Theo DW, việc bổ nhiệm ông Mark Rutte vào vị trí Tổng Thư ký NATO đã được xác định vào tuần trước, khi đối thủ duy nhất của ông cho vị trí này, Tổng thống Romania Klaus Iohannis, rời khỏi cuộc tranh cử. Tổng Thư ký sắp mãn nhiệm Stoltenberg ca ngợi ông Rutte là một "người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương thực sự, nhà lãnh đạo mạnh mẽ và người xây dựng sự đồng thuận".
Ông chủ mới của NATO sẽ được chào đón chính thức tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này ở Washington D.C (Mỹ) từ ngày 9 đến 11-7.
Nhiệm vụ chính của tân Tổng Thư ký Mark Rutte sẽ là cân bằng các lợi ích xung đột giữa 32 thành viên NATO để tổ chức này có thể có tiếng nói thống nhất. Theo đánh giá của các nhà phân tích, ông Rutte là "một nhà quản lý khủng hoảng thành công". Trong một thời gian dài, nhiều công dân Hà Lan hài lòng với sự ổn định chính trị mà ông Rutte duy trì được trong cuộc khủng hoảng tài chính và đại dịch Covid-19, bất chấp sự thay đổi ở nhiều nước châu Âu.
Tuy nhiên, tân Tổng Thư ký NATO sẽ phải chuẩn bị cho khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng và để mắt tới NATO một lần nữa. Ông Trump, trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ năm 2016-2020, đã yêu cầu các thành viên NATO đóng góp đúng theo tỷ lệ GDP. Tuy có mối quan hệ khá tích cực nhưng ông Rutte, với tư cách là nhà lãnh đạo của một quốc gia thương mại, đã phản đối quyết liệt chính sách kinh tế bảo hộ của ông Trump.
Không giống như ông Trump, ông Rutte ủng hộ việc gửi vũ khí tới Ukraine, thậm chí còn cung cấp pháo và máy bay chiến đấu của Hà Lan. Tuy nhiên, bản thân quân đội Hà Lan lại bị thiếu hụt ngân sách trong suốt 13 năm nắm quyền của ông Rutte. Chỉ trong năm 2024, lần đầu tiên, Hà Lan chi 2% GDP cho quốc phòng, phù hợp với mục tiêu chi tiêu của NATO.