tháp văn phòng Place Ville - Marie và trung tâm mua sắm dưới lòng đất vào năm 1962. Sự xuất hiện của Montreal Metro vào năm 1966, trong thời gian triển lãm Expo 67, đã mở rộng thêm quy mô thành phố ngầm này. Khi metro bắt đầu hoạt động vào năm 1966, 10 tòa nhà đã được kết nối trực tiếp với các trạm tàu điện ngầm. Năm 1974, khu phức hợp văn phòng Complexe Desjardins được xây dựng, thúc đẩy việc xây dựng một khu đô thị thứ hai nằm dưới lòng đất, kết nối giữa Place-des-Arts và Place-d’Armes với quảng trường Place des Arts, Complexe Desjardins, Complexe Guy Favreau (Tòa nhà Chính phủ liên bang) và Palais des Congrès (trung tâm hội nghị).
Từ năm 1984 đến năm 1992, RÉSO mở rộng với việc xây dựng 3 trung tâm mua sắm chính các khu vực tàu điện ngầm McGill, Place Montréal - Trust và Promenades Cathédrale (bên dưới Nhà thờ Christ Church). Trạm McGill được liên kết với Trung tâm Eaton và 2 khu văn phòng/trung tâm khác. Từ năm 1984 đến năm 1989, thành phố ngầm này đã phát triển từ chiều dài 12km lên đến khoảng 22km.Các dự án khác được bổ sung vào quy mô của RÉSO trong suốt những năm 1990, bao gồm Le 1000 De La Gauchetière (tòa nhà cao nhất Montreal), tòa nhà Le 1250 René - Lévesque và Trung tâm Thương mại thế giới Montreal. Ngoài ra, việc xây dựng đường hầm giữa Eaton Center và Place Ville - Marie đã củng cố hai nửa trung tâm của thành phố ngầm.
Thành phố ngầm đặc biệt hữu ích trong suốt mùa đông dài của Montreal. Mạng lưới này được kiểm soát nhiệt độ và có đèn chiếu sáng, được sắp xếp theo hình chữ U với hai trục chính Bắc - Nam nối với trục Đông - Tây. Tổng cộng, có hơn 120 điểm vào RÉSO từ mặt đất. Một số cơ quan lớn của thành phố, cụ thể là Đại học McGill, Bảo tàng Mỹ thuật Montreal, Đại học Concordia và Đại học Montréal cũng có các mạng đường hầm riêng kết nối với RÉSO.
Những kỷ lục khác
Hệ thống thành phố ngầm kết hợp metro cổ xưa nhất thế giới có lẽ là thành phố London, Anh hay còn được gọi là “The Tube”, đã tổ chức kỷ niệm 150 năm thành lập vào năm 2013. Mặc dù cũ kỹ nhưng hệ thống metro này hoạt động hơn 1 tỷ chuyến mỗi năm.
Sạch và chờ chuyến nhanh nhất phải kể đến MTR của Hồng Công. Lời khen ngợi về MTR từ tất cả khách du lịch đã từng đặt chân vào hệ thống này, đó là: thuận tiện, sạch sẽ, giá rẻ, chờ tàu nhanh và tiện lợi kết nối hầu hết các góc của thành phố, từ trung tâm Wan Chai đến vùng nông thôn Tai Po. Wifi miễn phí ở tất cả các ga tại Hồng Công; các tiện nghi như sàn chạm và bảng chữ nổi dành cho người khuyết tật; nhà vệ sinh công cộng, cửa hàng, ngân hàng và các cửa hàng ăn uống ngay tại nhiều ga hoặc gần lối ra.
Với hơn 1,5 tỷ hành khách mỗi năm, Metro Paris, Pháp nằm trong tốp 5 của các dịch vụ đường sắt thành phố bận rộn nhất trên thế giới. Có 14 đường ray, 245 trạm trong nội ô Paris với chỉ 87km. Hệ thống Metro Madrid, Tây Ban Nha dài 294km, dài thứ 6 trên thế giới, đa số dịch vụ nằm ở ngoại ô. Các trạm ngầm lớn đến mức có thể tổ chức các sự kiện như lễ hội đồng diễn thể dục kéo dài 3 ngày vào tháng 5-2011, thu hút 2.600 du khách. Có một trạm còn chứa cả bảo tàng khảo cổ rộng 200m2. Thành phố New York, Mỹ có các tuyến tàu điện ngầm MTA tốc hành hoạt động 24 giờ trong ngày. Nơi đây cũng thường diễn ra các chương trình biểu diễn âm nhạc như Music Under New York của MTA. Hệ thống đường sắt của Tokyo, Nhật Bản là huyền thoại với tốc độ siêu nhanh. Khoảng 102 tuyến đường sắt, ước tính vận chuyển khoảng 14 tỷ hành khách mỗi năm. Metro Tokyo còn chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách metro có các siêu thị tốt nhất trên thế giới.
Sau 5 lần không thành công trong việc tạo ra một hệ thống metro, cuối cùng hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên của Quảng Châu đã được mở cửa vào năm 1997 và tuyến thứ hai được khai trương vào năm 2002. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã bùng nổ vào năm 2004 khi thành phố được trao giải Asian Games 2010. Trong 6 năm tiếp theo, tỉnh này đã chi 11 tỷ USD (70 tỷ nhân dân tệ) vào hệ thống metro để có tổng chiều dài là 390km, 13 đường ray và 231 trạm.