Trước chuyến thăm, trong một bài phát biểu về quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, Mỹ là đối tác tự nhiên, không thể thiếu đối với Đức. Bà Merkel cũng cho rằng, ngoài các cuộc tiếp xúc chính trị, quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương cần được phát triển rộng rãi nhất có thể, đặc biệt về kinh tế và giao lưu nhân dân, nhất là với giới trẻ. Washington cũng khẳng định Mỹ không có đối tác nào tốt hơn Đức. Nhà Trắng xác nhận chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Đức sẽ góp phần củng cố mối quan hệ sâu sắc và bền vững giữa Mỹ và Đức, trong đó hai bên sẽ hướng tới các vấn đề tương lai.
Tuy nhiên, cho dù đây là chuyến công du mang ý nghĩa thắt chặt quan hệ với chính phủ mới của Mỹ nhưng giới quan sát cho rằng, hai nhà lãnh đạo khó có thể đạt được đột phá lớn về một số bất đồng chính, trong đó có hệ thống đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 và chính sách đối với Trung Quốc. Trong vài năm qua, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 phải đối mặt với nhiều chỉ trích, kể cả từ một số nước châu Âu và từ Mỹ. Washington lo ngại dự án này khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine.
Về chính sách với Trung Quốc, Đức và Mỹ vẫn chưa thể có tiếng nói chung. Trong suốt 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Merkel là người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ kinh tế giữa Đức nói riêng, châu Âu nói chung với Trung Quốc. Trái lại, chính phủ của Tổng thống Joe Biden lại coi Trung Quốc là đối thủ trong nhiều lĩnh vực. Quan trọng nhất, trong khi Thủ tướng Merkel coi hiện trạng quan hệ xuyên Đại Tây Dương như hiện nay là đủ, Tổng thống Joe Biden lại muốn lôi kéo Đức vào chiến lược mới của ông với Trung Quốc.
Ngoài các vấn đề trên, giữa Đức và Mỹ cũng tồn tại một số bất đồng khác, trong đó có chủ trương của Mỹ tạm dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 để giúp tăng cường sản xuất vaccine; trong khi Đức phản đối. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn từ chối nới lỏng hạn chế đi lại đối với châu Âu.