Ba tháng vùi đầu trong kho xưởng, lùng sục khắp các cửa hàng đồ cũ, phế liệu, ông Lê Minh Hòa (38 tuổi, Tổ trưởng Tổ điện - điện lạnh, Xưởng sửa chữa ô tô Thành Lợi, thuộc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun) đã chế ra một loại dây cáp thay thế với giá thành rẻ hơn 1/25 so với mua mới. Loại dây cáp linh kiện này, các ô tô của hãng cứ phải thay mới 1 lần/năm, tốn 5 triệu đồng. Nhờ phát kiến của ông Hòa, tuổi thọ dây tăng lên 2-3 năm, mà giá tiền chỉ còn… 20.000 đồng/lần thay.
“Kho phế liệu” của người thợ điện lạnh
Năm 2010, các taxi của hãng liên tục vào xưởng thay cáp xoắn (dùng điều khiển còi, đèn xe). Ông Hòa xót ruột vì chỉ một đoạn dây cáp đơn giản, dài hơn gang tay mà thay mới hết 5 triệu đồng. Hãng có khoảng 5.000 ô tô nên chi phí thay đoạn dây cáp này mỗi năm là một khoản tiền không nhỏ. “Lãng phí quá, không lẽ hết cách?”, câu hỏi ấy cứ nung nấu trong đầu ông Hòa, mỗi khi rảnh ông lại cầm sợi dây cáp lang thang khắp nơi kiếm xem có cái nào phù hợp.
Công ty Vinasun cũng nhận thấy sợi cáp xoắn do ông Hòa “chế” có tuổi thọ lên tới 3 năm, thậm chí có xe lên tới 7-8 năm, qua đó tiết kiệm cho công ty cả tỷ đồng. Ông Hòa còn nhiều sáng kiến khác, mà tập trung vào việc gia công các chi tiết trong ô tô, như bố thắng, két nước, thước lái, quạt gió dàn lạnh…
Ông Hòa cho hay, bản thân ông cảm thấy day dứt khi đụng gì cũng phải thay mới. Cho nên khi ô tô phát sinh hư hỏng, ông mày mò tìm cách sửa chữa, tìm thiết bị tương đồng để gia công. Nhiều người trêu ghẹo mớ đồ nghề của ông như kho phế liệu, nhưng ông xem nó như gia tài. Quả thật, từ “kho phế liệu” ấy đã có rất nhiều sáng kiến vừa đảm bảo an toàn kỹ thuật, vừa tiết kiệm chi phí, đã được nhân rộng ra toàn bộ các xưởng của công ty, làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Giống như ông Hòa, “trách nhiệm” là 2 từ mà ông Hoàng Minh Phước (Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất, Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam) thường xuyên lặp lại khi trò chuyện với chúng tôi. Có lẽ chính tinh thần trách nhiệm cao là một yếu tố giúp ông thành công khi làm việc tại một tập đoàn lớn của Nhật Bản như Nissei.
Là Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất, ông Phước cho rằng những hạn chế liên quan đến kỹ thuật ít nhiều có trách nhiệm của ông. Vì vậy, bất kỳ than phiền nào từ khách hàng, hoặc những trục trặc mà đồng nghiệp ở các bộ phận khác góp ý, ông đều quyết tìm bằng được lời giải có lợi nhất cho công ty.
Không bỏ cuộc dù thất bại
Phòng kỹ thuật sản xuất của Công ty Nissei có hẳn một kệ dài trưng bày những sáng kiến, cải tiến của anh em kỹ thuật. Chỉ vào chiếc máy mô phỏng sáng kiến “Tự động hóa công đoạn cắt CenterSocket” (một linh kiện dùng làm đường truyền cho tín hiệu vô tuyến) nằm trang trọng trên kệ, ông Phước tự hào cho biết, thiết bị này đã có mặt ở khắp các nhà máy của công ty.
Nhớ lại năm 2015, lượng đơn hàng của công đoạn cắt CenterSocket tăng đột biến, cần phải tăng thêm nhiều dây chuyền sản xuất và nhân công thao tác cắt CenterSocket. Trong khi đó, nguyên liệu CenterSocket khá nhỏ và rất dễ biến dạng nên cần thao tác một cách cẩn thận, phải dùng kéo và cắt bằng tay.
Kết quả thành công ai cũng thấy, còn hành trình đầy áp lực phía sau ông Phước lặng lẽ giữ riêng cho mình… Lòng quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của ông đã mang về trái ngọt. Không chỉ là tự động hóa công đoạn cắt CenterSocket, thiết bị còn tự động hóa nhiều công đoạn khác. Ngoài số tiền tiết kiệm được cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm, điều làm ông Phước hạnh phúc hơn cả là không còn phải chứng kiến những tai nạn lao động như trước, khi công nhân phải thao tác thủ công.
Chỉ sau 2 năm làm việc tại Nissei, ông Hoàng Minh Phước đã được tin tưởng giao nhiệm vụ trưởng nhóm, rồi phó phòng và nay là Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất. Còn hành trình của ông thợ Lê Minh Hòa thì dài hơn. Tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành điện - điện tử, trước khi về đầu quân cho Vinasun ông Hòa đã từng thử sức ở nhiều cơ sở sửa chữa nhỏ lẻ. Đam mê với nghề, ông tự tìm tòi, học hỏi và sáng tạo, nay ông đã trở thành tổ trưởng, được anh em đồng nghiệp tin tưởng, mến thương.
Làm lợi cho công ty 2 tỷ đồng/năm Dịch Covid-19 hoành hành cũng là lúc nhu cầu sử dụng các loại nước rửa tay, sữa tắm diệt khuẩn tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam quyết định tăng sản lượng, nhưng làm thế nào để tăng mà không phải đầu tư máy mới? Ông Huỳnh Khắc Thịnh, nhóm trưởng các dây chuyền đóng gói, cho biết cách duy nhất là tăng hiệu suất dây chuyền sản xuất túi đựng các sản phẩm trên. Xác định đúng hướng, ông và đồng nghiệp ngày đêm nghiên cứu và nhận ra những hao tổn làm giảm hiệu suất máy, trong đó có hao tổn khá đơn giản như cách để túi trên băng tải. Cả nhóm bắt tay cải tiến, kết quả, hiệu suất của dây chuyền sản xuất túi nước rửa tay và sữa tắm tăng 30%, làm lợi cho công ty hơn 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Thịnh còn có 5 sáng kiến khác làm lợi cho công ty hơn 2 tỷ đồng/năm. Góp phần hạn chế cúp điện khu dân cư Từ một chút tinh ý khi làm việc, kỹ sư Vũ Huy Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gò Vấp, đã cho ra đời những sáng kiến không chỉ làm lợi cho đơn vị mà còn hạn chế tình trạng cúp điện trong dân cư. Thực tế, khi có một sự cố chập điện xảy ra thì một khu vực rộng trên địa bàn lại bị mất điện, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Để khắc phục tình trạng này, ông Tuấn đưa ra sáng kiến “Đánh giá nhanh vị trí sự cố trên cơ sở thu thập dòng sự cố”. Bằng một công cụ chuyên dụng, kỹ sư Tuấn tính toán nhanh để khoanh vùng và xác định vị trí những nơi không có sự cố một cách chính xác chỉ trong 5-10 phút. Nhờ đó, nhân viên nhanh chóng tiếp cận vị trí sự cố, đồng thời tái lập điện cho các khu vực không bị ảnh hưởng, giúp nâng cao độ tin cậy của khách hàng đối với đơn vị. |