Cùng giữ báu vật của làng
Nhiều thế hệ người dân 2 thôn Tú Mỹ và Tịnh Sơn ở xã Tam Mỹ Tây luôn kể nhau nghe chuyện về một loài vật ở cánh rừng tự nhiên, có bộ lông đẹp và vô cùng hiền lành. Cũng không ai biết tên nó là gì, chỉ biết gọi đó là con “dộc” theo tiếng kêu của nó mỗi khi gọi bầy. Cứ thế, người dân nơi đây không ai bảo ai, đều sống chan hòa cùng con “dộc” trong cùng một khoảnh rừng.
Thế nhưng, đến đầu những năm 2010, bọn săn bắt, buôn bán chim, thú rừng không biết từ đâu tìm đến săn bắt những con “dộc” mà người dân Tam Mỹ Tây quý mến.
Năm 2013, một nhóm gồm 3 người dân địa phương đã tự nguyện lập nên nhóm bảo vệ những con có tiếng kêu kỳ lạ này khỏi sự săn lùng của những kẻ bắt động vật hoang dã.
Đến năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam cùng các tổ chức về làm việc, nghiên cứu thì người dân mới biết nó có tên voọc Chà Vá chân xám quý hiếm nên càng ra sức bảo vệ.
Anh Nguyễn Dư, Nhóm trưởng Nhóm tiên phong bảo vệ loài Chà vá chân xám – Tam Mỹ Tây (gọi tắt là Nhóm tiên phong) cho biết, vọoc tính rất nhát, không phá phách như loài khỉ nên được bà con rất quý. Sau thời gian thấy số lượng voọc bị giảm sút do nạn săn bắt nên mọi người mới tập hợp những người dân lập nên tổ bảo vệ tự nguyện.
“Lúc đó vào rừng thấy lông và xác của voọc bị sát hại nên xót lắm. Thấy tội con vật hiền lành nên chúng tôi tự nguyện rủ nhau tuần tra. Theo năm tháng, bà con canh tác xung quanh thấy việc làm là có ích nên cũng tham gia”, anh Dư kể.
Đến nay, nhóm đã có 19 thành viên chia ra làm 3 bộ phận gồm tổ tuần tra, tổ tuyên truyền và nghiên cứu phát triển sinh kế. Nhóm được sự hỗ trợ từ UBND tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt Xanh (GreenViet)…
“Từ khi chúng tôi thành lập nhóm đến nay, qua kiểm đếm, vọoc ở xã đã sinh trưởng, thấy có con non đi theo đàn. Hồi đó chỉ tầm 49 con, nay đã lên trên 75 con sinh hoạt ở 11 đàn, sinh sống rải rác ở 4 hòn núi còn rừng tự nhiên ở 2 thôn. Tôi cùng anh em đi tuyên truyền nên mọi người cũng chung tay bảo vệ”, anh Nguyễn Hùng, một thành viên trong Nhóm tiên phong khoe với chúng tôi.
Mở rộng nơi ở cho voọc
Vọoc tại Tam Mỹ Tây sinh sống ở 4 hòn núi lân cận nhau trên diện tích chừng 30ha nhưng bị chia cắt bởi những rừng keo lá tràm, đồng ruộng của người dân chừng 500m. Cùng với thói quen đốt thực bì keo, dùng máy móc có tiếng động lớn ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của loài này, nên môi trường sinh trưởng dần bị hạn hẹp.
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet nhận xét, hiện có 75 cá thể chà vá chân xám sống trong 30ha và bị chia cắt nên đây là sinh cảnh sống không đảm bảo để quần thể sinh trưởng và phát triển về lâu dài. Bởi khi số lượng cá thể tăng lên thì khả năng cao thiếu thức ăn, tăng giao phối cận huyết dẫn đến sức sống giảm.
“Tỉnh Quảng Nam cần mở rộng và kết nối sinh cảnh, trồng và sản xuất bền vững trên nương rẫy. Đây là mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng rất hay nên mô hình này thành công là bài học tốt cho Việt Nam nhân rộng. Qua đó, mong tỉnh sớm mở rộng sinh cảnh sống cho Chà vá chân xám”, ông Vỹ đề xuất.
Để tạo vùng đệm với rừng sản xuất của bà con, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đã vận động anh Nguyễn Hùng giữ lại hơn 2.000m2 rừng keo đến kỳ thu hoạch. Anh Hùng mong muốn các ngành nghiên cứu thay thế cây keo tại đây bằng trồng các loại cây lâu năm thu hoạch quả, hạt để loài vật sinh sống mà vẫn đảm bảo sinh kế cho gia đình.
Nói về Nhóm tiên phong, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là lực lượng quan trọng trong cộng đồng tham gia bảo tồn loài Chà vá chân xám và đa dạng sinh học tại địa phương một cách hiệu quả, bền vững trong bối cảnh lực lượng kiểm lâm còn hạn chế về số lượng tại địa bàn.
"Chúng tôi cũng đang xem xét để hỗ trợ người dân chuyển đổi các diện tích canh tác keo trồng ven rừng tự nhiên thành các trang trại cây ăn quả, hoặc trồng xem cây lâm nghiệp nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi tới loài Chà vá chân xám, gìn giữ cảnh quan, môi trường một cách bền vững", ông Bửu cho hay.
Ngày 8-11, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tại xã Tam Mỹ Tây được quy hoạch thành lập khu bảo tồn loài, sinh cảnh mới có diện tích khoảng 60.000ha để bảo vệ loài vọoc Chà vá chân xám.