TPHCM tuyên dương 5 Công dân trẻ 2006

Những tấm gương về nghị lực tuổi trẻ

Những tấm gương về nghị lực tuổi trẻ
Những tấm gương về nghị lực tuổi trẻ ảnh 1
5 điển hình “Công dân trẻ TPHCM năm 2006” trong buổi tuyên dương.
Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Sáng 29-12, lần đầu tiên tại TPHCM, danh hiệu “Công dân trẻ TPHCM năm 2006” được trao cho 5 bạn trẻ ưu tú của TP. Thành tích của họ không quá lớn lao nhưng lại là những tấm gương về nghị lực tuổi trẻ. Họ là ai?

Nguyễn Hữu Ân - người viết cổ tích thời hiện đại

Người viết nên câu chuyện ấy là Nguyễn Hữu Ân, sinh viên Trường Đại học Mở – Bán công TPHCM. Ân gặp má Phẳng lần đầu khi đang nuôi mẹ ruột bị ung thư giai đoạn cuối ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Lúc ấy, má Phẳng cũng bị ung thư nhưng mới phát hiện nên sức khỏe còn tương đối tốt. Coi mẹ Ân như chị em ruột nên hằng ngày, má Phẳng giúp Ân chăm sóc mẹ, khi cho ăn, lúc giúp làm vệ sinh.

Những tấm gương về nghị lực tuổi trẻ ảnh 2
Nguyễn Hữu Ân

Đến một ngày, mẹ Ân biết mình không qua khỏi, thương bà bạn già bệnh tật sống thui thủi một mình, mẹ Ân đã “cho” má Phẳng cậu út Ân làm con nuôi với lời trăn trối: “Hãy coi má Phẳng như mẹ ruột mình, con nhé”.

Vài tháng sau khi mẹ Ân mất, má Phẳng cũng nằm liệt giường. Ân lại ôm sách vở vào học ngay dưới chân giường má để tiện bề chăm sóc. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học, Ân chạy vào viện báo tin cho má, hai má con ôm nhau khóc ròng.

Đã 4 năm Ân sống cạnh má Phẳng, có những lúc khó khăn tưởng không vượt qua nổi, hai má con cùng cắn răng vượt qua. Độ này, má Phẳng yếu lắm rồi, Ân tạm thời gác chuyện tìm nơi thực tập để dồn sức lo cho má.

Lê Thanh Thúy - “Hoa hướng dương không có mặt trời”

Ngày vào học lớp 10 cũng chính là ngày Lê Thanh Thúy, học sinh lớp 11A3, Trường TH Thực hành (ĐH Sư Phạm TPHCM) bắt đầu đối diện với căn bệnh hiểm nghèo - ung thư xương. Trong khi bạn bè được tung tăng đến trường thì Thúy lại phải nhập viện để cắt khối u ở khớp gối chân phải.

Những tấm gương về nghị lực tuổi trẻ ảnh 3
Lê Thanh Thúy

Sau đó, vết thương không lành nên phải cắt bỏ luôn 2/3 chân. Nghỉ một năm học, Thúy quyết chí trở lại lớp với thầy cô, bạn bè. Em gắn chân giả rồi tập tễnh đến lớp. Học xong học kỳ 1 lớp 11, bệnh tái phát. Thúy lại tạm ngưng học để nhập viện.

Lần này, bác sĩ chỉ định phẫu thuật tháo bỏ khớp háng. Vượt qua những đau đớn của thể xác và dù đã biết trước tương lai nhưng Thúy vẫn hồn nhiên và đầy nghị lực: “Với em, sống cần phải lạc quan và có mục đích. Em tin rằng mình sẽ chiến thắng căn bệnh đã theo em hơn 3 năm nay. Em phải là một đóa hướng dương nhỏ bé, dù không có mặt trời nhưng vẫn phải sống và chiến đấu”.

Huỳnh Thanh Tuấn - anh công nhân có bằng đại học

Những tấm gương về nghị lực tuổi trẻ ảnh 4
Huỳnh Thanh Tuấn.

Tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ sinh học, Huỳnh Thanh Tuấn đã xin làm... công nhân ở Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre. Anh tâm sự: “Mới đầu khi quyết định đi làm công nhân, gia đình tôi lo lắng dữ lắm nhưng theo tôi dù là công việc nào đi nữa mà nó phù hợp với chuyên môn thì không có lý do để từ chối cả và hơn cả là lòng yêu nghề, đam mê với công việc”.

Xuất phát từ tình hình của xí nghiệp cần phải tạo ra nhiều sản phẩm mới, tiện dụng trong việc sử dụng sản phẩm, anh mạnh dạn tham gia nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu chế biến các sản phẩm ăn liền: nghêu, chả giò, há cảo, trong điều kiện chân không”.

