Giữ chân khán giả nhỏ
Trước khi Ngày xửa ngày xưa sáng đèn suất đầu tiên vào ngày 1-7, các em nhỏ đã và đang được thưởng thức hàng loạt vở diễn, chương trình nghệ thuật đa sắc khác tại TPHCM. Trong đó có vở diễn Vương quốc những người xấu xí phần 2 với tên gọi Bộ lạc nanh trắng (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Huy Hoàng) của Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Trong nhiều suất diễn vừa qua tại đây, vở luôn “cháy” vé. Để giữ chân khán giả, giá vé của sân khấu cũng rất mềm - 70.000 đồng/vé và 200.000 đồng/3 vé, diễn liên tục vào các sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, chia sẻ: “Khi dựng vở, ê kíp cố gắng kiến tạo một không gian sân khấu nhiều màu sắc, đậm chất trẻ thơ, vui nhộn, cuốn hút khán giả nhỏ tuổi qua câu chuyện chung tay bảo vệ thiên nhiên, động vật quý hiếm. Tôi rất mừng khi sân khấu thiếu nhi của 5B hoạt động trở lại từ tháng 3-2022 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo khán giả. Đây là tín hiệu tích cực, khả quan cho sân khấu, là động lực để chúng tôi nỗ lực duy trì nhịp diễn và ra mắt thêm các vở mới”.
Trong khi đó, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng liên tục thay đổi, dựng mới các chương trình biểu diễn. Bên cạnh các vở kịch xiếc hấp dẫn và cuốn hút khán giả Ba Tư huyền bí, Công chúa tóc mây, Mekong show, nhà hát vừa ra mắt chương trình xiếc tổng hợp Giấc mơ tuổi thơ, trình diễn những màn xiếc cuốn hút: tung hứng với đuốc, vòng tròn, nón, bóng, đu dây trên không, lắc vòng, đạp xe một bánh, múa lụa, trượt patin, lớp học của những chú chó ngoan, xiếc hề… Chương trình diễn liên tục vào 2 ngày cuối tuần trong suốt tháng 6-2022. Riêng sự sôi động độc đáo của khu trải nghiệm múa rối và xiếc dành cho trẻ thơ trong khuôn viên rạp xiếc tại Công viên Gia Định sẽ phục vụ thiếu nhi vào sáng chủ nhật hàng tuần.
Trong khi đó, Nhà hát Múa rối Nụ Cười (rối cạn) và Nhà hát Múa rối Rồng Vàng (rối nước), đóng tại Cung văn hóa Lao động TPHCM, liên tục phục vụ khán giả các suất diễn vào buổi sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.
Cung không đủ cầu
Sau khi xem kịch thiếu nhi tại Sân khấu kịch 5B, anh Bùi Thiện Nhân (ngụ huyện Nhà Bè) chia sẻ: “Tôi là khán giả thân quen của sân khấu. Hồi tháng 4, tôi chở hai con đến xem phần 1 của vở Vương quốc những người xấu xí, nay có phần 2 nên tôi lại chở hai con đi xem tiếp. Nhìn con xem kịch thật vui và hào hứng, tôi cũng vui theo. Tôi thấy sân khấu thiếu nhi tại TPHCM vẫn còn quá thiếu so với nhu cầu của các bé. Các con luôn cần có không gian tinh thần ngoài các chương trình truyền hình, game show hay giải trí trên mạng”.
Những năm gần đây, tuy vẫn được một số đơn vị nghệ thuật quan tâm đầu tư dàn dựng các tác phẩm kịch, xiếc, múa rối…, nhưng thực tế chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của thanh thiếu niên, nhi đồng tại TPHCM. Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn tâm tư: “Khi đầu tư sân khấu cho trẻ con, tôi thích làm kiểu “dội bom”, đầu tư lớn, quy mô, điều đó cho tôi cảm giác mình làm đúng trách nhiệm đối với con trẻ, phải làm sao cho chương trình lung linh, thần tiên, vì như vậy, trẻ con được thỏa chí mơ mộng, cho các con cảm giác đến với sân khấu là đến với cảm giác lung linh. Đây cũng là cách nuôi khán giả tương lai cho sân khấu của Idecaf. TPHCM hiện có 593 trường tiểu học, chưa tính khối mẫu giáo, mầm non. Số lượng này cho thấy khán giả tương lai rất nhiều. Vấn đề ở chỗ, thành phố chưa chú trọng nhiều đến việc đào tạo lực lượng khán giả tương lai, chưa có những dự án đầu tư mang tính chiến lược lâu dài để phát triển mô hình sân khấu phục vụ thiếu nhi và đào tạo khán giả kế thừa”.
Thực tế, sân khấu thiếu nhi nếu làm tốt sẽ đạt được rất nhiều hiệu quả: phát triển các loại hình nghệ thuật sân khấu; đẩy mạnh nguồn thu, xây dựng nguồn khán giả tương lai. Trước mắt, một thành phố lớn như TPHCM cần xây dựng thêm nhiều sân khấu thiếu nhi để đáp ứng thực tiễn đang thiếu hụt; đồng thời, việc có nhiều sân chơi giải trí nghệ thuật mang tính cộng đồng góp phần hạn chế trẻ con tự “trói buộc” không gian cuộc sống với các thiết bị công nghệ điện tử…
Lướt Facebook và thấy có chương trình kịch thiếu nhi ở sân khấu 5B, chị Trần Thị Yến Nhi, giáo viên Trường Mầm non 6 quận Tân Bình, đã rủ bạn cùng chở hai con gái nhỏ đi xem kịch. Chị cho biết: “Tôi thấy chương trình rất bổ ích cho bé. Con được xem kịch có nội dung phù hợp, được giao lưu với diễn viên, tiếp xúc với nhiều bạn nhỏ. Mong rằng trong hè sẽ có thêm những vở kịch thiếu nhi hay và hấp dẫn như vậy, để tôi và bạn bè có thể cho con mình đến xem. Tôi cũng mong trường học của mình sẽ liên kết với các đơn vị nghệ thuật để có những suất diễn dễ thương như vậy cho các bé xem”. |