Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã hủy kế hoạch tới Moscow, song sẽ vẫn gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, Nga vào ngày hôm nay 14-5. Đây sẽ là cuộc gặp chính thức cấp cao nhất giữa Mỹ và Nga trong 10 tháng qua giữa bối cảnh mối quan hệ hai nước đang bị phủ bóng đen xung quanh nhiều vấn đề trên toàn cầu.
Từ nghi ngại song phương
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Nga đánh dấu sự tương tác đáng kể nhất của Washington với Moscow kể từ tháng 7-2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Vladimir Putin ở Phần Lan.
Chuyến thăm của ông Pompeo diễn ra sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller công bố báo cáo điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, trong đó kết luận không có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Donald Trump với giới chức Nga.
Tuy nhiên, trước thềm cuộc gặp cấp cao trên, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer đã hối thúc ông Pompeo cảnh báo Nga không được can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trong một bức thư gửi ông Pompeo được đăng tải trên các trang mạng Twitter và Facebook, ông Schumer nêu rõ, điều quan trọng là cần cảnh báo bất kỳ hành động nào can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ sẽ bị đáp trả. Theo ông Schumer, cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin cần phải thay đổi.
Đến bất đồng đa phương
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đưa ra tại cuộc gặp với người đồng cấp Lavrov ở Phần Lan mới đây, mặc dù Nga và Mỹ có những lợi ích khác nhau nhưng hai bên hiện mong muốn cải thiện quan hệ, nhất là trong các lĩnh vực có lợi ích tương đồng. Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đang bị phủ bóng đen xung quanh nhiều vấn đề trên toàn cầu, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Venezuela, tình hình tại Syria và Ukraine.
Thay vì tới Moscow, Ngoại trưởng Pompeo sẽ tham dự các cuộc thảo luận về vấn đề Iran tại Brussels (Bỉ) trong ngày 13-5. Trước đó, ngày 9-5, Bộ Ngoại giao Iran lên án các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu kim loại của Iran, sau khi Tehran quyết định từ bỏ một số cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 9-5 cũng đã ra tuyên bố “lên án mạnh mẽ” các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp khai khoáng của Iran.
Ngoài vấn đề Iran, vấn đề Triều Tiên cũng được giới quan sát dự đoán sẽ được đưa ra thảo luận trong bối cảnh các đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên với Washington đang bị đình trệ.
Cơ quan tình báo quốc gia của Hàn Quốc (NIS) đã báo cáo trong một cuộc họp mới đây tại ủy ban tình báo của Quốc hội Hàn Quốc rằng: “Nga đứng về phía Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, tuy nhiên Moscow hiểu lập trường của Bình Nhưỡng trong việc làm thế nào để thực thi phi hạt nhân hóa”.
Điều này có nghĩa, Triều Tiên và Nga dường như có chung quan điểm về việc tiếp cận từng giai đoạn và tăng tốc trong quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Theo NIS, Bình Nhưỡng muốn Moscow đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Và Mỹ có lẽ cũng hiểu được rằng, Bình Nhưỡng muốn nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ, nhưng có sự trung gian của Nga. Đó là lý do vì sao Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị một cuộc đối thoại đa phương về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Liên quan tới Venezuela, theo BBC, Mỹ đã ngầm cáo buộc Nga can thiệp để giúp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trụ vững, khiến cho nỗ lực lật đổ chính phủ Maduro của lãnh đạo đối lập Juan Guaido thất bại. Vì vậy, cuộc gặp lần này được ví như một giải pháp ngoại giao, trong đó Mỹ có thể lại sử dụng phương thức nhờ tới Nga và Cuba nhằm giải quyết vấn đề Venezuela.