Khát vọng trên đỉnh vinh quang
Khép lại sứ mệnh ở SEA Games 32, cũng là thời điểm HLV Mai Đức Chung dành cho mình khoảng trời riêng bên gia đình, dù cuộc trò chuyện giữa 2 vợ chồng lúc này sắp điểm sang ngày mới.
Nói như nhà cầm quân 71 tuổi, cuộc gọi ấy không chỉ thông báo, mà còn là món quà tặng vợ, người phụ nữ một đời hy sinh để tạo nên vinh quang cho ông của ngày hôm nay. Đầy thăng trầm với nghiệp bóng đá, ông Chung vẫn luôn giữ cốt cách giản dị, chất phác, sống trọng tình cảm... và giống như một người cha mẫu mực, ông hết lòng yêu thương các cô gái vàng của bóng đá nữ Việt Nam.
Chiến thắng ở SEA Games 32 càng khẳng định tài năng và sự đóng góp vĩ đại của ông Chung "xe ca" cho bóng đá nước nhà. Trong 6 lần giành HCV SEA Games cùng bóng đá nữ, hành trình trên đất Phnom Penh khiến nhà cầm quân 71 tuổi căng thẳng nhất.
Đây có thể là kỳ đại hội cuối cùng của nhiều trụ cột như Thùy Trang, Huỳnh Như.... và tuyển nữ Việt Nam đang có bước chuyển giao lực lượng đầy mạnh mẽ. Giành chức vô địch đã khó, giữ được danh hiệu còn khó hơn bội phần. Song, chẳng có khó khăn nào cản bước được đà thăng tiến của đội tuyển nữ Việt Nam.
Huỳnh Như và Hoàng Thị Loan nhận huy chương vàng bóng đá nữ SEA Games 32 |
Chẳng tìm thấy thái độ “trên mây” nào ở các cô gái vàng - những người đã vượt gian truân để giành vé dự World Cup nữ 2023, hay 3 lần liên tiếp đoạt HCV SEA Games trước đó. Những chiến thắng của đội tuyển nữ Việt Nam ở SEA Games 32 đến từ kinh nghiệm xen lẫn sự lọc lõi của thầy trò HLV Mai Đức Chung. Đó là phẩm chất được đội tuyển nữ Việt Nam cần mẫn trui rèn trong suốt cả chục năm.
Trong khi các đối trọng là đội tuyển Thái Lan, Myanmar hay Philippines bất ổn về phong độ, thì Huỳnh Như cùng đồng đội đã duy trì sự “thống trị” đầy bền bỉ. Từ sự vững vàng ấy mà thế hệ của Bích Thùy, Thanh Nhã, Vạn Sự... đã có bước trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, tạo nên sự lạc quan cho bóng đá nữ Việt Nam trong tương lai gần.
Trong ngày vui chiến thắng, khoảnh khắc Thúy Nga đi những bước tập tễnh lên bục nhận huy chương vàng đã khiến nhiều người có mặt ở sân Olympic vô cùng xúc động. Các cô gái đã lăn xả, chiến đấu hết mình để bảo vệ ngôi hậu trong sự thán phục của các đối thủ. Phần lớn các học trò của HLV Mai Đức Chung với xuất phát điểm có hoàn cảnh gia cảnh chưa thật sự thuận lợi. Biến cố từ cuộc sống nhiều lần lấy đi giọt nước mắt của họ, song không bao giờ đánh bại ý chí sắt thép của những người hùng sân cỏ.
Những nụ cười rạng rỡ của các cô gái vàng bóng đá Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Giành HCV SEA Games 32 sẽ là sự khởi đầu hanh thông cho hành trình hướng đến World Cup nữ 2023 của thầy trò HLV Mai Đức Chung.
Nghị lực vượt gian khó
Vài trăm mét cuối cân não ở nội dung xuất phát đồng hàng, tay đua Nguyễn Thị Thật đã có pha bứt tốc kinh điển, vượt qua đối trọng Jutatip Maneephan (Thái Lan) để lao về đích, mang về tấm HCV SEA Games 32 duy nhất trong sự nghẹn ngào của xe đạp Việt Nam. Cô gái quê An Giang đã chinh phục danh hiệu SEA Games thứ 4 liên tiếp bằng ý chí, lòng quả cảm và tinh thần không đầu hàng số phận.
