“No đói giúp nhau”
“Nhà bà Ngoan còn tết không?”. Thấy bà Phạm Thị Nhàn, Phó Bí thư Chi bộ Khu phố 5, phường Linh Trung, TP Thủ Đức hỏi thăm, bà Quách Thị Ngoan (ngụ B203, tổ 10, khu phố 5, phường Linh Trung) hồ hởi: “Còn chớ cô! Quà bữa địa phương tặng vẫn còn, thêm phần cô tặng tôi, đủ thổi cơm trong 2 tháng tới”.
Bà Ngoan là người dân tộc Mường, sống neo đơn nhiều năm nay, sức khỏe yếu, hoàn cảnh rất khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của bà Ngoan, bà Phạm Thị Nhàn luôn quan tâm, động viên bà sống vui, khỏe. Những ngày lễ tết, ngoài phần quà địa phương chăm lo, bà Nhàn cũng chuẩn bị thêm những phần quà để dành tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn như bà Ngoan.
Bà Nhàn cho biết, trên địa bàn khu phố 5 còn nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, trong đó có các gia đình người dân tộc thiểu số. Tết Tân Sửu vừa rồi, cá nhân bà đã vận động hơn 124 phần quà tặng các gia đình ăn tết.
Bản thân là người dân tộc Mường, là đại biểu uy tín của đồng bào dân tộc thiểu số tại TPHCM, trong thâm tâm bà Nhàn luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…”.
Đau đáu lời dạy của Bác, với vai trò là một đảng viên, bằng uy tín của mình, bà luôn dốc sức vận động người thân, bạn bè cùng chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương và cả những tỉnh thành khác.
Với tâm niệm “no đói giúp nhau”, từ năm 2015 đến nay, ngoài nhiệm vụ ở khu phố, bà luôn tất bật chắt chiu những phần quà để chuyển đến vùng sâu vùng xa, miền sơn cước, trao tận tay những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bà bảo, không thể học Bác tất cả mọi điều nhưng những gì học được, làm được, bà nhất định cố gắng hết sức mình. Bởi vậy, đợt dịch Covid-19 đầu tiên, ngoài khoản tiền tiết kiệm của mình, bà cũng vận động thêm gần 90 triệu đồng để tặng các cán bộ, chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch và hàng trăm phần quà trao đến tay những gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Xe trái cây tặng công nhân ngày tết
Với chị Trần Huỳnh Thế Mỹ, chuyên viên bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, đã thành thông lệ nhiều năm, ngày đầu tiên của năm mới đi làm lại, hễ nhận được bao nhiêu tiền lì xì, chị và các bạn lại mang đi thăm và tặng quà các cụ già neo đơn tại các nhà dưỡng lão. “Tết mà, sẻ chia mới hạnh phúc. Chút quà nhỏ góp nhặt chỉ mong giúp các cụ thêm niềm vui trong ngày tết”, chị Thế Mỹ nói về việc làm của mình.
Không dừng lại ở thăm các cụ già, dịp tết, chị Thế Mỹ và các bạn còn mua trái cây mang đến phòng trọ tặng những công nhân phải đón tết xa quê. Hành động đẹp ấy xuất phát từ việc thương cảm những người bán trái cây dạo những ngày cận tết. “Trên những con đường đi qua, tôi thấy nhiều xe bán trái cây ế ẩm. Tôi muốn giúp họ nhưng bản thân và gia đình đâu thể mua được nhiều”, chị Thế Mỹ trăn trở.
Đêm ấy, không ngủ được, chị lên mạng đọc báo, thấy tin nhiều công nhân vì khó khăn, dịch bệnh nên ở lại TPHCM ăn tết. Vậy là chị nảy ra ý tưởng, mua trái cây mang tặng công nhân để họ có mâm ngũ quả cúng ông bà, như thế cũng sẽ giúp được người bán trái cây dạo có tiền lo tết.
Nghĩ là làm. Ngày 29 Tết, chị phóng xe đi mua trái cây tại các xe bán dạo dọc các tuyến đường. Cũng ngày hôm ấy, xe trái cây chở hơn 200 kg của chị Thế Mỹ chạy vào các khu nhà trọ công nhân trên địa bàn phường Linh Trung, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức). Mỗi gia đình được chị gửi tặng 2kg trái cây tươi ngon, nhờ đó, mâm ngũ quả cúng ông bà của gia đình công nhân ở khu trọ thêm phong phú.
“Khi ấy tôi chỉ nghĩ làm sao để giúp người lao động vui tươi, ấm áp trong những ngày tết. Tôi hạnh phúc khi thấy dù món quà mình gửi tặng rất nhỏ nhưng đã giúp anh chị em công nhân xa quê ấm lòng”, chị Thế Mỹ chia sẻ. Không chỉ chia sẻ tết với công nhân nghèo, chị còn giúp những người bán trái cây dạo bớt nỗi lo những ngày tết đến.
Không chỉ vậy, nhiều năm nay, chị Thế Mỹ và các bạn của mình còn đóng góp tiền, công sức để trao quà đến người khiếm thị, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kết hợp với các y, bác sĩ đến vùng sâu vùng xa khám bệnh, phát thuốc, tặng quà người dân khó khăn. Thương cảm hoàn cảnh khó khăn của những người bán vé số, nhặt ve chai, chị Thế Mỹ thực hiện dự án tặng thẻ BHYT, BHXH tự nguyện. Về BHXH tự nguyện, chị tặng người khó khăn chi phí mua trong 3 tháng đầu tiên, sau đó sẽ hỗ trợ 50% chi phí. Mục tiêu cuối cùng của dự án, chị mong giúp người lao động tự do có được ít chi phí khi tuổi cao, sức yếu.
Những tấm lòng như chị Thế Mỹ, bà Nhàn hay nhiều người dân bình dị khác đã góp thêm sắc màu tươi sáng cho cuộc sống, niềm vui mà họ mang đến những hoàn cảnh thiếu may mắn cũng được nhân lên.