Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng những người mẹ và những người con được sinh ra trong nhà tù – Người tù không số.
Tại chương trình, các đại biểu không khỏi xúc động khi nghe câu chuyện của những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong cảnh tù đày. Có những đứa trẻ theo mẹ vào tù từ khi còn nằm trong bụng cho đến khi sinh ra đời. Giờ đây, những đứa trẻ ngày nào đã trở thành ông, bà nhưng với những nữ cựu tù chính trị và tù binh, họ vẫn chỉ là những đứa trẻ thiệt thòi bởi sinh ra trong chốn lao tù thiếu thốn.
Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM xúc động: “Chiến tranh là đau thương, là mất mát. Với những nữ chiến sĩ cách mạng khi sa vào tay giặc chẳng may con còn quá nhỏ bị bắt theo cùng mẹ hoặc đang trong thời kỳ thai nghén thì nỗi đau càng nhân lên. Bởi kẻ thù dùng bào thai, dùng đứa trẻ để uy hiếp, lung lạc người mẹ”.
Theo bà Hoàng Thị Khánh, trong nhà lao dù bao gian khó, các chị vẫn quyết bảo vệ con đến cùng. Bà Hoàng Thị Khánh xúc động nhớ lại câu chuyện bà Nguyễn Thị Hường (hay còn gọi là chị 5 Châu) lúc nào cũng như gà mái mẹ, xù lông dang cánh quyết liệt bảo vệ đứa con gái bé bỏng không cho lũ “diều hâu” bắt con đưa vào viện Dục Anh – nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi. Chính sự kiên cường của bà Hường đã giúp bà giành lại được đứa con trên tay cai ngục.
Hay có những người mẹ khi sinh con ra trong tù, vì đói khát nên không có sữa cho con uống. Có những người mẹ khi con chào đời trong nhà lao thì nhận được hung tin chồng hy sinh.
Xúc động khi xem những thước phim trong cảnh lao tù của những người mẹ, nghe những chia sẻ của những “Người tù không số” như mình, bà Bùi Thị Xuân Hạnh (ngụ quận Phú Nhuận) bùi ngùi rơi nước mắt. Ôm trên tay bức tranh kỷ vật của mẹ, bà Xuân Hạnh cho biết, đây là bức tranh mẹ của bà – bà Lê Thị Tâm thêu trên khăn tay khi còn ở nhà tù Côn Đảo với nội dung thương nhớ gửi về con.
Theo bà Xuân Hạnh, tháng 8-1966 mẹ của bà bị bắt giam ở Nhà Lao Thủ Đức, khi ấy đã mang thai bà được hơn 1 tháng. “Sinh ra trong nhà lao, tôi như con chim non luôn luôn được mẹ và các dì yêu thương, che chở, quan tâm, chăm sóc. Tôi nhớ mẹ kể, năm tôi 3 tuổi, các dì và mẹ đã may cho tôi bộ đồ bà ba đen từ vải các dì cắt ra từ quần áo của mình đang mặc. Trong lao tù, các dì luôn dành nhường tôi từng giọt nước, miếng ăn và cho tôi những điều tốt nhất có thể”, bà Xuân Hạnh bùi ngùi nhớ.
Tháng 2-1970, khi mẹ bị kết án đày đi Côn Đảo, lo sợ con bị thủ tiêu, mẹ bà Xuân Hạnh đã liên lạc với tổ chức để đưa bà ra ngoài nhờ bà ngoại nuôi dưỡng. “Mẹ tôi đã mất cách đây gần 1 năm. Nếu còn sống, mẹ sẽ ngồi đây chia sẻ những câu chuyện cùng các dì, các mẹ. Con ngàn lời cảm ơn mẹ đã kiên cường sinh ra, bảo vệ và nuôi nấng con trưởng thành đến hôm nay”, bà Xuân Hạnh chia sẻ.
Ở tuổi 55, ông Nguyễn Trí Dũng (ngụ TP Thủ Đức) rưng rưng nhớ câu chuyện mẹ thường kể lại: Lúc bị bắt, mẹ mới hay tin mang thai con. Mẹ được đưa về nhà tù Chí Hòa để sinh con, sau đó hai mẹ con lại bị đưa trở lại nhà tù Côn Đảo. Những ngày ở Côn Đảo, các mẹ bị tra tấn thường xuyên bằng vôi bột, lựu đạn cay, con cũng bị dính vôi, lựu đạn khi đang nằm trên đất. Di chứng từ những điều ấy nên giờ một mắt của ông Dũng chỉ còn 10% thị lực.
Buổi họp mặt ấm áp tại Hội trường thành phố cũng diễn ra với những cái ôm đầy xúc động, những lời chia sẻ của những đứa con là người tù không số, những người mẹ là cựu tù kiên cường đã sinh ra và bảo vệ con mình ngay trong nhà lao.
Theo bà Hoàng Thị Khánh, chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng mãi đến hôm nay Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh thành phố mới tổ chức được buổi họp mặt, giao lưu với “Những người tù không số”, với những nữ chiến sĩ cách mạng năm xưa trong tù vừa phải chiến đấu bảo vệ tổ chức, vừa kiên cường chiến đấu bảo vệ đứa con thân yêu của mình. Niềm vui, niềm tự hào của những người mẹ cựu tù chính là, trong 69 người được sinh ra trong lao tù, đến nay đa phần đều có công ăn việc làm và cuộc sống ổn định. Và điều quý nhất, mừng nhất là tất cả các con không có ai đi ngược lại lý tưởng của cha mẹ.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã đóng góp kinh phí hơn 150 triệu đồng để thực hiện công trình cải tạo trường học cho học sinh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.