Những phận nghèo lay lắt sau bão

Sau siêu bão số 10, đi đến đâu thấy tan hoang đến đó. Nhà sập đều rơi vào trường hợp các hộ nghèo, đặc biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số, của những phụ nữ đơn thân... Đường thông đến đâu chúng tôi tới đó, sâu trong vùng biên giới Việt - Lào là xã Dân Hóa và Trọng Hóa - những xã bị ảnh hưởng nặng nề của bão.
Anh Hồ Ka dẫn vợ con trở về mái nhà chỉ còn là đống đổ nát sau bão
Anh Hồ Ka dẫn vợ con trở về mái nhà chỉ còn là đống đổ nát sau bão
Gió bưng cái nhà bay mất…
Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch xã Dân Hóa, cho biết, xã có 7 ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số bị bão xóa sổ, hiện người dân phải tá túc ở nhà hàng xóm.
Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, thì nói như khóc: “Có 23 căn nhà của bà con Khùa, Mày, Sách… bị sập hoàn toàn rồi, 3 bản Dộ, Tà Vờng, Lòm không thể liên lạc được, xã phải lập đoàn công tác đi bộ 30 cây số để xác minh, cũng phải mất hai ngày. Bà con rất khổ sau bão, vì ở đây có ai nghĩ bão to đến vậy đâu”. Trọng Hóa là địa phương bị sập nhiều nhà nhất huyện Minh Hóa.
Bản Kinh nằm trong góc núi, căn nhà của Hồ Bâu không còn nguyên vẹn, khi bão quét tới, vợ chồng, con cái Hồ Bâu chạy qua nhà hàng xóm trú, lúc trở về, nhà bị hất bay xuống vực. Hồ Bâu thất thần: “Chừ nhờ anh em trong bản cái ăn cái mặc, gạo thì xã sắp cấp phát. Dân bản thấy mình bị bão đánh mất nhà ai cũng thương, chuẩn bị góp sức làm lại nhà cho mình. Nhưng mấy ngày trước mắt thì không có nhà rồi. Mình nghèo, cố mãi cũng hoàn nghèo, bão khiếp quá”. 
Qua bản K Rét, vợ chồng Hồ Ka đang lượm lại cái cối đâm gạo, Ka nói: “Lúa rẫy còn mấy ngày nữa gặt, năm nay được mùa lắm, vậy mà chẳng được ăn, bão đập sạch lúa xuống đất, cướp sạch của bà con rồi. Nhà mình nói, phấn đấu năm nay thoát nghèo nhưng không thể thoát được nữa rồi, bão đánh sập nhà không còn ở được, gió vò nát nhà mình bay trong mưa mà ứa nước mắt”. 
Hồ Đi ở bản Rôông nói về mất mát của anh thật khó khăn: “Đời mình ở đây không bao giờ bị bão, dân bản trong vùng được núi Giăng Màn che chở, vậy mà lần này không thoát được. Bão quá mạnh, nó đập vào cây rừng, nó rít, nó hú ầm ầm, con nít thì khóc, đàn bà cũng khóc, còn đàn ông mặt tái nhợt hết. Mình để vợ con ở nhà vì nghĩ nhà chắc, ai ngờ gió to quá, bưng cả nhà bay mất, bốn đêm mất nhà rồi, bản mình sau bão ai cũng buồn hiu”. 
Đọc báo cáo thiệt hại của huyện miền núi Minh Hóa thật thương, đã có hơn 125 nhà sập hoàn toàn được thống kê, nhiều thôn bản vẫn tiếp tục ghi nhận thiệt hại vì không thể lưu thông được với bên ngoài, hệ thống liên lạc và điện sáng vẫn chưa thể khôi phục.
Ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, cho biết: “Huyện đang tập trung ngân sách để khắc phục các trường học. Còn nhà dân bị sập quá nhiều nên đang chờ ngân sách của cấp trên. Trước mắt, bà con cố gắng tự vay mượn để khắc phục. Còn những nhà bị tốc mái thì vận động giúp nhau tự lợp lại”.
“Lá rách đùm lá nát”
Xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) đang gồng mình dọn bão. Chị Đăng Thị Khuê, một phụ nữ đơn thân giữa căn nhà 12m2 bị bão giật sập toàn bộ mái ngói. Một mình chị thu dọn đống hoang tàn đổ nát, chị than thở: “Mình đơn thân nên dọn ngày, dọn đêm không xong, đồ đoàn bị mất sạch, cái chum đựng gạo là tài sản quý nhất mà bão cũng không tha, cái giường đã ọp ẹp rồi, tường sập nó cũng gãy luôn”.
Nhìn căn nhà của chị, không ai nghĩ là nhà, một mái lều được xây cất bằng gạch từ rất xưa, do người làng gom góp giúp, nay bão vào xô hết mọi thứ. Sau bão, dân làng chung tay gom góp dựng lại mái nhà cho chị Khuê, còn chiếc giường thì lấy dây dù buộc nằm tạm. Cạnh chiếc giường là cái chum vỡ, chị Khuê lượm lại để đựng gạo người trong làng đưa đến cho.
Cuối làng Vĩnh Sơn (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) dưới chân Đèo Ngang, chị Nguyễn Thị Nhị sống một mình cùng đứa con chị xin về nuôi, chị lui cui dọn đống đổ nát đã 4 ngày vì bão tốc mái nhà. Sửa lại chiếc đồng hồ sũng nước đã được phơi mấy ngày, chị reo lên khi kim chỉ giây bắt đầu chạy. Cuộc đời chị Nhị khổ hơn vì bão. “Phải làm tất cả, sức mẹ sức con cùng làm để có chỗ ở, có khó mấy cũng phải gắng sức khắc phục, bao mùa mưa bão đã qua đều tự sức, đâu cũng thiệt hại do bão, đâu riêng mình”, chị Nhị tâm sự.
Chị Trần Lan Anh (thôn 4, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch) đang được cưu mang bởi tình làng nghĩa xóm, sau khi ngôi nhà cũ nát bị bão thổi bay mái. Chị Anh có chồng đã mất vì tai nạn giao thông từ 10 năm trước. Chị làm thuê, làm mướn đủ nghề để nuôi 2 đứa con. Mỗi mùa mưa bão, chị phải tự mình vật lộn chằng néo nhà cửa như một người đàn ông. Hôm bão vào, người làng cho mẹ con chị trú nhờ, cơn cuồng phong qua đi, người làng í ới gọi nhau, chị lủi thủi dẫn hai con nhỏ về lại mái nhà bị bão thổi bay mọi thứ. “Không biết hư hỏng mái nhà thế này có ai cho mượn tiền mua ngói lợp hay không, nhà nghèo, ai cho mượn cũng ngại, họ nghĩ chắc mình khó trả nổi…”, chị Anh thở dài.
Những phận đời mong manh sau bão như chị Anh, chị Khuê, chị Nhị, Hồ Ka, Hồ Bông… thật nhiều. Chắc họ sẽ được xã hội chìa tay giúp đỡ để bớt tủi thân, bởi cả nước đang hướng về tâm bão động viên, sẻ chia mất mát đau thương.

Tin cùng chuyên mục