Opera Sydney: kiến trúc sư bỏ cuộc giữa chừng
Nhà hát Opera Sydney không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, di sản của quốc gia Australia, mà còn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ 20, được UNESSO công nhận là di sản thế giới vào tháng 6-2007. Tuy nhiên, công trình lịch sử này đã có một quá trình xây dựng không “xuôi chèo mát mái”, có một không hai trên thế giới.
Tòa nhà dài 185m và rộng 120m, xây trên nền đất 1,8ha, toàn bộ khu vực xung quanh nhà hát có tổng diện tích hơn 5,7ha - đây là một công trình phức hợp với nhiều khu như: Concert Hall - phòng biểu diễn lớn nhất, có sức chứa 2.679 chỗ ngồi; Nhà hát kịch với 544 ghế; Nhà hát giao hưởng chuyên dành cho opera và ballet có sức chứa 1.507 khách, phòng nhỏ nhất - Utzon khoảng 210 chỗ... Bên trong tổ hợp còn có phòng thu âm, quán cà phê, nhà hàng, quán bar.
Trung bình 1 năm, nơi đây tổ chức 1.500 chương trình, lượng khán giả hơn 1,2 triệu người, nhà hát từng là nơi biểu diễn của những tên tuổi lớn như Karen O, The Drones, Neil Finn và Paul Kelly, Royal Headache... Mỗi năm có khoảng 350.000 khách du lịch tới tham quan vì nhà hát đã trở thành một biểu tượng đáng nhớ của xứ sở chuột túi.
Tuy nhiên, công trình này đã từng gây nhiều tranh cãi. Tiến độ hoàn thành mất hơn 10 năm (từ 1957 - 1973), ngoài ra công trình còn có tổng chi phí 102 triệu USD, bị đội lên 1.357% so với ước tính ban đầu. Công trình kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ bầu cử tiểu bang, vượt qua hàng loạt những vấn đề về vốn, khó khăn trong kỹ thuật xây dựng... nhưng đây có lẽ còn là một công trình có một không hai trên thế giới, khi kiến trúc sư thiết kế chính là Jorn Utzon không theo đuổi dự án của mình tới cùng vì những bất đồng trong giai đoạn triển khai xây dựng, khiến cho tiến độ xây dựng bị chậm lại. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm cao, sự tin tưởng vào tầm quan trọng của biểu tượng này, Australia quyết tâm biến phác thảo ban đầu của ông Jorn Utzon thành sự thật. Cho đến nay, kiến trúc sư Utzon vẫn chưa quay trở lại nơi có lẽ đã ghi dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp của ông.
Không chỉ có quá khứ xây dựng gây nhiều tranh cãi, những cánh buồm của nhà hát Con Sò, di sản văn hóa nổi tiếng nhất của Australia, còn được sử dụng như những tấm biển quảng cáo dành cho cuộc đua ngựa thường niên Everest của bang New South Wales hồi đầu tháng này. Đây là lần đầu tiên biểu tượng nổi tiếng thế giới của Australia được sử dụng cho mục đích quảng cáo thương mại. Mặc dù được sự ủng hộ nhiệt tình từ chính quyền bang New South Wales, nhưng màn quảng cáo này đã tạo ra những cuộc tranh luận gay gắt trên khắp các phương tiện truyền thông và trong cộng đồng người dân Australia. Những người phản đối cho rằng, việc gắn kết giữa một cuộc đua (có tính chất cá cược), với một di sản văn hóa nổi tiếng nhất của đất nước, là một quyết định sai lầm.
Vienna State Opera House: rộng lớn và cổ xưa
Xây dựng vào năm 1869, nhà hát Vienna State Opera House hơn 150 tuổi tại Vienna (Áo) được ghi nhận là một trong những nhà hát cổ xưa nhất vẫn còn hoạt động, đồng thời sở hữu một diện tích khổng lồ so với bất kỳ nhà hát opera nào trên thế giới. Nhà hát này được khánh thành với màn trình diễn vở opera nổi tiếng Don Giovanni do thiên tài Mozart soạn nhạc. Từ đó, nơi đây nổi danh như “trái tim” của đời sống âm nhạc tại thủ đô Vienna nước Áo.