Trưởng thành trong một gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo Tịnh Biên (An Giang) đã tạo nên một Nguyễn Thị Thật rắn rỏi, cùng ý chí và nghị lực vượt gian khó. Ở tuổi 15 tinh khôi, Thật được ba mẹ cho theo chân thầy Ngô Quốc Tiến lên thành phố tập luyện với suy nghĩ đơn giản đỡ phần áp lực "cơm áo" trong gia đình. Khi đó, cô gái sinh năm 1993 cũng chẳng biết đua xe đạp là gì. Hoàn cảnh khó khăn của Thật đâu dám nghĩ một ngày bộ môn được xem là quý tộc đã làm thay đổi cuộc đời của cô sau này.
Đều đặn mỗi tuần, cô gái với thể hình rắn chắc ấy dễ dàng hoàn thành khối lượng đường chạy đến 300km. Chạm ngưỡng tuổi 30, Nguyễn Thị Thật đã là nhà vô địch châu Á, huy chương bạc Asiad và 4 lần vô địch SEA Games. Thật chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất: "Tới lúc này tôi vẫn còn hạnh phúc vì trở thành tay đua Việt Nam đầu tiên đoạt chức vô địch châu Á. Cảm xúc này sẽ theo tôi mãi cho đến hết sự nghiệp của mình. Cực kỳ đáng nhớ!".
Nguyễn Thị Thật bảo vệ thành công HCV tại SEA Games 32. Ảnh: P.MINH |
Song, để có được một Nguyễn Thị Thật của ngày hôm nay, bản thân cô đã không ngừng kiên trì tập luyện hàng ngày. Đua xe đạp là một trong những môn thể thao đầy khắc nghiệt. Rất nhiều vận động viên đã không chịu nổi sự cực khổ mà phải từ bỏ đam mê.
Và cũng chính Thật cảm nhận rõ hơn ai hết khi bộ môn này đã lấy đi rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu của cô. Nhưng bằng niềm tin mãnh liệt cùng ý chí sắt thép, cô gái An Giang đã làm rạng danh nước nhà với bản thành tích đồ sộ. Nguyễn Thị Thật được xem là một biểu tượng của khát vọng vượt ngưỡng bản thân, vươn lên trong thể thao.
Quảng bá văn hóa Việt ra thế giới
Đó là một buổi sáng cuối tuần đẹp trời, trên các phương tiện truyền thông đồng loạt đăng tải hình ảnh Huỳnh Như cùng các đồng nghiệp ở CLB bóng đá nữ Lank đội chiếc nón lá Việt, trên cổ khoác chiếc khăn rằn Nam bộ. Những chiếc nón lá, khăn rằn tuy mộc mạc và giản dị, thậm chí giá trị vật chất không lớn, nhưng ẩn chứa đằng sau là biểu tượng văn hóa đầy ý nghĩa, lan tỏa nét đẹp của người phụ nữ Việt ra toàn thế giới.
Và những ngày ở Bồ Đào Nha xa xôi, Huỳnh Như đã chọn cách thổi hồn dân tộc để bắt chuyện, gắn kết các đồng đội. Nhờ chính những món quà truyền thống ấy đã giúp chủ nhân 5 Quả bóng vàng Việt Nam phá vỡ rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa... để cùng mọi người hòa thành một, trở nên gần gũi với nhau hơn.
Bên cạnh Huỳnh Như (bóng đá), Nguyễn Thị Thật (xe đạp) và Trần Thị Thanh Thúy (bóng chuyền) là 2 tài năng vượt bậc khác của thể thao Việt Nam được các CLB chuyên nghiệp nước ngoài mời chào ký hợp đồng. Thông qua những chuyến xuất ngoại đáng nhớ này, không chỉ giúp cả 3 tích lũy kinh nghiệm để trở về phục vụ cho thể thao nước nhà, mà còn lan tỏa văn hóa Việt đi khắp muôn nơi.
Vô cùng mạnh mẽ khi bước ra sàn đấu, nhưng trở về cuộc sống đời thường, các cô gái vàng của thể thao Việt ẩn mình với hình ảnh đứa con hiếu thảo, là người chị hết mực yêu thương, chìu chuộng các em.