Phường xã thị trấn giảm gần 2.300 cán bộ không chuyên trách
Theo Nghị quyết về quy định chức danh, bố trí số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM, TP giảm 2.299 cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn. TP sẽ dành 120 tỷ đồng để chi trả trợ cấp nghỉ việc cho số cán bộ không chuyên trách bị cắt giảm.
Đổi tên đường cạnh Lăng Ông thành đường Lê Văn Duyệt
Các đại biểu đã biểu quyết thống nhất thông qua nghị quyết về việc bổ sung quỹ tên đường và đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu) trên địa bàn quận Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt. Vị trí đặt tên đường hiện nay có di tích Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông) - được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Xung quanh Lăng Ông có nhiều tuyến đường được đặt tên là các danh nhân cùng thời với Tả quân Lê Văn Duyệt như Trịnh Hoài Đức, Phan Văn Trị... Đây cũng là cách đặt tên đường khuyến khích người dân tìm hiểu lịch sử, văn hóa.
Đoạn đường được đổi tên nằm trên địa bàn 2 phường 1 và 3 quận Bình Thạnh, nên việc đổi tên đường không làm thay đổi số nhà. Sở VH-TT cho biết sẽ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo UBND quận Bình Thạnh có kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đổi thông tin hồ sơ, giấy tờ.
Thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM
HĐND TP cũng thông qua Nghị quyết về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. Trong giai đoạn 2021-2025, TP sẽ tập trung phát triển xe buýt và thực hiện một số giải pháp làm cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, tổ chức lại giao thông cho mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại trung tâm. Trong giai đoạn 2026-2030 sẽ kiểm soát xe cá nhân và các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai đồng bộ, tiến tới tổ chức lại lưu thông mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực. TPHCM đặt mục tiêu vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại vào năm 2025 và 25% nhu cầu đi lại vào năm 2030. Một số giải pháp đưa ra gồm thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn 2021-2025; phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030...
Tiếp tục triển khai Chương trình Sữa học đường
Ngày 1-11-2019, Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 chính thức khởi động. Tuy nhiên, do việc lựa chọn nhà thầu kéo dài, sau đó học sinh nghỉ do dịch Covid-19 nên thực tế học sinh mới chỉ được uống sữa theo chương trình khoảng 4 tháng.
Để có thêm thời gian đánh giá việc thực hiện đề án và tạo điều kiện cho học sinh uống sữa liên tục, không bị gián đoạn, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện đề án đến hết tháng 12-2020 cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1. Theo đó, giai đoạn 1, TPHCM tiếp tục thực hiện thí điểm chương trình trong tháng 9 và tháng 10 cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học lớp 1 trên địa bàn 10 quận huyện: 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập tham gia đề án.
Trong tháng 11 và 12 của năm học 2020-2021, TP sẽ áp dụng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 trên địa bàn 24 quận huyện; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập tham gia đề án