Hay tin chị Nguyễn Thị Trà, ngụ phường An Phú, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) vận động mọi người gói bánh tét gửi tặng đồng bào vùng lũ miền Trung, bà Trần Thị Bảy (70 tuổi) liền mang tới ủng hộ 5kg đậu xanh, 10kg gạo nếp.
Chị Trà cho biết, gia đình chị tổ chức gói bánh tét từ sáng 20-10, chỉ vài giờ sau, đã có hàng chục người đến cùng tham gia gói bánh. Ngay hôm sau, một số người khác đã tình nguyện đem xe tải đến chở gần 2.000 đòn bánh tét đi cứu trợ ngay.
Hiện nay, chị Trà và người dân trong phường vẫn đang tiếp tục gói bánh, đồng thời huy động bà con thị xã An Khê ủng hộ hàng trăm thùng mì tôm, sữa, bánh mì ngọt…, để tiếp tế cho đồng bào miền Trung.
Lắng nghe tiếng gọi của đồng bào miền Trung, từ ngày 22 đến 25-10, nhiều người dân đã tập trung tại địa chỉ 138/1/6 đường Y Wang, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) để cùng hoàn thành 5.000 đòn bánh tét kịp thời cứu trợ bà con các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, bị thiệt hại nặng nề trong mưa lũ.
Chị Thanh Ngọc, trưởng nhóm thiện nguyện “Tấm lòng Ban Mê”, cho biết: “Sau một ngày đăng thông tin trên facebook, nhóm đã có đủ lực lượng và vật phẩm để gói bánh tét. Nhiều phần quà là mì tôm, dầu ăn, gạo và nhu yếu phẩm cũng được người dân phường Ea Tam gửi đến. Chúng tôi đã kết nối với một số tổ chức thiện nguyện ở các tỉnh miền Trung để sẵn sàng cho chuyến đi cứu trợ vào ngày 25-10 vừa qua”.
Chị Nguyễn Ngọc Mỹ (quê huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), sống tại phường Thạnh Xuân, quận 12 (TPHCM) thuê mặt bằng bán quán cà phê tại khu phố 2, phường 14, quận Gò Vấp. Khi nghe quê nhà tang thương trong lũ lụt, đồ đạc, tài sản của gia đình mình bị cuốn trôi trong dòng nước dữ, vợ chồng chị cũng muốn về ngay để giúp ba mẹ dựng lại nhà cửa, ngặt 2 đứa con đang đi học nên chị không thể thu xếp về quê được.
Hay tin, chị em phụ nữ khu phố 2, phường 14 rủ nhau gom góp quần áo, giày dép chất lượng còn tốt, phân loại, đóng thành từng bao gửi ra hỗ trợ bà con ở quê chị Mỹ. Các chị còn góp tiền mặt mua tập vở, bút viết chuyển ra cho học sinh huyện Lệ Thủy, giúp các em có điều kiện trở lại trường học sau lũ.
Chị Lê Thị Lý, người dân khu phố 2, trải lòng: “Bà con ở khúc ruột miền Trung đã vất vả xưa nay, lúc này càng khốn khổ hơn khi người, nhà cửa, tài sản, vật nuôi, cây trồng… chìm sâu dưới biển nước. Chị em chúng tôi có gì góp nấy, mong có thể chia sẻ, giúp bà con sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống”.
Ông Nguyễn Xuân Lục, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 2, phường 14 (quận Gò Vấp), chia sẻ: “Chúng ta đều hiểu, lúc này, bà con miền Trung đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người. Tấm lòng, sự san sẻ của cả nước sẽ khiến người dân vùng lũ thấy ấm lòng và vững tin vượt qua khó khăn, vất vả trong việc ổn định lại cuộc sống sau mưa lũ”.
Hơn bao giờ hết, truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam đã thể hiện rõ nhất trong thử thách, hoạn nạn.
Những ngày gần đây, các mạng xã hội liên tục đăng tải tin tức cập nhật từ vùng lũ, cùng rất nhiều lời kêu gọi phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác cứu trợ. Quỹ cứu trợ của MTTQ VN các cấp, cơ quan báo chí vẫn đang huy động sự tiếp sức của toàn xã hội.
Dù ít hay nhiều, đó là tấm lòng vì đồng bào “máu chảy ruột mềm”, trong đó, có những nam, nữ sinh viên dành trọn cả tháng lương đi làm thuê sau giờ học trên lớp, những em học sinh đập heo đất tiết kiệm để ủng hộ tiền mặt, gửi đến đồng bào miền Trung… Những tấm lòng thật đáng trân trọng!