Những gạch nối đầu tiên
Người có công đưa kỹ thuật TTON về Việt Nam là Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ TPHCM. Năm 1984, trong một chuyến công tác Thái Lan, bà được đi thăm một cơ sở TTON. Từ đó, bà ấp ủ mong muốn đem kỹ thuật này về ứng dụng tại Việt Nam nhằm mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn về kinh tế, ý tưởng thành lập một trung tâm hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật TTON rất xa vời. Phải sau 13 năm dày công chuẩn bị cả trang thiết bị, máy móc lẫn con người, ngày 19-8-1997, 5 phôi thai TTON đầu tiên được chuyển vào tử cung 5 phụ nữ tại BV Từ Dũ. Cũng tại đây, ngày 30-4-1998, 3 em bé TTON đầu tiên ra đời. Đó là Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo. Đây cũng là thời khắc Việt Nam được xướng tên là một trong những quốc gia có thể ươm mầm sống bằng kỹ thuật TTON. “Đến bây giờ, dù có hàng chục ngàn đứa trẻ Việt Nam được sinh ra từ kỹ thuật TTON, nhưng cảm xúc về ngày 30-4 năm đó vẫn không thể nào diễn tả được bằng lời”, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ.
Sau thành công này, mỗi năm có hàng ngàn trẻ em ra đời nhờ kỹ thuật TTON. Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ hiếm muộn, vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh nở chiếm khoảng 7,7% dân số. Và kỹ thuật TTON đã mang đến niềm hạnh phúc về “ngôi nhà và đứa trẻ” cho nhiều gia đình. Trường hợp của anh Lê Đình D., (ngụ tỉnh Nghệ An) là một trong những ví dụ điển hình. Kết hôn 11 năm nhưng vợ anh D. vẫn không có thai. Đi khám tại nhiều BV, các bác sĩ cho biết vợ anh bị tắc vòi trứng. Đến BV Từ Dũ TPHCM thực hiện TTON, nhưng phải đến lần cấy phôi thứ 3, gia đình anh mới được đón nhận tin vui. Năm 2017, cặp bé trai song sinh đã chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình 2 bên nội ngoại anh D... Đây là một trong hàng ngàn trường hợp mắc chứng vô sinh, hiếm muộn đã có con nhờ kỹ thuật TTON được thực hiện tại Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ. Theo bác sĩ Lê Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hiếm muộn, trung bình mỗi năm có 58.000-60.000 lượt khám vô sinh hiếm muộn tại BV Từ Dũ. Tính đến nay, gần 11.000 em bé ra đời từ trung tâm này, mang lại niềm hạnh phúc thiêng liêng được làm cha, làm mẹ của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Đây thực sự là một bước tiến dài trong phát triển kỹ thuật TTON và là một minh chứng rõ nét vai trò của BV Từ Dũ trong sự nghiệp hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam.
Sánh ngang tầm thế giới
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết và sinh sản vô sinh TPHCM, một trong những bác sĩ đầu tiên được cử đi Pháp học kỹ thuật TTON, cho biết từ một đơn vị TTON ban đầu, sau 20 năm Việt Nam đã có 23 trung tâm TTON trên khắp cả nước với khoảng 400 chuyên gia trong lĩnh vực này. Hàng năm, Việt Nam thực hiện hơn 20.000 lần cấy phôi cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. “Chúng tôi rất tự hào khi nói rằng trong lĩnh vực TTON, bất cứ kỹ thuật nào mà các nước trên thế giới làm được thì Việt Nam cũng làm được”, bác sĩ Hồ Mạnh Tường chia sẻ. Cũng theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, tỷ lệ TTON thành công hiện nay của Việt Nam là 40%-50%, lớn hơn so với Singapore, Philippines hay Malaysia. Không những thế, Việt Nam còn được đánh giá cao khi chi phí TTON thuộc hàng rẻ nhất thế giới, chỉ bằng 1/3 so với một số nước trong khu vực. Nếu như tại Việt Nam, một lần TTON có chi phí 70-80 triệu đồng thì tại Campuchia là 6.000 USD/lần, Thái Lan 8.000-10.000 USD/lần.
Chính vì thế, “tiếng thơm” về TTON Việt Nam được nhiều người biết đến. Ngày càng có nhiều Việt kiều tại Mỹ, Australia hay người dân từ Philippines, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản… tìm đến Việt Nam thực hiện TTON. Thậm chí, một số nước trong khu vực còn gửi bác sĩ, chuyên gia phôi học, nam khoa đến Việt Nam học kỹ thuật TTON. Mới đây nhất, nghiên cứu của TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, cùng các cộng sự vừa được tạp chí y khoa danh tiếng hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine công bố. Nghiên cứu đã so sánh phôi đông lạnh và phôi tươi trong TTON. Kết quả cho thấy việc chuyển phôi đông lạnh cũng tương tự như chuyển phôi tươi, do việc trữ phôi đông lạnh rất an toàn nên trong quá trình TTON, các bác sĩ không cần chuyển quá nhiều phôi trong một lần, dễ dẫn đến tình trạng đa thai, mà có thể chuyển mỗi lần 1-2 phôi và thực hiện nhiều lần.
Bền bỉ, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra các giải pháp tối ưu cho kỹ thuật TTON là những điều mà các bác sĩ trong lĩnh vực này đã nỗ lực trong 20 năm qua. Và dù không mang trọng trách cứu người, những người thầy thuốc trong lĩnh vực TTON lại đang âm thầm ươm mầm sống, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.