Được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế vừa có văn bản gửi UBTVQH về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này.
Làm rõ việc lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Theo báo cáo, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc ban hành nghị quyết của UBTVQH lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết. “Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023)”, báo cáo nêu rõ.
Về mục đích, yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành, song đề nghị bổ sung yêu cầu “tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức” trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.
Về đối tượng lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý, việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân trong nước đã được quy định tương đối cụ thể, tuy nhiên, việc lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần được làm rõ hơn về cơ quan đầu mối tổ chức triển khai lấy ý kiến và tiếp nhận ý kiến, hình thức lấy ý kiến, cách thức thông tin, tuyên truyền để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tiếp cận được dự thảo luật và tài liệu có liên quan. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý, làm rõ nội dung này trong quá trình hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan đầu mối lấy ý kiến các nhóm đối tượng cụ thể theo ngành, lĩnh vực, địa bàn, ví dụ như: các bộ, ngành, địa phương, MTTQ Việt Nam… Ngoài ra, có ý kiến đề nghị lấy ý kiến của các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định về việc quản lý, sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua và chưa phát sinh vướng mắc, bất cập lớn cần xin ý kiến. Mặt khác, chế độ quản lý, sử dụng đất đai của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, khác biệt so với các nước trên thế giới. Do đó, việc lấy ý kiến của các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao đối với dự thảo luật sẽ khó khả thi, khó bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Cung cấp đầy đủ thông tin để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến
Về nội dung lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Đồng thời, đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về dự thảo Luật.
Đối với các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân, qua nghiên cứu Phụ lục III về một số nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xin ý kiến nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc việc đưa vào Phụ lục các nội dung về nguyên tắc áp dụng pháp luật; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai; điều tiết nguồn thu đất đai.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4, lựa chọn những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, làm rõ các loại ý kiến, ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến, tạo cơ sở để nhân dân xem xét, góp ý, trong đó quan tâm đến một số nội dung như: chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại; nguyên tắc “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất; quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất cũng là những nội dung cần được nhân dân cho ý kiến.
Cùng với đó là việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; nguyên tắc và phương pháp định giá đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Về hình thức lấy ý kiến nhân dân, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để gia tăng khả năng tiếp cận dự thảo Luật và tính hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân.
Về thời gian lấy ý kiến nhân dân, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành thời gian lấy ý kiến nhân dân như quy định trong dự thảo nghị quyết (bắt đầu từ ngày 3 tháng 1 đến hết ngày 28-2-2023).
Loại ý kiến thứ hai đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15-3-2023, do thời gian lấy ý kiến nhân dân như dự thảo nghị quyết trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn. Đồng thời, để bảo đảm chất lượng hồ sơ dự án luật cũng như quy trình thẩm định, thẩm tra dự án luật, đề nghị UBTVQH tổ chức một phiên họp riêng về dự án luật vào thời điểm sau ngày 20-4-2023 (tương tự như phiên họp thứ 18 của UBTVQH về quy hoạch tổng thể quốc gia).
100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai.