Ước mơ sống được bằng âm nhạc
Sinh ra đã bị khiếm thị với một bên mắt hỏng do bong võng mạc, một bên bị cận nặng, năm 1995, Trần Bình Minh đã được gia đình cho học chữ nổi tại tỉnh Hà Bắc (lúc đó chưa chia tách thành Bắc Ninh và Bắc Giang). Sau 2 năm, anh bắt đầu theo học ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Thực ra, Hà Nội không quá xa lạ với Bình Minh bởi bố anh khi đó công tác tại đây. Nhờ vậy, ngoài thời gian ở ký túc xá của trường, anh có nhiều dịp ở cùng bố và dần dần quen bạn mới, môi trường mới.
Tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Bình Minh có cơ hội học âm nhạc trong 5 năm, cụ thể là môn sáo trúc, nhờ sự tài trợ của một tổ chức phi chính phủ. Đây là tiền đề để anh có thể thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sau này và cũng là mong mỏi của gia đình anh. Không phải vì Bình Minh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bắc Ninh nổi tiếng với dân ca quan họ, mà vì gia đình nghĩ đơn giản rằng, nếu học âm nhạc, chơi được một loại nhạc cụ, anh có thể tham gia các đoàn văn nghệ quan họ hoặc đoàn nhạc hiếu để tự mưu sinh. Và âm nhạc đã mở ra một ngã rẽ mới, một con đường mới cho chàng trai sinh năm 1985.
Sau 5 năm học âm nhạc ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, ngoài biết thổi sáo trúc, Bình Minh còn có thể chơi guitar, piano, trống và thậm chí là các nhạc cụ dân tộc. Năng khiếu là một phần, chủ yếu là anh rất chịu khó tìm hiểu các nhạc cụ khác và học hỏi bạn bè. Đổi lại, anh cũng chia sẻ với bạn bè kỹ thuật thổi sáo của mình. Tiếp sau đó là 9 năm theo học ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (2005-2014), không chỉ giúp Bình Minh thành thạo nhiều nhạc cụ để có thể truyền dạy lại cho những thế hệ đàn em cùng cảnh ngộ, mà còn đưa anh đến một suy nghĩ rằng, làm sao để những người khiếm thị có thể sống được bằng âm nhạc.
Sự ra đời của Nắng mới
Trăn trở ấy khiến Bình Minh quyết định thành lập một ban nhạc của người khiếm thị sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, với thành viên chính là những học sinh của mình. Ban đầu, họ cố gắng luyện tập, trau dồi chuyên môn và nâng cao kỹ năng chơi âm nhạc chung với nhau. Bên cạnh đó, họ cũng bổ trợ những mảng âm nhạc khác nhau từ dân tộc đến hiện đại, với suy nghĩ rằng, khi cơ hội đến, họ sẽ kịp thời nắm bắt để phát triển.
Cùng với đó, thầy giáo trẻ sinh năm 1985 mở một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt trong một con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, TP Hà Nội). Có điều, mỗi khi có khách, ban nhạc không thể tập luyện được. Vậy là Bình Minh phải lựa chọn giữa âm nhạc và nghề xoa bóp, bấm huyệt, với suy nghĩ rằng, không chỉ thế hệ của thầy, thế hệ các anh chị đi trước dù học rất giỏi thì việc mưu sinh và sống bằng âm nhạc rất khó khăn. Có điều, sau 8-10 năm gắn bó với âm nhạc mà không sống được bằng âm nhạc, là sự lãng phí cả về thời gian, công sức, tiền bạc và tài năng.
Bình Minh cũng suy nghĩ, âm nhạc lâu nay luôn là một thế mạnh của người khiếm thị, để mai một tài năng và chọn một con đường không phải là sở trường sẽ chỉ khiến họ thiệt thòi, bất lợi. Vì thế, thầy và các học trò quyết tâm rằng, dù gian khổ đến đâu cũng phải cố gắng duy trì ban nhạc, con đường âm nhạc của mình.
Và sau nhiều năm tập luyện, chuẩn bị cùng sự hỗ trợ của nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình, ban nhạc “Nắng mới” chính thức ra mắt năm 2016. Trong 8 năm qua, Nắng mới ngoài việc tham dự Festival âm nhạc dân tộc dành cho người khiếm thị tại Thái Lan (năm 2018), còn góp mặt trong nhiều sự kiện do Hội Người mù Việt Nam và Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức. Dễ thấy nhất là Bình Minh và ban nhạc của anh biểu diễn hàng tuần vào thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật tại phố đi bộ Hoàn Kiếm.
Từ chỗ chỉ có 6 thành viên ban đầu, Nắng mới giờ đã có 10 người, trong đó có những người có thể chơi tốt nhiều loại nhạc cụ để phục vụ cho các chương trình nhạc nhẹ hay nhạc dân tộc. Họ đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người khiếm thị nói chung và những người khiếm thị đam mê âm nhạc nói riêng. Xem họ tập luyện và biểu diễn, tất cả nhận ra rằng, âm nhạc đã giúp họ thay đổi cuộc sống, giúp họ có cơ hội biểu diễn, có thể sống được bằng nghề và đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, ở vị trí của một người thầy và ở vị trí của một người công tác tại Hội Người mù Việt Nam từ năm 2019, Bình Minh vẫn mong mỏi những người khiếm thị muốn học âm nhạc hay lựa chọn âm nhạc như một nghề cần có một giáo trình nhạc lý cơ bản. Trong quy định chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille cho người khuyết tật năm 2019 của Bộ GD-ĐT cũng có phần ký hiệu Braille âm nhạc với các quy tắc đọc và viết. Có điều, việc học âm nhạc với người khiếm thị vẫn chỉ là qua mô tả, khái niệm sơ sài. Nói ngắn gọn, không có giáo trình thì không có kiến thức, bởi kiến thức không chỉ việc nghe được bản nhạc mà kiến thức là bản nhạc, là việc tiếp cận với các tổng phổ.
Theo Bình Minh, người mắt sáng cũng không giúp được nhiều cho những người khiếm thị như anh, bởi có những tổng phổ nhiều bè, không dễ dàng phân tích được. Vì thế, trước đây và cho đến giờ, những người khiếm thị như Bình Minh học âm nhạc hay truyền dạy vẫn là theo kiểu truyền khẩu.
Đó là việc học, còn việc sáng tác sẽ khó khăn hơn vì cần có người sáng mắt vừa hiểu chữ nổi, vừa hiểu nhạc để chép đúng bản nhạc từ chữ nổi Braille sang chữ sáng. Vì thế, trong tương lai, thầy Bình Minh ước mơ những người khiếm thị sẽ có giáo trình âm nhạc và khi đó, việc hướng dẫn cho học sinh bằng sách sẽ dễ và nhanh hơn chỉ là nghe, công tác truyền dạy sẽ thuận lợi hơn thay vì truyền khẩu…