Những tháng cuối năm sẽ không thiếu điện

Cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn cần sử dụng điện tiết kiệm, Bộ Công thương thông tin.
Lưu lượng nước về tăng cao, một số hồ thủy điện lớn trên cả nước đã thực hiện xả nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa
Lưu lượng nước về tăng cao, một số hồ thủy điện lớn trên cả nước đã thực hiện xả nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa

Báo cáo của Bộ Công thương vừa gửi đến Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 6 cho biết, tình trạng thiếu điện đã được cải thiện và từ cuối tháng 6 đến nay không phải cắt điện.

Theo Bộ Công thương, nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, hệ thống điện miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải thực hiện tiết giảm phụ tải các địa phương để đảm bảo an ninh cung ứng điện. Cùng thời điểm, miền Nam cũng bị thiếu điện ở một số giờ cao điểm, dẫn đến phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu với giá thành cao để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Bộ Công thương thừa nhận, việc chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới; cũng như chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện. Ngành điện cũng bị động trong chuẩn bị nhiên liệu than cho sản xuất điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng; điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 và 8, một số tổ máy bị sự cố dài ngày như tổ máy S1 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, tổ máy S6 nhà máy Phả Lại 2 đã vận hành trở lại.

Tình hình cung ứng than cho phát điện cũng được khắc phục, nên từ cuối tháng 6 đã không còn tình trạng suy giảm công suất do thiếu than, mức tồn kho than đã được đảm bảo theo định mức.

Với nguồn thủy điện, hiện lưu lượng nước về tăng cao, một số hồ thủy điện lớn trên cả nước thực hiện xả nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa tại một số thời điểm trong tháng 8.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 186,9 tỷ kWh, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 65,7% so với kế hoạch năm 2023 được phê duyệt.

Về cân đối điện năng, nhìn chung, với việc đảm bảo cung ứng than cho phát điện, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục, mực nước hồ chứa thủy điện được cải thiện, cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, Bộ Công thương thông tin. Tuy nhiên, vẫn cần sử dụng tiết kiệm, do các tổ máy nhiệt điện miền Bắc phải thực hiện bảo dưỡng sửa chữa theo kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng cho phát điện mùa khô năm 2024, công suất dự phòng miền Bắc ở mức thấp tại một số thời điểm trong các tháng cuối năm 2023.

Đáng lưu ý, trong báo cáo đưa ra vào tháng 8, Ngân hàng Thế giới ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện tháng 5 và tháng 6 vừa qua lên tới khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP. Bên cạnh đó, dựa vào ước tính việc thiếu hụt nguồn cung đến tháng 6, Ngân hàng Thế giới đánh giá, nhu cầu năng lượng không được đáp ứng cũng sẽ dẫn đến tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam khoảng 75 triệu USD.

Tuy nhiên, báo cáo nêu trên của Bộ Công thương không đề cập tới thiệt hại do thiếu điện gây ra với nền kinh tế.

Theo Bộ Công thương, năm 2024, dự kiến sản lượng điện thương phẩm đạt 280,1 tỷ kWh; điện sản xuất và nhập khẩu gần 316 tỷ kWh.

Tin cùng chuyên mục