Vài năm trước, nữ doanh nhân địa phương Marielle Philip đã bắt đầu sử dụng da cá để làm da thuộc. Cô tiếp thu truyền thống Bắc Âu cổ đại từ mẹ mình, thu thập các sản phẩm phụ không mong muốn để sản xuất da sống.
Từ xưởng nhỏ của mình, Marielle khai thác những tấm da thô đã bị các cửa hàng bán cá bỏ đi. Quá trình này khá lâu, mất khoảng hai tuần để chuyển từ da thô đến da nhuộm và thành phẩm. Da được ngâm nhiều lần - trong bồn tắm thuộc da và nhuộm màu, sau đó trải qua quá trình xử lý cơ học - chúng được làm phẳng và kéo dài, đạt được độ mềm dẻo tốt hơn và độ mịn nhất định ... Hiện Marielle bán da thuộc trực tuyến và cung cấp cho các nhà sản xuất địa phương quy mô nhỏ. Nhờ sự hỗ trợ từ Quỹ Hàng hải, Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản châu Âu, việc tận dụng cải tiến chất thải cá bị loại bỏ này đã mang lại thành công.
Câu chuyện thành công của những phụ nữ như Marielle được chú ý trong lĩnh vực thủy sản vốn do nam giới thống trị. Ở châu Âu, chưa đến 4% lao động trên các tàu đánh cá và dưới 1/4 lao động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là phụ nữ. Nhưng trên đảo Kefalonia của Hy Lạp, một công ty nuôi trồng thủy sản do nữ lãnh đạo đang cân bằng lại tỷ lệ này. Kể từ cuối những năm 1990, hãng cá Kefalonia Fishery nuôi cá vược và cá tráp trong lồng nổi đã tăng sản lượng lên gấp 30 lần. Phần lớn đội ngũ quản lý của công ty là phụ nữ. Nắm bắt sự đa dạng đó, công ty cũng giúp nhân viên của mình dễ dàng cân bằng giữa công việc và nghĩa vụ gia đình hơn.
Làm việc trên biển rất khó khăn về thể chất, đặc biệt là trong mùa đông, nhưng điều đó không ngăn được Katerina Katsika. Cô đã nuôi cá trong lồng được 30 năm và hiện đang chịu trách nhiệm đảm bảo lượng cá luôn đáp ứng tiêu chuẩn. Hàng năm, nhóm của Katerina, hầu hết là phụ nữ trẻ, chăm sóc cho một triệu con cá nhỏ để bảo đảm chúng không bị bệnh tật. Hay như Evi Abatzidou, quản lý trại giống tại Kefalonia Fishery. Cùng với các đồng nghiệp của mình, cô giám sát đàn cá bố mẹ, theo dõi sự phát triển của cá con từ trứng nhỏ đến ấu trùng và cá con. “Các quy trình sản xuất giống rất khoa học, chúng phải rất chính xác và công việc phải rất cẩn thận. Phụ nữ rất giỏi trong việc này”. Các nữ nhân viên của Kefalonia Fishery cũng đóng vai trò hàng đầu trong việc kiểm soát chất lượng, nhất là đối với ngành thủy sản, chế biến và đóng gói sản phẩm.
Tổ chức các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản Hellenic, đại diện cho 80% ngành nuôi trồng thủy sản của Hy Lạp, đang thực hiện nhiều dự án tiếp cận phụ nữ trẻ. Giám đốc Truyền thông Ismini Bogdanou của cơ quan cho biết mục tiêu là xóa tan những quan niệm sai lầm và khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia sự nghiệp trong ngành này: “Chúng tôi đang cố gắng đưa vào trường học kiến thức về nuôi trồng thủy sản. Chúng tôi tổ chức các cuộc hội thảo, viết bài về phụ nữ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và giới thiệu cho phụ nữ những con đường, con đường sự nghiệp khác nhau mà họ có thể đi nếu muốn tham gia lĩnh vực này”.
Để đạt được bình đẳng giới sẽ cần nhiều thời gian. Nghề cá ở châu Âu tuy vẫn còn chậm thay đổi nhưng chắc chắn sẽ thoát khỏi định kiến lỗi thời rằng đây là nghề chỉ dành cho nam giới.