Giữa cái nắng gay gắt những ngày cuối tháng 5-2022, chúng tôi tìm đến vườn cây ăn quả 5ha của ông Nguyễn Hoài Thương (45 tuổi) tại thung lũng Phú Trị (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân). Ngồi dưới bóng những tán cây ăn quả, ông Thương kể lại những tháng ngày khó khăn để thực hiện giấc mơ chinh phục những loài cây ăn trái.
“Ở Phú Trị này người dân chỉ trồng keo, tràm trên các gò đồi, vườn nhà. Đây là loài cây đem lại kinh tế nhanh, giúp xóa đói giảm nghèo, nhưng lại vắt kiệt nguồn nước, làm cho đất đai cằn cỗi”, ông Thương chia sẻ.
Nhận thấy hệ lụy trên, từ năm 2017 ông Thương bắt đầu chuyển hết các diện tích đất đồi trồng keo, tràm kém hiệu quả sang cây ăn quả. Ngày ông “vác tiền tỷ” lên khu đồi hoang vu Phú Trị để trồng cây ăn quả, cả làng ai nấy đều lắc đầu cho rằng ông suy nghĩ viễn vông khi bỏ tiền tỷ vào những thứ mà chẳng biết đến bao giờ mới có lợi nhuận.
Ai nói gì mặc kệ, ông vẫn bỏ hàng tỷ đồng để đầu tư, hình thành vườn cây ăn quả trang bị công nghệ, kỹ thuật bài bản. “Cũng nhờ sự hỗ trợ từ huyện về giống cây, phân bón, khoan giếng, kỹ thuật… nên tôi mới mạnh dạn đầu tư. Qua 5 năm, tôi đã trồng được 1.000 cây cam ruột đỏ, 600 cây mít, 500 cây bưởi da xanh cùng các loại bơ, dừa xiêm, sầu riêng…”, ông Thương kể.
Hiện, vườn cây ăn quả của ông đã phát triển tươi tốt, nhiều loài cây đâm hoa kết trái, cho quả có thu nhập.
Trong khu vườn rộng hàng hecta ông tâm đắc nhất là loài cây sầu riêng musang king (giống nhập từ Malaysia). Đây là loài cây ăn quả mới ở Việt Nam, có giá trên thị trường rất cao.
Với mỗi loài cây ông Thương đều cho trồng thử nghiệm trước rồi mới triển khai đồng loạt. Ông đã đầu tư vào vườn cây ăn quả của mình trên 4 tỷ đồng. Hiện ông cũng đã mở rộng thêm 1 vườn cây khác rộng 2,4ha.
“Trong khi cây keo, tràm chỉ cho thu 15 triệu/1ha với thời gian 5- 6 năm, thì các loài cây ăn quả lại cho giá trị cao hơn, nhất là cây bưởi da xanh nếu trồng đủ 6 tuổi sẽ cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi hecta. Ngược lại, cây ăn quả chúng tôi chỉ hái quả chứ không chặt nhổ cây nên góp phần rất lớn trong việc giữ nguồn nước, phủ xanh đồi trọc, điều hòa khí hậu…”, ông Thương so sánh.
Tại xứ Rừng Bường (xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân) vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ăn trái, làm nông nghiệp quy mô lớn. Trong đó, hộ ông Đặng Văn Cấp (72 tuổi) là điển hình tiêu biểu, khi sở hữu vườn cây ăn quả trên 12ha đồ sộ nhất. Đưa chúng tôi vào sâu trong vườn với đủ loại cây ăn quả của mình, ông Cấp kể về quá trình khai hoang, phục hóa để biến gò đồi xứ Rừng Bường “đẻ” bạc tỷ.
Trước năm 1990, ông Cấp đã trồng 50ha dừa ở đây, sau giải thể các nông trường, hợp tác xã thì ông trả đất cho nhà nước chỉ giữ lại hơn 12ha để phát triển các mô hình cây ăn quả. Với phương châm “không bỏ hoang, lãng phí đất đai” ông trồng phủ kín toàn bộ khu vườn trên 12ha bằng nhiều loài cây ăn quả. Ông còn sáng kiến ra mô hình trồng tiêu ký sinh vào thân dừa.
