Những người viết đơn xin thoát nghèo

Cuộc sống dù còn khó khăn nhưng nhiều hộ dân các tỉnh Tây Nguyên đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo để nhường suất nghèo cho người khổ hơn.
Nhờ trồng cà phê, chị Y Hà đã có thu nhập ổn định, qua đó tự tin xin thoát nghèo
Nhờ trồng cà phê, chị Y Hà đã có thu nhập ổn định, qua đó tự tin xin thoát nghèo

Chia ngọt sẻ bùi

Câu chuyện hộ bà Nguyễn Thị Ngãi (63 tuổi, thôn Ea Plai, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) viết đơn xin thoát nghèo để giảm gánh nặng cho Nhà nước được nhiều người ngợi khen về tinh thần biết nghĩ cho người khác. Ghé thăm nhà bà Ngãi vào chiều muộn, chúng tôi thấy người phụ nữ này vẫn đang cần mẫn chăm sóc vườn rau, đôi bàn tay thoăn thoắt nhặt cỏ, bắt sâu.

Hơn 26 năm trước, gia đình bà từ Hà Tĩnh vào Đắk Lắk lập nghiệp. Đất đai thiếu, gia đình lại đông con nên cuộc sống khốn khó trăm bề. Địa phương tạo điều kiện để gia đình bà hưởng chế độ hộ nghèo. Cuộc sống còn éo le hơn khi chồng bà - một trụ cột trong gia đình, cũng qua đời, để bà một mình nuôi đàn con. Dù khó nhưng bà luôn ý thức phải cố gắng lao động. Hàng ngày, bà làm thuê đủ việc, còn tham gia trồng rau, chăn nuôi nhằm kiếm tiền nuôi con ăn học. Năm 2022, khi con cái đã yên bề gia thất, bà Ngãi tự nguyện đến UBND xã xin được thoát nghèo. “25 năm qua, nhờ được hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước liên quan đến khám chữa bệnh, miễn giảm học phí và các khoản vay ưu đãi, gia đình tôi mới lo được cho các con ăn học, lập gia đình. Giờ đây, khi kinh tế gia đình đã ổn định, không còn gánh nặng về con cái nên tôi xin được thoát nghèo để nhường sự ưu đãi cho các hộ khó khăn hơn”, bà Ngãi tâm sự.

Hộ bà Ngãi là một trong số rất nhiều trường hợp ở Đắk Lắk tự nguyện thoát nghèo trong những năm qua. Như tại xã Ia R’vê (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) cũng có 4 hộ viết đơn xin thoát nghèo là hộ bà Mai Thị Thủy (thôn 10), hộ ông Nông Văn Ngãi (thôn 13), hộ ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 2) và hộ ông Nguyễn Văn Khánh (thôn 6). Theo ông Phạm Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, do đặc thù của huyện có khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn nên hộ nghèo còn cao, chiếm khoảng 42,71% dân số. Các trường hợp viết đơn xin thoát nghèo ở xã Ia R’vê là những tấm gương đáng trân trọng.

Tấm gương thoát nghèo

Xuôi về xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Đặng Ngọc Dũng phấn khởi cho biết, năm 2022, xã có 6 hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. “6 hộ xin thoát nghèo có đặc điểm chung là hộ gia đình trẻ, chịu khó làm ăn. Ngoài làm kinh tế gia đình thì họ còn biết làm thêm cho hợp tác xã để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, họ còn biết vay vốn để trồng cây dược liệu. Vì thu nhập ổn định nên người dân tự tin xin thoát nghèo. Nhận đơn, xã phối hợp với phòng chức năng của huyện đi thẩm định, qua đó xác định các hộ này đảm bảo đầy đủ tiêu chí thoát nghèo. Huyện đã có quyết định công nhận thoát nghèo”, ông Dũng kể.

Trong 6 hộ xin thoát nghèo, có gia đình chị Y Hà (24 tuổi, thôn Đắk Xia, xã Ngọc Lây). Nói về quyết định xin thoát nghèo, chị nói: “Nhà mình trước trồng lúa, mì, cà phê, mới đây lại trồng cây đương quy, thu nhập vì thế cao hơn. Sắp tới, khi những cây dược liệu mới trồng cho thu hoạch, chắc chắn nguồn thu sẽ còn tăng hơn nữa. Vì thấy sức khoẻ đảm bảo, làm ăn ổn định nên vợ chồng mình vui vẻ xin thoát nghèo”.

Còn tại thôn Đắk Rơ Wang, xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, việc người dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo cũng diễn ra nhiều năm nay. Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng thôn Đăk Rơ Wang, trong 3 năm 2019, 2020 và 2022, trên địa bàn thôn có 5 hộ viết đơn xin thoát nghèo. Trong đó, riêng năm 2022, có 2 hộ là hộ A Bình và Triệu Văn Hoài. Điểm chung của những hộ này là biết làm kinh tế, muốn nhường suất hộ nghèo cho người khác. “Tới đây, xã sẽ mời 2 hộ này đến để khen thưởng, biểu dương trước hội nghị học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xã cũng sẽ lấy tấm gương thoát nghèo này để tuyên truyền cho các hộ dân khác phấn đấu làm kinh tế nhằm thoát nghèo”, ông Minh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục