Tiếng nói của thế hệ
Hội nghị những người viết trẻ là sự kiện quan trọng được Hội Nhà văn TPHCM tổ chức định kỳ 5 năm một lần. Năm nay, hội nghị chào đón những nhà văn từ 40 tuổi trở xuống. Đặc biệt, sau thế hệ 7X, 8X đã ghi dấu ấn và thành danh trên văn đàn thì tại hội nghị năm nay, xuất hiện nhiều gương mặt trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề.
Có 12 đại biểu chính thức có tuổi đời dưới 24 (sinh sau năm 2024) và trong đó có 4 đại biểu đã giành được những giải thưởng văn chương uy tín như: Vĩ Hạ (sinh năm 2004) đoạt giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022, Hoàng Yến (sinh năm 2007) đoạt giải Tác giả trẻ cuộc thi Truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ TPHCM năm 2022, Minh Anh (sinh năm 2007) đoạt giải A của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) với Giải thưởng Sách quốc gia 2022.
Đang làm việc trong lĩnh vực marketing cho một công ty ở quận 1 (TPHCM), nhưng Trần Đạt Bạch Dương (sinh năm 1996) vẫn dành thời gian để theo đuổi văn chương, bởi đó là cách mà anh có thể kể cho mọi người nghe những câu chuyện từ ý tưởng hoặc những trải nghiệm cuộc sống, mà đôi khi không thể nói bằng lời. “Đến với văn chương, tôi có thể viết câu chuyện của mình theo nhiều cách, nhiều thể loại khác nhau, như: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn. Đó cũng là cách để nói cho thế giới biết được những tâm tư, những gì tôi nhìn thấy, quan sát và muốn được chia sẻ”, Bạch Dương tâm sự.
Vừa bước sang tuổi 20 nhưng Huy Bảo (sinh viên năm thứ 3 Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TPHCM) đã để lại ấn tượng với những bài thơ tự do, thể hiện tâm tư của thế hệ mình. Huy Bảo cũng chính là chủ nhân của giải nhất hạng mục thơ, Giải thưởng Văn học trẻ - Đại học Quốc gia TPHCM năm 2023. Huy Bảo cho rằng, trong cuộc sống ngày nay, dù học tập hay công việc khiến người ta trở nên bận rộn hơn, nhưng vẫn luôn có những khoảng trống, những không gian dành cho văn chương.
Bàn đạp từ văn chương
Không phải bây giờ mà lâu nay, khi nhắc đến văn chương nhiều người tỏ ra e ngại bởi hầu hết nhà văn đều không sống được với nghề, mà phải tìm đến một công việc ổn định nào đó mới duy trì được với đam mê. Là thế hệ đàn anh, khi được hỏi về vấn đề này, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng, các bạn trẻ phải biết chấp nhận rằng văn chương trong một xã hội công nghiệp cần có màu sắc riêng của nó, không giống như văn chương của thế kỷ trước.
“Bên cạnh việc theo đuổi văn học sáng tác, các bạn có thể theo đuổi thêm văn học ứng dụng. Chẳng phải văn học còn có thể ứng dụng vào quảng cáo, truyền thông, điện ảnh, sân khấu… Tôi tin rằng những tác giả trẻ sống được ở TPHCM này, họ sẽ làm rất tốt văn học ứng dụng. Và chúng tôi cũng ủng hộ xu hướng này”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhắn nhủ.
Còn Trần Đạt Bạch Dương lại cho rằng, trong thời đại hiện nay có nhiều phương thức, cơ hội khác nhau đến từ nghề viết. Cũng có khi, nhờ thực hành văn chương đã giúp công việc chuyên môn trở nên tốt hơn, bởi viết cũng là cách để mở rộng vốn từ, nhờ đó có thể phát huy được trong rất nhiều khía cạnh. “Công việc marketing chủ yếu làm việc với khách hàng, phải giải thích về những từ ngữ mang tính chuyên môn, hay bằng tiếng Anh, mà nếu kém khả năng viết văn, khách hàng không hiểu được. Nhờ việc viết và trau dồi vốn từ vựng qua văn chương giúp tôi có thể ghi điểm và có mối quan hệ tốt với khách hàng, khiến cho khách hàng cảm thấy mình là người chuyên nghiệp trong giải quyết công việc”, Bạch Dương cho biết.
Ngày 11-10, tại tòa nhà Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM diễn ra lễ khai mạc Hội nghị những người viết trẻ TPHCM lần 5. Hội nghị năm nay có chủ đề “Đồng hành khát vọng phương Nam”, như một khẳng định về sự hình thành đội ngũ sáng tác văn chương sinh ra và lớn lên sau 30-4-1975. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam..., cùng hơn 100 nhà văn, nhà thơ trẻ và các đại biểu khách mời.