Từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, người dân thôn Blên, xã Lơ Pang (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) ra quân trồng rừng tại tiểu khu 532. Qua 2 đợt, cộng đồng thôn đã trồng được 11,5ha cây keo. Tuy nhiên, dù mới trồng nhưng cây keo đã chết phần lớn. Ghi nhận thực tế, cây keo cao từ 20-30cm bị khô, lá vàng, chết đứng. Ông Đinh Kai, Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang, cho biết, trước đây khu vực thôn Blên trồng rừng là đồi trống nhưng nay trồng cây thì chết khá nhiều. Lý do vì trồng trễ vụ, vị trí trồng nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển nên bị ảnh hưởng của gió, sương muối… Cách vị trí trên khoảng 6km theo hướng xuôi về xã Lơ Pang, phóng viên còn phát hiện một điểm trồng rừng khác cũng có nhiều cây keo bị chết. Vị trí này trồng 2 loại cây, gồm cây bạch đàn 4 năm tuổi và cây keo 2 năm tuổi xen lẫn. Nếu như bạch đàn phát triển tốt thì hàng loạt cây keo cao từ 1,5-2m đã bị chết khô. Theo người dân, diện tích rừng này do cá nhân trồng nhưng phát thực bì không kỹ nên lửa cháy làm chết cây.
Ông Krung Dam Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang (Gia Lai), cho biết, nhiều vị trí trồng rừng ở xã Đê Ar, Đắk Trôi (huyện Mang Yang), cây cũng không phát triển do trồng trên đất rừng khộp, chất đất không phù hợp… Còn tại huyện Đức Cơ (Gia Lai), ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, thông tin, theo thống kê diện tích rừng kém phát triển khoảng 8ha nằm ở xã Ia Pnôn, được trồng trong các năm 2017 và 2018. “Lâu nay người dân tự đi mua cây giống nên không tìm hiểu kỹ, nhiều cây không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hệ lụy nhìn thấy trước mắt là dân mua cây giống keo không đảm bảo chất lượng, dẫn đến tỷ lệ sống kém. Vì thế, đơn vị mong muốn cơ quan chức năng có phương án đứng ra mua cây giống về cấp cho dân”, ông Nguyễn Quốc Tư kiến nghị.
Vừa qua, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai đi kiểm tra, giám sát việc trồng rừng trên địa bàn tỉnh, xác định có nhiều tồn tại. Cụ thể, một số cây sinh trưởng kém, hiệu quả thấp. Đơn cử như tại huyện Chư Pah, cây keo lá tràm, keo tai tượng trồng từ năm 2017, nhưng đến nay chỉ cao 3-5m, chu vi thân chỉ đạt 15-25cm. Tỷ lệ cây sống ở một số diện tích trồng rừng thấp như tại huyện Krông Pa, trồng năm 2018 với 144ha, nghiệm thu năm 2021, có tỷ lệ cây sống dưới 50%; diện tích trồng năm 2019 là 105ha, nghiệm thu năm 2021, có tỷ lệ sống cũng dưới 50%... Ở một số khu vực khác, người dân lựa chọn loại cây trồng chưa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, dẫn đến thiệt hại về kinh tế…
Cũng theo báo cáo của đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai, hiện chưa có đơn vị, tổ chức nghiên cứu về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cụ thể của từng khu vực để khuyến cáo hoặc mua, cung ứng giống cây trồng đảm bảo chất lượng cho người dân. Vì vậy, cơ quan này kiến nghị Sở NN-PTNT Gia Lai tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng; tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể, xác định từng loại giống có đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng, đặc biệt là loại cây trồng phù hợp với khu vực bán ngập của các công trình thủy lợi, thủy điện để định hướng người dân tham gia trồng rừng nhằm đảm bảo hiệu quả.
Thanh tra trồng rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa |