Điều tương tự cũng vừa xảy ra khi đội tuyển nữ Việt Nam đá giao hữu với đội tuyển Đức, một trong những đội bóng thành công nhất lịch sử bóng đá nữ với 2 chức vô địch thế giới và 8 lần vô địch châu Âu. Các cô gái Việt Nam thua trận, nhưng tỷ số chỉ là 1-2 và “bàn thắng vàng” do Thanh Nhã, người được kỳ vọng sẽ tiếp bước Huỳnh Như, ghi ở những phút đá bù giờ.
Bóng đá thế giới bất ngờ với kết quả đó. Truyền thông ở Đức “sốc” vì đây là trận giao hữu chính thức duy nhất của Đức trước vòng chung kết World Cup nữ 2023. Họ liên tục tìm kiếm các thông tin về Việt Nam, hòng có những dữ liệu để “bào chữa” cho màn trình diễn kém cỏi của đội nhà. Kết quả đó cũng khiến cho Việt Nam từ chỗ bị ấn định là “đội lót đường” lại được quan tâm rất nhiều. Trên trang chủ FIFA World Cup nữ 2023 liên tục có các bài viết về Việt Nam, đội bóng chỉ mới lần đầu tiên dự vòng chung kết World Cup nhưng đang được kỳ vọng sẽ làm rạng danh bóng đá Đông Nam Á.
Chắc chắn, cuộc trải nghiệm sắp đến ở World Cup nữ 2023 được tổ chức tại Australia và New Zealand của bóng đá nữ Việt Nam sẽ đầy thử thách, như con thuyền đi vào tâm bão. Nhưng đó là đấu trường mơ ước, là đỉnh cao của sự nghiệp cầu thủ, là cái đích sau cùng của niềm đam mê chơi bóng. Thầy trò HLV Mai Đức Chung không được kỳ vọng sẽ tạo ra được kỳ tích ở sân chơi quá tầm, nhưng sự có mặt của họ tại ngày hội lớn nhất của bóng đá nữ thế giới tự thân nó đã mở ra vận hội mới cho bóng đá Việt Nam.
Chúng ta đã dự futsal World Cup, U20 World Cup và bây giờ là bóng đá nữ. Quan sát kỹ, chúng ta sẽ nhìn thấy một con đường rộng mở cho nền bóng đá. Đó là kết quả của một quá trình đầu tư bền bỉ, ở những lĩnh vực tương đối mới, rất khó thu hút các nguồn lực xã hội, kém xa bóng đá nam. Ngoài quyết tâm của những nhà quản lý, kết quả này cũng cho thấy nếu có cách làm đúng đắn và sự kiên định về chiến lược “đi tắt, đón đầu” thì bóng đá Việt Nam có thể thu hẹp được khoảng cách với đỉnh cao của thế giới. Quá trình ấy có thể rất dài lâu, đầy thử thách, nhưng cái đích thì không còn xa và như đã thấy với bóng đá nữ, lợi ích đem lại cho hình ảnh đất nước là rất lớn.
Tròn 30 năm kể từ ngày đội bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại Trung tâm TDTT quận 1 (TPHCM), bây giờ, đội tuyển Việt Nam đã đến World Cup. Cuộc hành trình ấy không chỉ được tính bằng thời gian mà còn tính bằng hàng triệu giọt mồ hôi trong tập luyện, những chấn thương đau đớn không có tiền để chữa trị, tuổi thanh xuân và không ít dị nghị về chuyện “con gái mà đi đá bóng”…
Thế nên, nếu gọi các học trò của HLV Mai Đức Chung là những “sứ giả bóng đá” cũng không quá lời. Bởi chỉ riêng nỗ lực của họ đã là những câu chuyện đầy cảm hứng và nhiều khác biệt. Họ đại diện cho tình yêu bóng đá, khát vọng vươn lên, ý chí phấn đấu và các phẩm chất đáng quý của VĐV thể thao Việt Nam. Từng phút mà họ chơi bóng tới đây ở World Cup sẽ là những khoảnh khắc để đời, khi thế giới sẽ xem chúng ta chơi bóng sòng phẳng cùng các đội tuyển hàng đầu thế giới.