“Thân cây dừa giữ nước rất tốt, lại phù hợp để rễ cây tiêu hột sống bám tươi tốt. Qua nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm tôi bắt đầu triển khai trồng tiêu ký sinh dừa để tăng thu nhập. Nhờ vậy tôi gầy dựng được vườn tiêu 7.000 trụ, bên cạnh đó tôi trồng bổ sung thêm 1.500 cây dừa, 1.000 cây bưởi da xanh, và loại cây khác như: dâu ăn trái, mận, cam canh, vú sữa, quýt đường, bơ, xoài, sầu riêng, mai vàng…”
Năm nay, giá hồ tiêu tăng cao lên đến 80.000 đồng/kg, vườn tiêu ông Cấp lại được mùa, “năm nay tôi thu được trên 1 tỷ đồng tiền hồ tiêu” ông Cấp khoe.
Ngoài ra, vườn dừa xiêm nhà ông đang cho quả, mỗi năm thu 130 triệu đồng; dâu ăn quả mỗi vụ thu 7 tấn (doanh thu ước đạt 180 triệu đồng), bưởi da xanh cũng bắt đầu có quả… Nếu tính sơ bộ, sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay vườn cây ăn quả ông Cấp kỳ vọng thắng lớn, doanh thu ước đạt trên 1,5 tỷ đồng…
“Theo tôi kinh nghiệm để chinh phục các loài cây ăn quả ngoài yếu tố thổ nhưỡng, tự nhiên, nguồn nước, phân bón… thì người làm phải có chí, bền gan và phải thương cây như thương chính con ruột của mình”, ông Cấp nói.
Ở Hoài Ân, ông Phạm Đình Độ (59 tuổi) được các thợ trong giới trồng cây ăn quả mệnh danh là “vua la gym” (trồng đủ loài cây ăn quả). Ông Độ là người có công phục hóa gò đồi Bà Nông (xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân), biến nơi này thành “mỏ vàng” cây ăn quả.
Ông Độ chia sẻ kinh nghiệm: “Để xây dựng được vườn cây ăn quả trên 7ha như hôm nay, tôi đã áp dụng mô hình lấy ngắn nuôi dài. Ngoài trồng các cây ăn quả chủ lực, như: bưởi da xanh, cam canh, quýt đường, sầu riêng… tôi còn trồng thêm các loài cây ngắn ngày như ớt, nghệ, đu đủ… Mấy loài cây ngắn ngày này có thể thu được hàng trăm triệu mỗi năm, nhờ vậy tôi có nguồn lực để bám trụ trồng cây ăn quả, chờ cây đâm hoa kết trái”.
Hiện, vườn cây ăn quả ông Độ ngoài cam sành, quýt đường, sầu riêng thì ông trồng 1.400 cây bưởi da xanh, trong đó có 1.100 cây đã cho thu hoạch. “Ngày trước trồng bưởi da xanh, nhờ huyện hỗ trợ về cây giống, phân, kỹ thuật, công nghệ tưới… nên tôi áp dụng rất nhanh. Hiện, 1.100 cây bưởi của tôi đã cho quả, ước đạt 600 triệu đồng mỗi năm. Mới đây, nhờ huyện kết nối tôi được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ để mở rộng vườn bưởi da xanh thêm 300 cây”, ông Độ kể.
Cũng theo lời ông Độ, nếu không có gì thay đổi, trong khoảng 2 năm nữa vườn ăn quả của ông bắt đầu thu tiền tỷ…
Nhiều người hay gọi anh Trần Bảo Diệp (35 tuổi, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, Hoài Ân) là “Diệp khùng” bởi anh có cách làm nông nghiệp khác người, không giống ai.
“Khoảng năm 2012 tôi bắt đầu làm nông nghiệp công nghệ cao. Ban đầu tôi bỏ hàng trăm triệu làm nhà màng khép kín để trồng các loại cây, cả xóm ai nấy cười nói tôi bị khùng. Nhưng sau đó hoa tôi làm, ép hoa nở đúng theo đặt hàng bán rất đắt hàng khiến cả làng thán phục. Khi đó họ mới tin tôi làm được và mới thấy được những điều mới mẻ trong nông nghiệp hiện đại”, Diệp kể.
