Kể chuyện sử bằng cổ vật
Vào tháng 9-2019, Huỳnh Chí Thanh (35 tuổi) thành lập fanpage “Vàng son một thuở” sau hơn 10 năm bước chân vào con đường sưu tầm cổ vật. “Thanh - Nhã - Lai - Toàn” là bốn nguyên tắc hàng đầu trong việc sưu tầm hiện vật của Huỳnh Chí Thanh, nghĩa là chọn món đồ cần phải đẹp, có chất, trang nhã, lai lịch rõ ràng và lành lặn. Trang “Vàng son một thuở” lập ra chỉ với một mong muốn duy nhất là chia sẻ đến mọi người những thông tin, hình ảnh về cổ vật gắn liền với lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Dù là hoạt động phi thương mại, nhưng mong muốn trang ngày càng hấp dẫn, bài bản và tiếp cận được nhiều người, Huỳnh Chí Thanh “chiêu mộ” thêm Huỳnh Việt Anh Khang (34 tuổi) và Nguyễn Võ Trụ (24 tuổi). Công việc được phân công cho từng người, tùy theo thế mạnh riêng. Huỳnh Chí Thanh là nhà sưu tầm chính, chủ yếu cung cấp thông tin về cổ vật; Anh Khang lo về nội dung, thiết kế, hình ảnh; còn Võ Trụ chuyên về phần kiến trúc và những vấn đề liên quan đến luật để hỗ trợ nhóm lúc cần thiết.
“Có một thực tế là từ phim ảnh, sách báo, nhiều bạn trẻ rất rành sử nước ngoài, trong khi đó, sử Việt Nam lại không biết. Chính vì lẽ đó, ba anh em chúng tôi đã cùng nhau thực hiện “Vàng son một thuở”. Tuy không nói thẳng về các vấn đề lịch sử, nhưng chúng tôi sẽ dùng cổ vật để kể chuyện, giúp các bạn trẻ, các thế hệ sau này thấy được những giá trị thực sự về cổ vật, về văn hóa, lịch sử Việt Nam”, Anh Khang cho biết.
Theo chia sẻ của Anh Khang, “Vàng son một thuở” là nơi trao đổi kiến thức, thông tin về hiện vật cũng như tư liệu các triều đại Việt Nam trong lịch sử. Đối tượng nhắm đến bao gồm kiến trúc, trang phục, đồ ngự dụng cung đình, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày... hay bất cứ vật gì được cho là liên quan đến lịch sử mà ai trong mỗi người có may mắn được thấy hoặc được nghe kể. Fanpage được định dạng giống như một cuốn tạp chí, tổng hợp những thông tin về cổ vật, thông tin thị trường, hình ảnh, bài viết, kể cả sáng tác truyện.
Và những tin vui
Hiện tại, fanpage đang có 27.000 người theo dõi. Khi tiếp nhận trang từ Huỳnh Chí Thanh, Anh Khang thay đổi hình ảnh nhận diện cũng như hình ảnh đi kèm trong các bài viết. “Mong muốn lớn nhất của tôi là giới trẻ tiếp cận nhiều hơn. Nếu theo lối cũ thì chỉ có những người lớn tuổi quan tâm thôi. Từ lúc tôi thay đổi mọi thứ, các bạn trẻ quan tâm và chia sẻ nhiều”, Huỳnh Việt Anh Khang cho biết.
Đầu năm nay, “Vàng son một thuở” với đại diện là Huỳnh Chí Thanh đã kết hợp cùng 3 nhà sưu tập trẻ khác, tổ chức triển lãm Thanh Ngoạn tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, vừa kết thúc vào ngày 15-3. Trong thời gian hơn hai tháng, triển lãm đã giới thiệu đến công chúng gần 200 cổ vật với các loại hình độc đáo thuộc văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đồng Nai, thời triều Nguyễn và gốm Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất…
Đặc biệt, người xem không khỏi mãn nhãn trước chiếc áo lập lĩnh trong bộ sưu tập của Huỳnh Chí Thanh từng thuộc về Đức Thánh Cung (Phụ Thiên Thuần hoàng hậu) mẹ của vua Khải Định. Áo được thêu bằng chỉ vàng với những hoa văn đặc trưng như phụng, mây, thủy ba… Cùng với đó là bộ sưu tập Chạm khắc gỗ thời Nguyễn với các vật dụng như trần phong, khay, hộp, các loại đồ đựng… được tạo tác tinh xảo, mang tính nghệ thuật thẩm mỹ cao.
Kết thúc triển lãm không lâu, mới đây, ba chàng trai trẻ cũng vừa đón nhận thêm một tin vui khi cuốn sách được lấy theo tên của nhóm - Vàng son một thuở (Tri Thức Trẻ Books và NXB Thế giới), chính thức được phát hành sau thời gian dài chờ đợi. Cuốn sách là tập hợp những nghiên cứu, những câu chuyện dưới góc nhìn của các tác giả về những cổ vật và di sản Việt Nam nhiều thế kỷ trước.
Vàng son một thuở không chỉ là nơi kể về những câu chuyện của cổ vật, mà còn là nơi để trao đổi, chia sẻ kiến thức thông qua những kinh nghiệm mà Huỳnh Chí Thanh, Huỳnh Việt Anh Khang và Nguyễn Võ Trụ tích lũy được. Theo chia sẻ của Anh Khang, những cổ vật được giới thiệu trong cuốn sách không hẳn là những tác phẩm đình đám, thậm chí còn là nét đẹp bình dân, nhưng bằng cách tiếp cận mới, khai thác cổ vật bằng nhiều khía cạnh, nhóm cho người đọc, người xem thấy được các giá trị tuyệt vời của những cổ vật ấy.
Anh Khang bày tỏ: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi thông qua cuốn sách của mình là truyền tải văn hóa dân tộc đến nhiều người, nhất là người trẻ”.