Những người Việt đầu tiên trên đỉnh núi huyền thoại

Những người Việt đầu tiên trên đỉnh núi huyền thoại

Họ đã trở về, sau hơn 60 ngày chinh phục đỉnh núi cao nhất hành tinh, sau hơn 60 ngày bám bên vách tử thần để cắm cờ Tổ quốc trên ngọn núi huyền thoại- một giấc mơ dài với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong giấc mơ dài đó, tính đến ngày hôm nay, chỉ có 2.249 người từ hơn 20 nước trên thế giới đã chinh phục được độ cao tuyệt đối, khoảng 186 người khác đã gửi thân lại dọc con đường lên đỉnh băng giá… Còn họ, là 3 người Việt Nam.

Huyền thoại Everest và những xác người

Đó là Everest, ngọn núi mang huyền thoại về khát vọng chinh phục đỉnh cao của nhiều người, nhiều quốc gia trên thế giới, và về những xác người nằm lại trên con đường vươn tới khát vọng đó. Everest thuộc địa phận Nepal, quốc gia của những câu chuyện thần thánh, là đỉnh núi cao nhất trên hành tinh này với độ cao so mặt nước biển là 8.850m.

Người Việt Nam trên “nóc nhà thế giới”.

Người Việt Nam trên “nóc nhà thế giới”.

Chuyện rằng, kể từ năm 1953, khi hai nhà leo núi Edmund Hillary và Tenzing Norgay lần đầu tiên chinh phục thành công, hơn nửa thế kỷ qua, đỉnh Everest cũng đón tiếp không nhiều các nhà leo núi khác, vì vùng này đã được xem là vùng chết. Ở đó, không chỉ có lượng oxy và nhiệt độ cực thấp, thời tiết khắc nghiệt phải sử dụng mặt nạ và bình đựng oxy, còn có các vách băng nứt và dốc thẳng đứng.

Do độ cao làm cho người leo núi không thể suy nghĩ minh mẫn, nhưng bên các vách băng nứt và thẳng đứng đó, lại đòi hỏi các nhà leo núi phải có các quyết định nhanh chóng, chính xác. Muốn chinh phục được Everest, các nhà leo núi không chỉ cần có một thể lực tốt và còn cần phải có một nghị lực và ý chí sắt đá để đón nhận hiểm nguy đang rình rập.

Vậy nên, cho đến cuối những mùa leo núi gần đây, người ta tổng kết được rằng, chỉ có 2.249 người đã đạt đến đỉnh núi và 186 người tử nạn khi cố gắng trèo lên đỉnh. Điều kiện trên núi khắc nghiệt đến nỗi các xác người phải để lại nơi mà họ đã rơi xuống; một số xác có thể thấy được từ các đường leo quy chuẩn… Nhưng, tháng 5-2008, lịch sử Everest vừa ghi thêm tên Việt Nam vào danh sách các đất nước có đoàn leo núi chinh phục thành công đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới” này.

"Chúng tôi thật sự rùng mình khi chứng kiến cảnh xác người xấu số bị rơi xuống vực, đầu nằm một nơi, mình nằm một nẻo và bị “ướp” trong tuyết mà không cách gì lấy lên được."

Trở về từ cuộc chinh phục núi Everest tháng 5-2008, chàng trai Nguyễn Mậu Linh - 1 trong nhóm 3 người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest, như chưa thoát khỏi bàng hoàng khi kể lại cuộc hành trình: “Chúng tôi thật sự rùng mình khi chứng kiến cảnh xác người xấu số bị rơi xuống vực, đầu nằm một nơi, mình nằm một nẻo và bị “ướp” trong tuyết mà không cách gì lấy lên được”.

Đó là những người xấu số, còn người may mắn hơn khi leo đến đỉnh và được trở về? Ông Trần Danh Phương, một bác sĩ đi theo đoàn leo núi cho biết: “Trên độ cao hơn 8.000m thì lượng oxy trong không khí chỉ còn khoảng 30%. Điều đó làm con người trở nên lờ đờ, thiếu minh mẫn. Nếu nhẹ thì bị sưng phổi hay bỏng lạnh, bỏng tuyết. Còn nặng hơn thì bị phù não, hỏng giác mạc, tử vong”…

Và, họ, 3 chàng trai: Ngợi, Nhiên, Linh từ khắp các miền của nước Việt, khởi hành từ tháng 4-2008 lên đường đi chinh phục đỉnh núi Everest, đã trở về không bằng may mắn mà bằng một ý chí thép, rất Việt Nam. Họ là ai?

Từ trái sang: Bùi Văn Ngợi, Nguyễn Mậu Linh, Phan Thanh Nhiên.

Từ trái sang: Bùi Văn Ngợi, Nguyễn Mậu Linh, Phan Thanh Nhiên.

Nhật ký về cuộc đổ bộ tháng 5

“Chúng tôi là bốn chàng trai trong số hơn 2.000 bạn trẻ được tuyển chọn để đại diện tổ quốc chinh phục “nóc nhà thế giới”. Ngày 19-4-2008, sau 8 ngày leo dốc từ Kathmandu (Nepal) đến trạm căn cứ Everest, chúng tôi đến nơi tập kết với cái lạnh ban đêm là -10oC. Tuyết thấm rơi qua thành lều, giường ngủ là những phiến băng lạnh buốt, ai cũng bị đau đầu và mất ngủ vì hội chứng độ cao (5.364m) xuất hiện.

