Cũng theo Vietnam Report, 91,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Tỷ lệ doanh nghiệp tỏ ra thận trọng với triển vọng kinh doanh của chính mình chiếm 15,8%. Doanh nghiệp tỏ ra thận trọng cũng có cơ sở khi lạm phát và suy thoái kinh tế đang trở thành rủi ro lớn nhất hiện nay đối với tăng trưởng ngành bán lẻ. Lạm phát tăng và duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 gây sức ép lên sức mua của người tiêu dùng. Trong bối cảnh thu nhập trung bình chưa tăng kịp so với lạm phát như hiện nay, khảo sát của Vietnam Report cho thấy người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết mặt hàng không thiết yếu. Nếu tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng, họ cũng sẽ cắt giảm chi tiêu đối với nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh…
Theo dự báo của Vietnam Report, có 3 xu hướng chính của ngành bán lẻ: bán hàng trực tuyến trên các kênh truyền thông xã hội (social commerce) sẽ bùng nổ; cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng để tăng tính tương thích giữa sản phẩm và nhu cầu khách hàng; bán hàng đa kênh tiếp tục nở rộ nhờ ưu điểm làm tăng trải nghiệm mua sắm liền mạch không gián đoạn cho người tiêu dùng.
Về chiến lược của các doanh nghiệp bán lẻ trong bối cảnh mới, theo các chuyên gia tham gia trả lời phỏng vấn của Vietnam Report, đó là cần tập trung vào củng cố nội lực, mọi bộ phận nhân sự trong doanh nghiệp bán lẻ cần phải thay đổi và đào tạo lại kỹ năng.