Ân cần dạy bảo
Phải làm gì để trẻ khuyết tật biết những việc nên và không nên làm, biết nói những điều mình mong muốn, biết giúp đỡ bạn bè, gia đình… là những trăn trở của thầy Trần Đình Vương, nay đã 70 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tịnh Thọ, đồng thời là người đầu tiên mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em khuyết tật gần 12 năm qua.
Sau thời gian công tác tại Trường THCS Tịnh Thọ, thầy về hưu, nhưng thay vì vui niềm vui tuổi già, thầy lại chọn tiếp tục nghề cầm phấn và học trò của thầy là những đứa trẻ đặc biệt chưa một lần đến trường.
Thầy Vương chia sẻ: “Tôi nghĩ nghề thầy giáo chỉ có dạy học thôi, còn khỏe là còn cầm phấn. Trong khi các em đến tuổi đi học đều đã đến trường đến lớp, thì các em khuyết tật lại chưa biết đến trường, lớp, bạn bè. Tôi nghĩ các em sẽ rất vui khi lần đầu tiên được cắp sách đến lớp học. Thế rồi, tôi cùng các thầy cô giáo về hưu trong Hội Cựu giáo chức làm bảng danh sách trẻ em khuyết tật trên xã Tịnh Thọ, mượn nhà văn hóa cũ làm thành phòng học nhỏ và bắt đầu dạy học từ năm 2012”.
Những ngày đầu dạy học, thầy Vương tự bỏ tiền hưu để mua sách, vở, bút cho các em trong lớp học. Nhiều học trò cũ biết thầy Vương mở lớp cũng đến giúp thầy có bàn ghế, bảng phấn…Vậy là một lớp học mở ra với 16 học sinh đầu tiên.
Trong các thầy cô giáo về hưu gắn bó với lớp học có thầy Đoàn Thanh Lên (68 tuổi). Thầy Lên chia sẻ: “Các em ở lớp học này có hoàn cảnh đặc biệt, bởi mỗi em một dạng khuyết tật, em bị hội chứng down, em bị thiểu năng trí tuệ… cho nên việc nói chuyện, trao đổi với các em rất khó khăn. Các thầy cô giáo phải bằng tình cảm, thấu hiểu để dỗ dành các em, có thể trong 10 phần dạy, các em chỉ làm được 1 phần nhưng vẫn phải khen, hoan hô, khơi gợi niềm vui để các em đến lớp thường xuyên. Trước khi đến lớp, tôi đều mua thêm kẹo để thưởng cho các em và quan trọng là em nào cũng phải được khen để các em vui vẻ, phấn đấu”.
Các thầy cô giáo hướng dẫn cho các em làm quen với môi trường xã hội thông qua giao tiếp với các bạn cùng lớp, dạy chữ cho các em, dạy cách biểu đạt qua lời nói, rèn luyện thân thể và dạy các em cách vui chơi.
Thầy Lên nói: “Các em ở nhà chỉ nằm, ngồi chơi một chỗ, không ra khỏi nhà, đây là lần đầu tiên các em đến lớp và vẫn còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, qua một thời gian học tập, các em đã vui vẻ trò chuyện với các bạn trong lớp”.
Em Nguyễn Duy Bình (11 tuổi) được thầy Lên khen viết chữ rất tốt, em vui mừng khi trang vở có điểm 10 “đỏ chót” của thầy giáo. Em nói: “Nhờ có lớp học mà con đã tập viết từng bảng chữ cái, đếm số, thầy cô còn dạy con học vẽ, học dán giấy màu”.
Trái ngọt
Từ 16 em học tại lớp, đến nay chỉ còn 7 em đang học, hầu hết các em đã hòa nhập xã hội, có em làm công nhân tại các khu công nghiệp, có em đã lập gia đình.
Em Nguyễn Văn Huệ (20 tuổi, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn) đã kết thúc học tại lớp hồi năm 2023 và thỉnh thoảng em ghé lớp thăm thầy cô giáo. Em cho biết: “Bây giờ, em đi phụ thợ hồ, làm nông, em còn chăn trâu thuê. Có ai kêu em đi chăn trâu, cuốn rơm ngoài đồng, em đều đi. Em đã biết đọc, biết viết, tính toán con số và biết kiếm tiền phụ giúp gia đình”.
“Tôi rất tự hào khi các em bước ra từ lớp học này đã hòa nhập và tìm được công việc yêu thích cho bản thân. Đó là niềm vui của người làm thầy”, thầy Lên xúc động.
“Đối với nghề giáo, khi nghỉ hưu mà vẫn được dạy học, đóng góp công sức cho xã hội thì sự nghiệp cầm phấn có ý nghĩa lắm! Một ngày nào đó nếu lớp chỉ còn vài ba học sinh thì chúng tôi vẫn tự nguyện dạy”, thầy Lên nói.
Trong số các thầy cô giáo dạy tại lớp học này, thầy Vương là người thầy rất đặc biệt. Thầy từng là một chiến sĩ, những năm 1970, tham gia giao liên rồi làm du kích địa phương, giáo viên kháng chiến. Đến năm 1975, thầy được Đảng, Nhà nước cho đi học Cao đẳng và về làm giáo viên tại xã Tịnh Thọ.
Để duy trì lớp học, thầy Vương cho biết: “Hội Cựu giáo chức hiện có 37 thầy cô giáo về hưu. Đầu năm học, tôi đưa danh sách các môn học để các thầy cô đăng ký dạy, mỗi năm có khoảng 9-10 thầy cô giáo dạy luân phiên tại lớp học dành cho trẻ em khuyết tật, các môn Toán, Ngữ văn, Thể dục… để lớp học xuyên suốt, bài dạy liên tục trên bảng xanh”.
Chia sẻ về lớp học này, thầy Vương xúc động nói: "Các thầy cô giáo dù đã về hưu, mái tóc đã điểm sương nhưng vẫn gắn bó với lớp học. Có lẽ, trong cuộc đời người thầy, chuyến đò này thật đặc biệt và vị khách trên đò cũng thật đặc biệt ..."
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy (xã Tịnh Thọ) cho biết: “Các thầy cô có tấm lòng mở lớp dạy học sinh khuyết tật, phụ huynh rất cảm ơn và vui mừng. Tôi có 6 người con, chỉ duy nhất con gái út bị hội chứng down từ khi sinh ra. Ở nhà, tôi có chỉ bảo con tập quét nhà, làm việc vặt nhưng chỉ khi đến lớp, các con mới được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô. Tôi thấy vui khi con có bạn mới, hòa nhập tốt”.