Trân trọng truyền thống văn hóa
Nói về cơ duyên chọn Malaysia là quê hương thứ hai, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, người gốc Hà Nội, chia sẻ, anh chị quen nhau trong một lần đi du lịch ở Campuchia năm 2010. Phải lòng chị Mai, anh quyết bày tỏ tấm chân tình. Đến năm 2012, chị Mai theo chồng về Malaysia và xây dựng cuộc sống gia đình. Điều thú vị là dù là người ngoại quốc lại theo một tôn giáo khác, nhưng anh Saif Al din luôn yêu mến Việt Nam và trân trọng những truyền thống văn hóa của đất nước vợ mình.
Thuở mới sang Malaysia, chị mất vài tháng để làm quen với đồ ăn địa phương và phong tục tập quán, nhưng giờ đây mọi thứ đã trở nên thân thuộc. Lấy vợ Việt Nam, chồng chị cũng mê các món ăn Việt. Chị Mai vốn yêu thích nấu ăn từ bé nên luôn tranh thủ vào bếp trổ tài cho cả gia đình. Với tài nấu nướng khéo léo, từ năm 2014, chị Mai mở From Mai Home - một “bếp ăn” ngay tại nhà ở Kuala Lumpur chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam thân thiện với người theo đạo Hồi. Do chị bận rộn với công việc hàng ngày nên From Mai Home chỉ mở vào cuối tuần, nhưng thu hút nhiều thực khách. Mỗi suất ăn có nhiều món từ khai vị đến món chính, mỗi món một lượng nhỏ, để thực khách có cái nhìn toàn diện về ẩm thực Việt Nam. Tránh thịt lợn, các món ăn đều được chị Mai chế biến từ thịt bò, gà hoặc hải sản, với cách nêm nếm gia vị mạnh và dậy mùi gần giống khẩu vị của người Malaysia. From Mai Home còn được giới thiệu trên các trang ẩm thực của Malaysia và nhận được đánh giá tích cực.
Chị Mai cho biết: “From Mai Home cũng đã giúp tôi mở rộng mạng xã hội ở Malaysia và có thêm nhiều bạn mới”. Thông qua ẩm thực, chị đã giữ được mối liên hệ của mình với quê hương, đồng thời giúp mọi người hiểu về đất nước và văn hóa của Việt Nam. Vì thế, không chỉ bán món ăn, chị còn dành thời gian trò chuyện với khách để giới thiệu về từng món, nguồn gốc, nguyên liệu, ý nghĩa của chúng. Các món ăn như bún bò Huế, bánh xèo... của chị đều chiếm được cảm tình của các thực khách Malaysia ngay lần đầu tiên. Để món ăn Việt phổ biến rộng rãi hơn ở Malaysia, chị còn mở lớp dạy nấu ăn hàng tuần dành cho những người yêu thích món Việt. Có rất nhiều phụ nữ Malaysia đã đến với lớp nấu ăn này, tự tay làm các món Việt và về nấu cho gia đình. Món ăn Việt cũng từ đó xuất hiện thêm ở nhiều căn bếp của người bản địa.
Dịch Covid-19 ập đến, từ năm 2020, chị Mai quyết định đổi hướng kinh doanh và quay trở lại công việc yêu thích là làm logistics. Với kinh nghiệm sẵn có ở Việt Nam và sau thời gian tìm hiểu về mặt hàng trái cây như vải, bơ, chị đã mạnh dạn nhập trái cây quê hương sang nước bạn. Thời gian đầu cũng gặp không ít khó khăn do chưa hoàn thiện ở khâu bảo quản, nhưng về sau mọi thứ trở nên thuận lợi.
Được trở lại với công việc yêu thích và trở về quê hương thường xuyên hơn cũng là động lực giúp chị gắn bó nhiều hơn với logistics. Chị chia sẻ: “Trái cây Việt Nam rất ngon, nhưng khi sang nước bạn thường giá bán rất cao. Thuận lợi nhất là Malaysia và Việt Nam khá gần nhau nên chi phí vận chuyển cũng nhẹ hơn so với các nước khác. Đưa nông sản Việt sang Malaysia là cách hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam, cũng như giới thiệu rộng rãi hơn đặc sản của quê hương mình”.
Kinh doanh, công việc gia đình bận rộn, nhưng chị Mai vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào và công tác của cộng đồng. Theo chị Mai, sự kết nối của cộng đồng người Việt tại Malaysia rất mạnh mẽ. Bên Malaysia có rất nhiều hội nhóm người Việt, kết nối đông đảo các cô dâu Việt, lao động Việt Nam tại Malaysia và cả các du học sinh Việt. Nhất là sau khi Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam (MVFA) được thành lập vào năm 2023 theo quyết định của Bộ Nội vụ Malaysia, người Việt Nam đã có mái nhà chung lớn mạnh.
