Ghi nhận ngày 18-7, dọc bờ biển xã Quảng Hùng, Quảng Đại (TP Sầm Sơn); Quảng Hải, Quảng Thái (huyện Quảng Xương) biển động, trời âm u. Bè mảng đã vào bờ, nằm gác mình dưới tán phi lao bên làng. Cũng lúc này, trên biển xuất hiện lác đác bóng người đây đó lấp ló trên sóng. Họ chính là những người đi “nạo” - cào dắt, xúc moi (tép biển).
Mưu sinh ngày bão |
Một người đàn ông lóp ngóp từ dưới biển lên. Toàn thân anh tái nhợt, môi thâm lại. Anh cười, rồi nói: “Do ngâm nước lâu quá!”. Anh không cho biết tên, chỉ nói ở xã Quảng Đại.
Thời điểm này bắt đầu vào mùa moi nên anh tranh thủ ra biển “kiếm chút”. Vì không có điều kiện để đóng bè nên anh bắt moi bằng nghề truyền thống, đó là cái xúc. Cái xúc trông đơn giản, với ba chạc bằng tre, một nhánh dùng để cầm đẩy, hai nhánh còn lại để căng lưới, đầu mỗi nhánh gắn một “bàn chân” cho khỏi vấp khi đẩy.
Trên biển xã Quảng Hùng, có hai người đang cặm cụi “nạo” cát tìm dắt. Dụng cụ “nạo” dắt có hai tay cầm, hình chữ nhật, phía dưới có lưỡi như lưỡi cưa. Dụng cụ này được gắn vào một túi lưới dài.
Với dụng cụ này, họ khom lưng, đi lùi trên biển, cứ chốc chốc lại đứng lên giũ cho cát ra khỏi túi lưới. Họ cho biết thời điểm này chủ yếu dắt đá, chưa có nhiều dắt cơm. Dắt đá rẻ nên một buổi, mỗi người chỉ có thể “nạo”, đãi được khoảng 2-3 yến, cho thu nhập từ 150.000 đồng-170.000 đồng.
Một mình lầm lũi giữa biển khơi |
Nghề "nạo" dắt tưởng đơn giản, nhưng vẫn quá sức với phụ nữ |
Có được chút thành quả nhưng mệt bơ phờ sau một thời gian đánh vật với cát tìm dắt |
Cái xúc - dụng cụ truyền thống dùng để bắt moi |
Trở vào bờ sau một thời gian dài lặn ngụp dưới nước |
Moi được bán ngay trên bãi biển cho một thương lái |
Mẻ moi đầu mùa tươi rói |
Đi lùi "nạo" dắt |
Đãi cát tìm... dắt |