Đài RFI dẫn một báo cáo năm 2022-2023 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, Hàn Quốc là một trong những nước có số giờ lao động hàng năm cao nhất, vào khoảng hơn 1.900 giờ/năm, cao hơn 200 giờ so với mức trung bình của các nước OECD (30 nước). Hình ảnh đa số người dân xứ sở kim chi làm việc tới đêm khuya, vắt kiệt sức mình để thể hiện sự tận tụy trong công việc, từ lâu đã trở thành một đặc trưng văn hóa.
Theo quy định hiện hành của luật pháp Hàn Quốc, người lao động làm việc trung bình 8 giờ/ngày và tối đa là 52 giờ/tuần. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số trên giấy tờ. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho văn hóa làm quá giờ của người Hàn Quốc. Theo tờ Nikkei Asia, lý do đầu tiên phải kể tới là người lao động không có tiếng nói trong công ty. Giới chủ doanh nghiệp tại Hàn Quốc thường nắm giữ rất nhiều quyền lực, còn nhân viên thì chẳng thể đòi hỏi gì. Nguyên nhân thứ hai là vì mức lương họ được trả khá thấp. Dù số giờ làm việc hàng năm cao hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc nước trong OECD, mức thu nhập hàng năm của người lao động Hàn Quốc năm 2022 vẫn thấp hơn so với mức lương trung bình tại các quốc gia thành viên của tổ chức này.
Hơn nữa, thị trường lao động tại Hàn Quốc hiện đang rất cạnh tranh. Theo một đại diện của Liên đoàn Thanh niên Hàn Quốc, nghỉ hưu vào năm 60 tuổi là điều không tưởng với nhiều người. Rất nhiều nhân sự bị cắt giảm khi đến tuổi 40, 50. Bởi vậy, có nhiều người dù trước đó đã có vị trí tốt, công việc ổn định nhưng sau vẫn phải chạy taxi hay đi giao hàng để có khoản tiền tiết kiệm chuẩn bị cho tương lai khi nghỉ hưu.
Ngoài ra, theo tạp chí Forbes, không thể không nói tới một nguyên nhân quan trọng khác là hệ tư tưởng, quan niệm vốn đã hằn sâu trong tâm trí của người Hàn Quốc: tăng ca đồng nghĩa với chăm chỉ, tận tụy, nỗ lực. Nếu muốn thành công, phải cống hiến hết mình, đánh đổi tất cả thời gian cho công việc. Và với người Hàn Quốc, thành công được định nghĩa bằng một công việc tốt, một mức lương tốt. Họ rất quan tâm tới vị trí, cấp bậc của một người trong công ty. Anh Lee, 39 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hàn Quốc, khẳng định, rời khỏi cơ quan lúc 6 giờ tối đồng nghĩa với việc sẽ không được thăng chức.
Guồng quay công việc nặng nề ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người lao động. Ngoài sức khỏe về thể chất, tâm lý và tinh thần của người lao động cũng bị tác động nặng nề. Hàn Quốc là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong khối OECD, thậm chí còn cao hơn Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng với Karoshi, hay còn hiểu là “làm việc đến chết”. Chỉ tính riêng trong năm 2021, tại Hàn Quốc đã có khoảng 13.000 người tự kết liễu đời mình. Hơn nữa, cống hiến tất cả cho công việc cũng đồng nghĩa là người lao động sẽ không có thời gian cho gia đình, con cái. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và tỷ lệ này vẫn tiếp tục đà giảm theo các năm.
Tận tụy, cống hiến thậm chí là vắt kiệt sức cho công việc đã giúp Hàn Quốc phát triển thần tốc và vươn lên thành một trong bốn con rồng châu Á. Thế nhưng, những hệ lụy mà nó gây ra cũng không hề nhỏ.