Quà không có gì nhiều: cái bánh Trung thu làm bằng bột sắn bé tẹo, ít kẹo chanh, bì bỏng bắp với một bịch nhỏ bánh “tai heo” (thứ bánh làm từ bột mì sấy khô giòn, cứng, hình dạng giống tai con heo).
Vậy nhưng, với đám con nít nhà quê thời khốn khó, được bao nhiêu đó cũng đã là đại tiệc. Còn phải hỏi, cái thời cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc đương nhiên bánh kẹo biến thành “đồ xa xỉ”; ngày thường dù có nằm mơ cũng không khi nào được sở hữu cùng lúc từng ấy món ngọt ngon lành!
Vậy nên mỗi lần sắp tới Trung thu là nô nức lắm. Đầu tháng 8 Âm lịch đã bắt đầu nhẩm từng ngày trôi đi, mong mau tới lúc được cô thầy (hoặc cô đại diện hội phụ nữ) thông báo: Sáng mai các em tới trường (hoặc trụ sở thôn/ấp) để nhận quà Trung thu! Và sáng hôm sau không đợi ai kêu cũng bật dậy từ rất sớm, quần áo chỉnh tề, đĩnh đạc tới trường (hoặc trụ sở thôn/ấp) ngồi nghiêm trang ngay ngắn chờ nhận phần quà dành cho “ngày tết của trẻ con”. Ngồi chờ lâu chút cũng không sao. Đứa nào ngọ nguậy sốt ruột sẽ bị đứa ngồi cạnh nhéo, nhắc ngồi im; tưởng chừng nếu không nghiêm trang thì sẽ bị… cúp mất phần quà!
Rồi cũng đến lúc mấy giỏ quà to được khệ nệ rinh tới. Quà buộc sẵn từng phần trong túi ni lông. Mỗi em một phần, nghe cô đọc tên bước lên bục nhận. Giờ thì niềm vui đương nhiên vỡ òa không thể kiềm chế. Lao nhao tiếng cười tiếng nói. Nhận xong về chỗ, việc đầu tiên không thể nhịn là phải… mở túi ngay, háo hức dòm xem trong đó có gì? Nhìn quà của bạn phần nào đoán trước được quà mình nhưng vẫn cứ thích dòm.
Cơn thèm khám phá nhiều khi cũng lớn gần ngang ngang với cái thèm được ăn đối với trẻ thơ. Cầm từng túi kẹo, túi bánh lên ngắm nghía cho đã đời. “No mắt” xong lại… bỏ xuống, phân vân không biết nên ăn cái nào trước, cái nào sau? Ấy là nói đám con gái, chứ tụi con trai háu ăn thì chẳng phải đợi lâu la, chớp mắt đã thấy chúng lột, cho ngay vào miệng nhai nhồm nhoàm!
Kể chuyện lũ bạn, chứ với tôi thì không. Nhận quà xong là ôm bịch quà… đi thẳng một hơi về nhà. Thay quần áo, rửa mặt mũi chân tay xong mới lên đàng hoàng ngồi mở quà xem. Cảm giác sung sướng ấy phải yên tĩnh tận hưởng một mình, không bị ai phá rối thì mới thấm thía tận tim gan. Xem, ngắm đã đời xong rồi là… ăn. Ăn dè sẻn theo tiêu chí: món dở ăn trước, món ngon để dành ăn sau.
À quên, còn phải lựa cái bánh ngon nhất đem đi mời mẹ. Biết thừa mẹ sẽ xoa đầu khen: “Con nhỏ thảo ăn dữ! nhưng thôi con ăn đi, mẹ không thích đồ ngọt…”. Nói vậy nhưng sợ con gái buồn mẹ cũng lột, cắn một miếng “làm phép” rồi mới đưa trả.
Xong phần mẹ tới phần anh Ba. Anh Ba lớn, hết tuổi được nhận quà Trung thu. Thêm nữa, ngày thường chơi chung hay bị anh chọc ghẹo linh tinh nên tôi rất ghét! Vậy nhưng, giờ thấy anh cứ liếc túi quà của tôi bằng bộ dạng… thiểu não thì lại chẳng nỡ! Thôi, “lấy đức báo oán”, mẹ đã dạy. Chia phần cho anh cũng được, nhưng phải kèm câu “hăm” cho bớt ức: “Bữa sau anh còn theo chọc ghẹo nữa là biết tay em!”. “Được được, anh nhớ…”, anh Ba gật đầu lia lịa, giơ tay đón phần “lộc” từ cô em gái, mặt rạng như trăng rằm…
*****
Thấm thoát, đã tới những mùa Trung thu của lớp các con tôi. Cuộc sống thay đổi nhiều nhưng Trung thu thì vẫn vậy. Vẫn những phần quà của nhà trường, của địa phương và của cả mẹ cha dành cho trẻ mỗi tháng tám hàng năm như một truyền thống tốt đẹp của cộng đồng bất di bất dịch. Nhưng năm nay truyền thống ấy có nguy cơ sẽ không còn giữ được.
“Cơn ác mộng” Covid-19 đang đảo lộn, phá hỏng nhiều thứ, trong đó có cả niềm vui vô cùng chính đáng của tuổi thơ. Con tôi phải ở ru rú trong nhà từ ngày bùng phát dịch, vào niên khóa mới cũng phải học online. Cứ tưởng con quên mất ngày Trung thu. Vậy mà không.
Sắp tới rằm tháng Tám đã nghe con thỏ thẻ: “Năm nay chắc con… không có quà Trung thu hả mẹ?”. Nghe giọng con buồn buồn mà thương đứt ruột! Vội vã ôm con vào lòng, dỗ: “Có chứ con. Quà của… ba mẹ. Chỉ là Trung thu năm nay con không thể đi coi múa lân, không được rước đèn cùng chúng bạn. Nhưng Trung thu sang năm mẹ hứa…”.
Lời hứa “Trung thu sang năm” với con, nói thật, ngay tôi cũng không dám chắc. Cuộc chiến chống Covid-19 đâu phải chuyện ngày một ngày hai mà chắc chắn còn dằng dai ác liệt. Nhưng một “niềm tin cổ tích” luôn cần, rất cần cho trẻ nhỏ. Cổ tích luôn kết thúc có hậu. Vậy nên hãy để con tôi tin vào một mùa Trung thu yên bình sang năm…