Đề tài thành công và được áp dụng ngay lập tức. Hy vọng một ngày không xa, chúng ta sẽ tiếp tục được nghe kể về những công trình nghiên cứu của anh công nhân có bằng đại học này.

Nghiêm Văn Út - khắc tinh của tội phạm

Những tấm gương về nghị lực tuổi trẻ ảnh 5
Nghiêm Văn Út.

Cao lớn nhưng vụng về và rất ngại khi đứng trước đám đông, mới 30 tuổi nhưng anh Nghiêm Văn Út đã là Đội phó Đội Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy quận Bình Tân.

Bản tính ít nói nhưng mấy ai biết thời gian qua anh đã cùng đơn vị khám phá rất nhiều vụ án và bắt được nhiều tên tội phạm tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn quận. Công việc của anh hầu như đã chiếm hết quỹ thời gian nên muốn có ngày rảnh đi chơi, gặp gỡ bạn bè là rất khó khăn.

Anh tâm sự: “Cũng có lúc muốn thả lỏng mình một chút nhưng rồi công việc cứ dồn dập, bản thân là đội phó nên mình phải làm gương cho các bạn khác nữa”.

Hồ Quốc Thống - thành tài từ trẻ đường phố

Từ Quảng Ngãi, lên lớp 7, Hồ Quốc Thống đã bỏ học vì gia cảnh quá khó khăn rồi nhảy tàu vào Nam mưu sinh. 15 tuổi, một mình lang thang ở đất Sài Gòn, Thống chọn góc công viên là nhà và tụ tập, đàn đúm với bọn trẻ bán báo, đánh giày.

Những tấm gương về nghị lực tuổi trẻ ảnh 6
Hồ Quốc Thống.

Rồi cơ duyên đến khi Thống nghe tin Hội Bảo trợ trẻ em đường phố TP tổ chức dạy chụp ảnh miễn phí. Thống tìm đến học được 3 tháng thì chuyển sang học Photoshop thêm 7 tháng. Mới học hết lớp 7 nên khi mới bắt đầu học, Thống thấy thật khó khăn.

Nhưng rồi cứ nghĩ đến những lúc phải ăn sương ngoài đường và gia đình nghèo đói ở quê là Thống lại cố gắng vượt qua. Học nghề xong, Thống đến các studio ảnh cưới và tìm hiểu rồi mạnh dạn mượn ảnh cưới của studio về xử lý qua máy tính.

Thật không ngờ, sản phẩm là những album đẹp mắt. Tạo dựng được lòng tin, Thống liên tục nhận hợp đồng từ các tiệm chụp ảnh.

Bây giờ, Thống lập “đại bản doanh” ở căn nhà trọ bé tẹo của mình với gia tài là 3 máy vi tính chắt bóp từ nhiều năm qua. Những hợp đồng xử lý ảnh cứ dồn dập tìm đến anh “chuyên viên” tài năng. Còn Thống thì đang mơ ước thành lập một công ty để dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho những bạn trẻ cùng cảnh ngộ với mình. 

THẠCH THẢO – QUANG ÁNH

Nhiều mô hình hiệu quả thu hút đông đảo thanh niên

Ngày 29-12, Thành đoàn TNCS TPHCM tổ chức tổng kết công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP đồng thời trao danh hiệu “Công dân trẻ TPHCM năm 2006” cho 5 gương mặt trẻ xuất sắc. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua và Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo. Năm qua, từ những mô hình hiệu quả, Thành đoàn TPHCM đã giới thiệu việc làm cho hơn 150.000 thanh niên; khai thác hơn 36 tỷ đồng cho thanh niên vay vốn; xây dựng 15 hợp tác xã thanh niên; kết nạp 4.185 đảng viên trẻ từ đoàn viên ưu tú; vận động 3,8 tỷ đồng cho chương trình “Vì Trường Sa thân yêu”. Ngoài ra, Thành đoàn đã thành lập “Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân” và “Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” thu hút sự quan tâm của đông đảo thanh niên TP; đồng thời cho ra đời mô hình “Sàn giao dịch thị trường lao động” thu hút hơn 15.000 lượt thanh niên tham gia đăng ký tìm việc.

Tại buổi tổng kết, Thành đoàn đã trao danh hiệu “Công dân trẻ TPHCM năm 2006” cho 5 gương mặt trẻ xuất sắc: Nguyễn Hữu Ân (sinh năm 1984), Hồ Quốc Thống (1986), Lê Thanh Thúy (1988), Huỳnh Thanh Tuấn (1980) và Nghiêm Văn Út (1976).

B.T.T.

Tin cùng chuyên mục