Ngày 25-4-2008, chúng tôi bắt đầu lên độ cao 5.943m. Lê Bá Công bị đau đầu dữ dội và ngày hôm sau, trong khi di chuyển lên độ cao 6.400m, Công phải bỏ cuộc mặc dù anh là người có thể lực tốt nhất. Chúng tôi ngủ, sinh hoạt, leo… với bình oxy trên vai và vượt qua những dòng sông băng mêng mông và các vách tử thần dựng đứng.

Ngày 10-5-2008, độ cao 7.162m đã bị chinh phục, chúng tôi leo vách băng bằng những đôi giày móc sắt, bám vào mặt băng và tay thì vịn vào dây thừng đu người lên. Có những khe nứt sâu 100m và chúng tôi phải bước qua trên những chiếc thang nhôm mỏng manh. Chao ôi nếu mà rơi xuống…!

Đêm 21-5-2008, chúng tôi đã ở độ cao 8.016m và chia thành hai nhóm. Nhóm của Bùi Văn Ngợi và nhà quay phim người Mỹ Brad (đã từng chinh phục Everest) cùng với nhóm của Phan Thanh Nhiên, Nguyễn Mậu Linh (nhà quay phim người Thái Lan tên Nừng đi cùng). Tất cả thành viên đều ở lại trạm căn cứ chờ tin.

Những bước chân nặng nề lê từng bước một, lặng lẽ trong màn đêm! Chúng tôi biết rằng mỗi sai lầm trong thời khắc này sẽ trả giá bằng tính mạng của mình.

7 giờ 15 phút giờ Việt Nam ngày 22-5-2008, Bùi Văn Ngợi cắm cờ Tổ quốc lên đỉnh cao Everset, tiếp đó đến Nguyễn Mậu Linh, Phan Thanh Nhiên… Chúng tôi đã khóc vì hạnh phúc. Nước mắt… đóng băng ở cái lạnh -30 oC!”

Chí khí Việt Nam và giấc mơ dài của người trẻ

Những người Việt đầu tiên trên đỉnh núi huyền thoại ảnh 3

Vượt thác băng thẳng đứng bằng dây trước khi lên “nóc nhà thế giới”.

Đón họ trong buổi trở về, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Xuân Biên nói: “Chinh phục được Everest, các bạn trẻ Việt Nam đã khẳng định với thế giới rằng bất cứ điều gì thế giới làm được thì người Việt Nam cũng có thể làm được. Ba nhà leo núi của chúng ta là những người Việt Nam đầu tiên chinh phục “nóc nhà thế giới” và chắc chắn rằng sẽ còn nhiều thế hệ người Việt khác chinh phục những vùng đất xa hơn, khắc nghiệt hơn thế”. Họ chỉ mới ngoài 20.

24 tuổi, Bùi Văn Ngợi có vóc người nhỏ nhắn và đang học ở Trường ĐH Thể dục thể thao TƯ2. Quê nhà Ngợi ở Gia Lai. Tuy dáng nhỏ nhất đoàn nhưng chính Ngợi lại là người đầu tiên chạm chân lên đỉnh cao.

Ngợi kể: “Mặc dù rất muốn mang theo ảnh của Bác Hồ nhưng với một hành trình nguy hiểm như thế, mang thân mình lên đến đỉnh đã là may mắn. Tuy nhiên trước khi đi, tôi có “thủ” trong túi đồng xu loại 5.000 đồng. Mặt đồng xu cũng có chân dung Bác Hồ và tôi đã để lại trên ấy”.

23 tuổi, Phan Thanh Nhiên là thành viên trẻ tuổi nhất đoàn. Anh đã để lại một lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Everest. Nhiên nói sau khi chinh phục xong Everest, anh sẽ tiếp tục học hết chương trình tại Trường ĐH Thể dục thể thao TƯ2.

“Những bước chân nặng nề lê từng bước một, lặng lẽ trong màn đêm! Chúng tôi biết rằng mỗi sai lầm trong thời khắc này sẽ trả giá bằng tính mạng của mình"

Có thế mạnh do từng là tay đấm bốc cừ khôi và đã phục vụ trong quân đội 6 năm, Nguyễn Mậu Linh, sinh năm 1977 cũng đã làm nên kỳ tích của cuộc đời mình trong chuyến đi ấy. Linh tâm sự, khi chinh phục Everest vừa xong, trên đường quay về, bình oxy của anh bị đông đá.

Có thể nói giây phút ấy, Phan Thanh Nhiên đã là người chia đôi nguy hiểm với Linh khi hai người cùng hít thở chung một bình oxy, mỗi người… hít một hơi! Linh nói: “Tự hào vì chinh phục Everest là hiển nhiên. Nhưng chia nhau từng… hơi thở, đó mới là niềm tự hào lớn nhất của người Việt Nam”. 

* * * 

Tháng 6-2008, tôi đọc lại Nhật ký về cuộc đổ bộ có một không hai của những chàng trai Việt Nam lên đỉnh Everest vào tháng 5-2008, mà hẳn nhiều người theo dõi về cuộc hành trình phi thường này đều đã biết. Nhưng, có một điều không phải ai cũng biết, đó là sau khi bước ra khỏi những chào đón đầy hoa mà người hâm mộ Việt Nam dành cho họ thời gian qua, họ trở về cuộc sống đời thường với những giấc mơ dài, dài hơn đường lên đỉnh non cao.

Họ nói, hơn 200 ngày vào cuộc, đặt chân lên đỉnh nhiều ngọn núi khắp thế giới, họ biết đâu là khát khao, đâu là ước mơ trong cuộc đời. Còn tôi, khi gặp họ, tôi hiểu thêm về điều đã biết: điều phi thường hoàn toàn có thể làm được từ những người bình thường nhất. Tôi, cũng như những người trẻ Việt Nam, cảm phục và biết ơn họ. 

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục