Làm báo không dễ dàng nhất là với những nhà báo không chuyên. Tuy nhiên bằng tình yêu nghề họ không ngại ngần dấn thân để có thể truyền tải những kiến thức, thông tin đến bạn đọc gần xa. Nói theo cách vui, họ chính là những nhà báo… không thẻ.
Chuyên gia dinh dưỡng TRẦN THỊ MINH NGUYỆT:
Đây là cơ duyên mà tôi may mắn có được
Là bác sĩ dinh dưỡng của Công ty NutiFood, một công ty được sáng lập từ các bác sĩ dinh dưỡng đầu ngành từ những năm 2000, với triết lý hoạt động vô cùng nhân văn là tạo ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của cộng đồng và vì một thế hệ trẻ em Việt Nam trong tương lai cao lớn, khỏe mạnh, thông minh, giúp cải thiện giống nòi dân tộc, tôi luôn tâm niệm sẽ kế tục và duy trì những hoạt động nhân văn này bằng trái tim của người thầy thuốc.
Với chúng tôi, ngoài việc làm ra những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng, việc cung cấp kiến thức dinh dưỡng nhằm nâng cao hiểu biết của người dân, giúp họ có thói quen ăn uống đúng, khoa học được xem là một phần trong tôn chỉ hoạt động của công ty. Ngay từ những ngày đầu thành lập, NutiFood đã có phòng tư vấn dinh dưỡng qua điện thoại, hiện nay còn qua website... với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng có chuyên môn, tận tâm với nghề, được khách hàng tin tưởng chia sẻ với hàng ngàn câu hỏi gửi về mỗi tháng.
Đặc biệt khi đến với Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, qua chương trình tài trợ dinh dưỡng toàn diện một cách rất tình cờ sau khi chúng tôi nhận thấy đây là một thế hệ bóng đá tiềm năng nhưng thể hình, thể lực còn khiêm tốn và chúng tôi muốn góp một phần công sức để giúp các em cải thiện thể chất tốt hơn, tôi cũng hân hạnh được tham gia chăm sóc dinh dưỡng cho U19 Việt Nam mà nòng cốt là các em khóa đầu tiên của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG qua các giải đấu trong năm 2013, 2014, đã để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc. Qua đó tôi cũng gặp rất nhiều nhà báo, có dịp chia sẻ thân tình các kiến thức về dinh dưỡng trong những câu chuyện bên lề sân cỏ và được các anh chị phóng viên đón nhận rất nhiệt tình. Tôi thật sự rất vui khi nhận lời mời hợp tác với một số báo trong các chuyên mục chăm sóc sức khỏe, trong đó có SGGP thứ bảy, với các chuyên đề về dinh dưỡng, nhằm giúp độc giả có thêm kiến thức chăm sóc tốt cho bản thân và gia đình. Đây có thể là cơ duyên mà tôi may mắn gặp được, cũng nhờ đó tôi có thêm động lực để không ngừng học hỏi, hoàn thiện mình, để có thể chia sẻ cho độc giả những kiến thức bổ ích một cách súc tích, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Tôi thật sự biết ơn các anh chị nhà báo, đặc biệt là SGGP thứ bảy, đã cho tôi cơ hội, đồng thời cảm ơn quý độc giả đã ủng hộ trong thời gian qua. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến SGGP thứ bảy và toàn thể các nhà báo.
Lương y ĐINH CÔNG BẢY:
Được tiếng là nhà báo không thẻ
Tôi yêu thích văn chương, nghệ thuật từ nhỏ. Cũng đã có gửi bài đăng báo từ hồi còn học trung học, và được báo chọn đăng, nên cảm thấy rất vui.
Đến khi làm nghề y, thấy việc viết bài góp phần thông tin thêm về kiến thức y học phổ thông cho cộng đồng là điều lợi ích thiết thực cần làm, nên tôi cố gắng học hỏi để có những bài viết gửi đến các báo chuyên về y học, khoa học. Lâu ngày, tay nghề viết được nâng lên, bài viết được ban biên tập các báo chọn đăng ngày càng nhiều, cũng được tiếng là nhà báo không thẻ.
Tính đến nay, tôi tham gia viết báo y học, khoa học được hơn 40 năm rồi. Tôi rất vui và có phần hãnh diện vì được các báo khích lệ và công nhận mình như một cây bút chính, đã mời cộng tác thường xuyên vào các chuyên mục về y học, sức khỏe, dinh dưỡng… Đồng thời, cũng thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp nhiều hơn với cộng đồng, qua những bài viết hay hơn, thiết thực hơn…
Là người viết nhiều bài báo (và nói chuyện trên một số đài truyền hình) về y học, sức khỏe, dược liệu… nên tôi thường được các nhà báo hỏi ý kiến chuyên môn về những dược liệu, những dược phẩm, những phương pháp chữa trị… Đa số đều được tôi trả lời với tư cách là nhà chuyên môn có trách nhiệm. Nhưng có một số câu hỏi tôi từ chối trả lời, do tôi không có thẩm quyền, do chưa hiểu biết thấu đáo về nội dung, nên không đưa ra ý kiến. Điều này có khi cũng làm buồn lòng những nhà báo muốn phỏng vấn mà không được như ý. Qua đây, tôi cũng muốn bày tỏ để những nhà báo mà tôi đã từng tìm cách từ chối trả lời phỏng vấn hiểu hơn về mình.
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúc tất cả các nhà báo luôn có được thật nhiều niềm vui, mạnh khỏe và thành công!
ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG:
Báo là nơi tôi gửi gắm tâm sự của mình
Do đặc thù công việc, mỗi năm tôi có những chuyến công tác, nhất là đi đến các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm, mỗi chuyến đi tôi được quan sát, chứng kiến và thu được thêm nhiều điều thú vị. Điều tôi tâm đắc nhất là hiểu hơn về cuộc sống con người, thiên nhiên cũng như những nét văn hóa độc đáo của vùng miền. Làm công tác giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực “tâm hồn”, tôi có thể phân tích, so sánh, đối chiếu, đánh giá cũng như rút ra được những kinh nghiệm để rồi từ đó có những bài viết về giáo dục con cái, giữ mái ấm gia đình…phần nào giúp các bậc phụ huynh, các em học sinh tham khảo.
SGGP thứ bảy cũng chính là nơi tôi có thể được gửi gắm những tâm sự của mình. Tôi cảm nhận được SGGP thứ bảy là một tờ báo rất phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, có uy tín trong suốt những năm qua. Tờ báo phản ánh những thông tin nhanh, chính xác cũng như có tác dụng giáo dục, định hướng rất tốt cho bạn đọc. Tờ báo với sự tham gia của nhiều cộng tác viên khắp mọi miền đất nước, trong đó có đội ngũ những “nhà báo không chuyên” cũng góp phần quan trọng. Mỗi tuần tôi đều gửi đến tờ báo những điều tôi trải nghiệm, mỗi chuyến đi công tác ở các vùng miền tôi cũng tranh thủ phát hiện để có những câu chuyện gửi về cộng tác… Tháng nào tôi cũng có bài được đăng. Đó thực sự là niềm vui giúp tôi càng thêm nhiều cảm hứng để ngày càng gắn bó hơn với báo. Tôi mong rằng, SGGP thứ bảy luôn là bạn đồng hành của bạn đọc, là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM và là tờ báo được đông đảo bạn đọc cả nước quan tâm.
Giảng viên tâm lý, Trường ĐH Nguyễn Huệ LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN:
Nguồn cảm hứng và tư liệu để viết báo
Những ngày đầu khi nghĩ đến việc viết báo tôi biết được rằng, để có những bài viết chất lượng, người viết phải đi đây đi đó nhiều nơi, phải thâm nhập nhiều tầng lớp người trong xã hội mới có tư liệu và cảm hứng. Còn thực tế trong cuộc sống hằng ngày với bao nhiêu công việc bộn bề, lại tiếp xúc trong một môi trường giao tiếp hạn hẹp thì khó viết được những bài có giá trị. Song, trong quá trình công tác tôi đã nhận ra rằng nguồn cảm hứng và tư liệu để viết báo chính là những hiểu biết và rung cảm được hình thành từ công việc, là khả năng quan sát tinh tế và các mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Là một giảng viên đại học, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều đối tượng sinh viên từ các vùng miền khác nhau của đất nước. Trong những giờ lên lớp, thông qua việc trao đổi, thảo luận với sinh viên tôi đã thu thập được thông tin về rất nhiều lĩnh vực trong đời sống của những sinh viên khoác áo lính. Những lúc đó tôi đã nghĩ rằng, chính tinh thần lạc quan, yêu đời, không ngại khó, ngại khổ mà những sinh viên của mình đã vượt qua đã là nguồn tư liệu quý giá để hình thành nên những bài viết có giá trị.
