Bối cảnh phức tạp
Hiếm khi thế giới phải cùng lúc đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng như hiện nay. Trong khi đang cố gắng khôi phục cuộc sống bình thường như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, thì sức tàn phá làm đứt gãy chuỗi cung ứng và những dư chấn của nó vẫn tiếp tục tác động, đe dọa một cuộc suy thoái toàn cầu.
Nếu như năm ngoái, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã chi phối những cuộc thảo luận ở Davos thì năm nay, hậu quả của cuộc xung đột một lần nữa được dự báo chiếm vị trí trung tâm, khi thế giới vật lộn với khủng hoảng năng lượng, nền kinh tế toàn cầu quay cuồng với lạm phát cao, tiến tới suy thoái. Theo nhiều nguồn tin, các phiên họp dự kiến xoay quanh chủ đề về thực tế xu hướng toàn cầu hóa, tác động của căng thẳng thương mại và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres là những nhân vật nổi bật nhất tham dự diễn đàn năm nay, cùng với gần 400 bộ trưởng và các nhà hoạch định chính sách, 600 giám đốc điều hành và người nổi tiếng.
Cựu Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende nhận định, hội nghị lần thứ 53 diễn ra trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất trong nhiều thập niên qua. Trong khi đó, bà Karen Harris, chuyên gia kinh tế của Công ty Tư vấn Bain & Company, cho rằng, thế giới đang bước sang giai đoạn mới, khi xu hướng toàn cầu hóa không còn tồn tại như trước. Chủ đề năm nay cho thấy đối đầu kinh tế - chính trị gia tăng và xu hướng toàn cầu hóa có thể đang dần bị thế chỗ.
Cần hành động tập thể
Bên cạnh những tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, chính sách quốc phòng, số phận của nền kinh tế châu Âu cũng là mối quan tâm lớn tại hội nghị. Khi được hỏi liệu có xảy ra suy thoái ở châu Âu, Giám đốc Điều hành Citigroup Jane Fraser đã dứt khoát: “Có - và tôi hy vọng mình đã sai”. Một số nhà phân tích cũng dự đoán có một đợt bùng phát vào đầu năm 2023 và hy vọng ở mức “nhẹ”.
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế, bà Kristalina Georgieva, cảnh báo rằng 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể bị suy thoái trong năm nay. Mặc dù lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và khu vực đồng EUR dường như đã đạt đến đỉnh điểm, nhưng nó vẫn ở mức cao khó chịu, buộc các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ. Điều đó có nghĩa là chi phí đi vay cao hơn khi nền kinh tế đang chậm lại, và nó cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu ở các nước đang phát triển, bao gồm cả ở châu Phi. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể khiến tình trạng nghèo đói gia tăng ở vùng cận Sahara châu Phi, nơi có khoảng 60% người nghèo cùng cực trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quá trình toàn cầu hóa cũng sẽ không dừng lại bất chấp những phân mảnh tài chính - tiền tệ và chuỗi cung ứng, cũng như xu hướng tự cường và chú trọng thị trường trong nước. Theo tờ DW, thế giới ngày nay đang ở một khúc quanh quan trọng, điều cần thiết là sau cuộc họp kéo dài 5 ngày, WEF 2023 cần đưa ra một hành động tập thể táo bạo hơn.