Ngoài tên tiếng Anh Vienna State Opera House (Nhà hát Opera thành phố Vienna), nhà hát còn có tên gọi bằng tiếng Đức là Wiener Staatsoper. Công trình có 1.709 ghế và các phòng đứng chứa được hơn 567 người. Hiện nhà hát vẫn là một trong những nhà hát opera hàng đầu thế giới, thuộc nhóm các nhà hát bận rộn với lịch diễn lên tới 350 buổi/năm. Vienna State Opera House được khởi công từ năm 1861 và mất 8 năm để hoàn thành. Trái với sự nổi tiếng và nhộn nhịp hiện nay, lúc nhà hát này mới xuất hiện lại khá mờ nhạt với công chúng. Mặt khác, nó còn bị lấn át bởi những công trình to lớn hơn như Heinrichshof - một khách sạn nổi tiếng, từng bị phá hủy vào thời kỳ Thế chiến II.
Sau đó, với sự xuất hiện của nhạc trưởng tài năng Gustav Mahler và các thế hệ nhạc trưởng kế tiếp, nhà hát lịch sử này đã dần khẳng định được dấu ấn trong lòng mọi người, đồng thời không ngừng thay đổi cho phù hợp với các xu hướng hiện đại hơn.
Tuy nhiên, nhà hát Vienna State Opera House có một số phận không may vì chịu sự tàn phá nặng nề trong suốt thời kỳ diễn ra Thế chiến II và phải mất 10 năm để sửa chữa. Cổng chính, cầu thang và các bức họa trên tường vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đổi lại, khán phòng, sân khấu và hàng ngàn đạo cụ lẫn phục trang đều bị hư hỏng hoàn toàn. Vì vậy, các vở opera của nhà hát đã phải chuyển sang một địa điểm tạm thời trong suốt 10 năm chờ tu sửa. Khi mở cửa trở lại vào năm 1955, nhà hát Vienna State Opera House đã lại sở hữu diện tích lớn hơn rất nhiều so với trước. Vở diễn đầu tiên tại nhà hát mới là Fidelio của Beethoven và đây cũng là vở đầu tiên được phát sóng truyền hình.
Nhà hát Elbphilharmonie: từ nhà kho thành biểu tượng kiến trúc đương đại
Nếu như Hamburg là nhà hát opera đầu tiên ở Đức được xây dựng tại Hamburg vào thế kỷ 17 và 18, được tài trợ bởi tầng lớp quý tộc và giàu có, thì biểu tượng nổi lên của giai cấp tư sản và hệ thống tư bản chủ nghĩa trong thế kỷ 19 là nhà hát Elbphilharmonie, cũng tại Hamburg. Nhà hát này là đại diện cho nền văn hóa châu Âu chuyển từ bảo trợ sang hệ thống công và phục vụ đông đảo công chúng.
Ngày 2-4-2007, tòa nhà được bắt đầu xây tại nhà kho Kaispeicher A thuộc cảng Hamburg. Lúc đó, công trình kiến trúc dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2010 với chi phí ước tính 241 triệu EUR. Đến tháng 11-2008, sau khi hợp đồng ban đầu được sửa đổi, chi phí cho dự án ước tính là 450 triệu EUR. Vào tháng 8-2012, các chi phí đã được tái ước tính khoảng trên 500 triệu EUR, bao gồm thêm các chi phí gia tăng cho một mái xây vững chắc hơn. Công trình xây dựng chính thức kết thúc vào ngày 31-10-2016 với chi phí 789 triệu EUR, mở cửa và đi vào hoạt động sau 16 năm thiết kế và thi công.
Khi còn là nhà kho, địa điểm quen thuộc này không hề đặc sắc với người dân Hamburg. Nhưng với sự ra đời của Elbphilharmonie, nhà kho đã trở thành một trung tâm văn hóa, xã hội mới của người dân Hamburg và là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Hiện nay, nhà hát này được xem là sự kết tinh giữa kiến trúc hiện đại và những giá trị xưa cũ.
Không chỉ là địa điểm trình diễn âm nhạc đơn thuần, công trình còn gồm các căn hộ, tổ hợp về văn hóa. Khán phòng 2.100 chỗ cùng với phòng hòa nhạc giao hưởng 550 chỗ được lồng ghép giữa những căn hộ cao cấp và một khách sạn 5 sao cùng với nhà hàng, phòng tập gym, phòng hội thảo… Vốn là một công trình bình thường thuộc giai đoạn hậu chiến, chỉ có một vài sự kiện bên lề nhỏ lẻ được tổ chức, nhà kho Kaispeicher giờ đây đã trở thành điểm nhấn của đô thị Hamburg và nước Đức, thu hút rất nhiều công chúng yêu nhạc, khách du lịch và cả những nhà đầu tư kinh doanh.