Từng được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội, tôi càng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả mà sinh viên hiện nay hằng ngày phải nỗ lực vượt qua. Những lần được nghe các em kể về những kỷ niệm đẹp khi đi làm dân vận hay hành quân rèn luyện, tôi như sống lại những ngày khó khăn nhưng rất đỗi tự hào. Đó chính là nguồn cảm hứng thôi thúc tôi viết thành lời động viên, khuyến khích, giúp đỡ các em và bản thân mình cùng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những giờ tăng gia vui nhộn trên những mảnh vườn xinh xắn, những luống rau xanh mượt làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn. Cuộc đời người lính còn gắn với những bản tình ca lãng mạn, những ca khúc cách mạng hào hùng được cất lên trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ, các buổi rèn luyện, trên đường hành quân. Rồi những buổi cùng nhau đọc thư nhà, chia sẻ với nhau những cảm xúc, tâm sự về người yêu, gia đình. Còn gì hạnh phúc hơn khi những tình cảm của mình được gửi gắm trong những bài viết đó. Cuộc sống của những người lính dù ở trong thời chiến cũng như trong thời bình luôn đầy ắp những nguồn cảm hứng, và không lý gì một người lính như tôi lại không viết nên những lời ca đẹp nhất. Cuộc sống của tôi có biết bao điều có thể quan sát, nghe, hiểu, để rồi chia sẻ trên những trang báo. Tiếp xúc với hàng trăm sinh viên là biết đến hàng trăm điều mới lạ, là một thế giới tâm hồn của chiến sĩ mà chúng tôi mỗi ngày phải đến với họ, để hiểu họ hơn. Với công việc của mình, tôi càng phải tìm hiểu thật nhiều về đời sống tâm lý của quân nhân, mỗi bước trưởng thành của họ đều mang dấu ấn về trách nhiệm của người thầy trên bục giảng. Đó là nguồn cảm hứng vô tận trong quá trình làm báo nghiệp dư mà tôi đã trải nghiệm.
Tôi còn nhớ rõ thời gian cận kề những ngày thi tuyển sinh đại học cách đây 5 năm. Tôi đã chứng kiến một phụ huynh đưa con trai đến trường dự thi mà lúc nào cũng mất lòng tin ở con, dùng những lời lẽ bi quan trước mặt con và không chút hy vọng khả năng con thi đỗ đại học. Và qua quan sát rồi trao đổi, tâm sự, hiểu được thêm những bậc phụ huynh có con đi thi nên tôi hình thành ngay ý tưởng về liệu pháp tinh thần cho cả phụ huynh và thí sinh trước ngày thi. Sau hôm đó tôi đã viết một chủ đề gửi đến báo SGGP như một sự chia sẻ của người làm công tác chuyên môn để phần nào giúp học sinh vượt qua được những khó khăn tâm lý trước kỳ thi. Bài viết này đã tạo cho tôi một động lực tinh thần mạnh mẽ, từ chỗ quan niệm viết báo là cái gì đó quá xa vời khả năng, phải thật tài tình, phải đi thật nhiều nơi, phải dùng văn phong của báo chí (theo tôi hiểu lúc đó) thì giờ đây tôi mạnh dạn tìm hiểu để biết thêm được yêu cầu của một bài báo về tính chân thực, khách quan, khoa học, cập nhật để thu hút sự quan tâm của người đọc. Từ bài báo đầu tay, bằng những trải nghiệm thực tiễn, bằng việc thường xuyên đào sâu kiến thức chuyên môn, bằng sự quan sát, phát hiện, phân tích, tư vấn tâm lý, khảo sát, điều tra trong và ngoài quân đội mà tôi tìm được niềm vui trong việc viết báo. Một bài, hai bài, ba bài… và hiện nay tôi tự nhận mình có chút vốn liếng. Thời gian thấm thoát trôi qua, giờ đây tôi đã tích lũy được khá nhiều bài viết có chất lượng trên các báo và tạp chí, đặc biệt là SGGP thứ bảy, đề cập nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là một tài sản vô cùng quý giá với người viết “không chuyên” như tôi. Công việc giảng dạy ở một nhà trường quân đội giúp tôi rèn giũa thêm tay nghề sư phạm, nhanh nhạy hơn khi giải quyết vấn đề với người học, trình bày kiến thức càng logic, khoa học hơn. Quả thực, nguồn cảm hứng và tư liệu viết báo là quan trọng vô cùng và nó chỉ có được ở những ai biết tự khơi nguồn và rút ra được từ trải nghiệm cuộc sống.*