Vạn sự khởi đầu nan
Trong số các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng tại Nhật Bản được đánh giá đang ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp cho đất nước. Riêng phụ nữ Việt Nam tại Nhật Bản từng bước khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Họ vượt qua sự bỡ ngỡ, rào cản ngôn ngữ, văn hóa, tập tục, luôn cố gắng khẳng định mình khi làm dâu xứ người.
Nên duyên với anh Murakami Kazuyuki vào năm 2017, chị Bùi Thị Ngọc Thúy, 38 tuổi, người Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, chưa từng nghĩ sẽ bắt tay quản lý một nông trại lớn, cùng chồng gây dựng cơ ngơi vườn rau bạc tỷ của gia đình tại Iwanuma tỉnh Miyagi. Không thuê nhân công bên ngoài, nàng dâu cùng các thành viên trong gia đình tự tay chọn từng hạt giống, xới đất và thu hoạch
Chị chia sẻ: “Đúng thời điểm Thúy chuyển qua Nhật sinh sống thì cả 2 nhân viên duy nhất của chồng cũng vừa nghỉ việc. Lo lắng và thương chồng vì một mình phải gồng gánh cả nông trại. Thấy mẹ chồng lớn tuổi, vừa thu hoạch vừa đóng gói từng bó rau giữa mùa đông lạnh thấu xương mà Thúy không thể cầm lòng và bắt tay vào phụ giúp. May mắn ở chỗ, Thúy vốn là một nhà kinh doanh ở Việt Nam nên đây là hành trang cho chị khi bắt đầu công việc kinh doanh nông sản cùng chồng. Được chồng luôn yêu thương ủng hộ và đồng hành trong mọi công việc nên dù gặp khó khăn lúc đầu do bất đồng ngôn ngữ, suy nghĩ về văn hóa, phong tục tập quán, Thúy đều có thể vượt qua được”.
4 năm trước, chị cho ra mắt kênh YouTube Thuy TV, với bối cảnh chính là những thước phim về hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình trên cánh đồng mẫu lớn với diện tích 50ha. Các cảnh quay lồng ghép về đời sống thường nhật như bữa cơm thường ngày, hoạt động thường nhật của các thành viên trong gia đình trở thành điểm thu hút gần 11.000 người đăng ký theo dõi kênh.
Nói về Thuy TV, chị cho biết: “Trước hết, những thước phim của Thuy TV để làm kỷ niệm và cũng để gia đình người thân ở Việt Nam nhìn thấy cuộc sống công việc của Thúy nơi xứ người mà an tâm. Cho đến nay, chị Thúy được rất nhiều kiều bào Việt Nam ở nhiều nước rất yêu mến vì đã cho họ nhìn thấy được sự cố gắng nỗ lực, một sức sống mãnh liệt, thích nghi với mọi điều kiện sống, là động lực cố gắng mỗi khi gặp khó khăn vất vả”. Hầu hết các loại rau ở Nhật chị Thúy trồng cũng khá giống ở Việt Nam, ví dụ củ cải, bắp cải, cà tím, cà chua.
Trang thông tin MIA của Hiệp hội Quốc tế hóa tỉnh Miyagi ghi nhận những nỗ lực của chị trong công việc làm nông và chăm sóc gia đình. Qua đó, chị Thúy đã góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về một phụ nữ Việt Nam đam mê sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản. Một tờ báo địa phương có tên Kahoku Shinpo hướng đến đối tượng độc giả là các em nhỏ, cũng đưa tin xoay quanh công việc và đời sống của chị Thúy.
Chị Thúy khiêm tốn bày tỏ những nỗ lực không ngừng hướng đến một tương lai tươi sáng, ý nghĩa hơn. Về những dự định tương lai, chị Thúy cho biết, tuy công việc nông trại đang phát triển, nhưng chị luôn lo lắng rằng sẽ có lúc không thể kham nổi những công việc vốn đòi hỏi nhiều sức khỏe và sự kiên trì này. Vì thế, vợ chồng chị vẫn đang đầu tư vào các ngành nghề mới nhằm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Hiện tại và tương lai bây giờ quan trọng nhất với chị vẫn là việc chăm sóc nuôi dạy bé Yamato, 5 tuổi, và cùng hậu phương vững chắc là anh Murakami phát triển sự nghiệp.