“Diệp khùng” đưa tôi ra thăm khu nhà màng của anh ở cánh đồng xã Ân Phong có diện tích khoảng hơn 1.000m2, mới được đầu tư 400 triệu đồng. Bên trong khép kín hoàn toàn, với công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại. Vào sâu khu sản xuất, nơi những luống cây trái như cà chua socola, dưa leo baby, dưa lưới, dưa hấu treo giàn… giăng mắc lỉnh kỉnh. “Ở trong nhà màng tôi có thể kiểm soát được sâu bọ, môi trường để các loài cây sinh trưởng tốt mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu. Nhờ vậy, cây trái của tôi ra đảm bảo theo các tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt chất lượng tốt, giá thành ổn định”, anh Diệp kể.
Từ cuối năm 2018, một số sản phẩm của anh Diệp đã được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Vụ nào cũng thế, khi vừa cho thu thì các thương lái, khách hàng khắp nơi đến đặt hàng tiêu thụ hết trong khoảng 3-5 ngày. Mỗi vụ 60 ngày anh có thu từ 20 – 30 triệu, mỗi năm 6 vụ. Hiện, anh Diệp đang làm thương hiệu cho các loại rau củ quả do mình làm ra để đăng ký bảo hộ, tem truy xuất, logo, nhãn mác và đặc biệt tạo ra các sản phẩm OCOP.
Mô hình của “Diệp khùng” tuy chưa thực sự tạo thành phong trào tỏa mạnh mẽ, nhưng đã chứng minh được cho người dân Hoài Ân có cái nhìn mới về xu thế nông nghiệp ứng dụng công nghệ, sản phẩm sạch an toàn được đầu tư bài bản mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Hiện, anh Diệp đang đảm nhận vai trò quản lý Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Ân Phong. Thời gian tới anh sẽ mở rộng mô hình, sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật cho những người dân có nguyện vọng muốn làm nông nghiệp công nghệ cao...
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Bên cạnh các thế mạnh về nông nghiệp, chăn nuôi khi có đàn heo lớn nhất miền Trung với 250.000 con, Hoài Ân còn là huyện rất có tiềm năng phát triển thành thủ phủ cây ăn quả lớn. Hiện, toàn huyện có khoảng 1.400ha cây ăn quả, chủ yếu trồng trên diện tích nông nghiệp kém hiệu quả, gò đồi. Trong đó, huyện đã chinh phục được các giống cây ăn quả chủ lực trong đó có bưởi da xanh, dừa xiêm…
Đặc biệt, bưởi da xanh trồng trên thổ nhưỡng Hoài Ân rất phù hợp, quả cho hương vị đậm đà hơn so với các vùng miền khác. Hiện, bưởi da xanh và dừa xiêm Hoài Ân đã có thương hiệu, chỗ đứng trong thị trường cả nước, đặc biệt chen chân, cạnh tranh được với các thị trường phía Nam nơi các vựa bưởi da xanh, dừa lớn nhất cả nước.
Trong nông nghiệp nói chung, huyện có 14 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Hiện, huyện cũng đang làm hồ sơ đăng ký thêm 10 sản phẩm OCOP; 28 sản phẩm đã đăng ký trên các sàn giao dịch, chợ điện tử lớn. Ngoài ra, toàn huyện 162 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu với 76 chủng loại khác nhau.
Bên cạnh đó, Hoài Ân còn nơi có lợi thế chăn nuôi với 1.960 trang trại, gia trại có tổng đàn gia súc, gia cầm (heo, bò, gà, vịt) lên đến trên 1 triệu con…
“Ngày 27-5 tới đây, huyện Hoài Ân sẽ tổ chức ngày hội cây ăn quả lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Định. Trong ngày hội, các đặc sản về nông nghiệp, cây ăn quả Hoài Ân sẽ được trình làng, giới thiệu. Chúng tôi sẽ tiến tới ký kết thêm các hợp đồng hợp tác mới để tìm đầu ra, kỹ thuật, liên kết chuỗi giúp người dân phát triển các mô hình, ý tưởng táo bạo giúp cho ngành nông nghiệp huyện phát triển”, ông Nguyễn Hữu Khúc thông tin.