Người dân cảm phục về một thời tràn đầy lý tưởng, có những gia đình chỉ có một con cũng sẵn sàng để con mình đi chiến đấu, có gia đình có rất nhiều người con đã hy sinh.
1. Khi tôi về lại Phú Hòa Đông, Củ Chi để tìm nhà má Chín Nguyễn Thị Rạnh, có 5 người con là liệt sĩ và má Chín Rạnh cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Người phụ nữ tôi gặp là con dâu của má Chín Rạnh, tên Phạm Thị Liễu, sinh năm 1937, chúng tôi vẫn gọi là thím Sáu, theo thứ của chú là chú Sáu Thắm, tức Ba Sĩ - liệt sĩ Võ Hồng Thắm. Thím Sáu kể tôi nghe chuyện đời: Năm 1958-1959, chú Sáu Thắm công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Gia Định đóng tại Gò Nổi, thím làm giao liên công khai cho Tỉnh ủy. Hai người thỉnh thoảng gặp nhau, rồi thương nhau, rồi thành vợ thành chồng. Lúc đó tình hình còn rất đen tối, hai người làm đám cưới mà không dám tuyên bố là đám cưới, phải làm thành đám giỗ, người đi dự cũng không dám nói đi đám cưới mà nói là đi đám giỗ và chỉ dám mời bà con thân quen, còn bên chồng, tức gia đình chú Sáu Thắm chỉ có 3 người nói là “bà con bên nội ở xã Thái Mỹ”. Chú rể Sáu Thắm không có mặt, đang lẩn tránh trong rừng làng An Nhơn Tây. Tuy đám cưới đơn sơ và bí mật như vậy nhưng tình nghĩa vợ chồng chú thím Sáu rất đậm đà, chung thủy. Cưới nhau rồi thì mạnh ai nấy đi công tác.
Thím Sáu kể: Năm 1960, khi tôi mang thai đứa con đầu lòng thì bị bắt, lức đó có bầu tháng rưỡi mà chưa biết. Biết có bầu rồi cũng giấu, không nói có chồng, không nói có bầu. Mấy năm ở tù, tôi không khai ai hết, bên chồng hay bên mình. Tôi sanh con và nuôi con trong tù, thiếu thốn trăm bề. Tôi đặt tên con là Võ Thành Tươi, để mong ngày mai tươi sáng. Khi bị giải về Chí Hòa, lúc đó thằng Tươi được 6 tháng tôi gửi về gia đình nuôi. Rồi tôi bị tê bại, không đi lại được. Thấy tôi tàn phế, chúng thả tôi…
Khi ra tù thím Sáu bị liệt phải đi nạng, bỏ nạng ra là lết không thôi. “Khi được tin tôi ra tù và đang bại liệt, anh Sáu Thắm đã tìm các loại thuốc nam đem về cứ, sắc thành cao gửi về cho tôi uống. Hai năm sau tôi đi lại được. Tôi tiếp tục làm giao liên cho Ban Tổ chức T4. Ảnh biết công tác giao liên công khai rất nguy hiểm nên mỗi lần gặp tôi ảnh luôn dặn dò các cách thức đối phó với địch chớ không ngăn cản công tác của tôi. Đến năm 1970, tôi lại bị địch bắt ở Hóc Môn khi đang trên đường đi công tác vào Sài Gòn. Thế là tôi và cháu Sỹ (3 tuổi) lại vào tù với mức án 1 năm vì dùng căn cước giả. Năm 1971, tôi ra tù giữa lúc tình hình huyện Củ Chi đã trở thành vùng trắng, vùng oanh kích tự do của địch. Anh Sáu Thắm nhờ người đưa mẹ con tôi xuống miền Tây cùng ở chung với đơn vị với anh. Tiếng là ở chung, nhưng anh đi công tác liên miên. Tính lại trong 14 năm thành chồng vợ, có với nhau 3 mặt con mà những ngày chúng tôi được ở bên nhau chưa đầy 1 năm” - thím Sáu nhớ lại.
Ông Sáu Thắm - Võ Hồng Thắm chính là một trong năm người con là liệt sĩ của má Chín Nguyễn Thị Rạnh. Thím Sáu nói: “Ảnh hy sinh lúc tôi 36 tuổi, và tôi đã quyết ở vậy”. Thím đã ở vậy đến bây giờ, trong căn nhà nhỏ của gia đình ở An Nhơn Tây, Củ Chi.
Từ trái qua phải: Họa sĩ Trang Phượng; Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (tức Trần Văn Quang); Đại tá Trần Minh Sơn, Tham mưu trưởng F100 Biệt động Sài Gòn; Đại tá Đặng Xuân Tẻo, Biệt động Sài Gòn, trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968; chị Nguyễn Thị Hiền (Năm Lan)
2. Lần đầu tiên, khi bộ phim Thiên sử truyền hình phát sóng, khán giả trong và ngoài nước đều xúc động khi thấy hình ảnh một cô gái trẻ bị bắt, bị trói thúc ké, gương mặt ngơ ngác, non trẻ, nhìn như mới 14, 15 tuổi. Sau đó một đạo diễn phim tài liệu đã tìm kiếm “cô gái nhỏ trong phim” nhiều năm trời. Sự kiên nhẫn đã được đền đáp, anh đã tìm thấy nhân vật trong phim và đã làm bộ phim tài liệu về chị.
Tháng 7 năm nay, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ ở Hóc Môn theo sự chỉ dẫn của người đạo diễn ấy để gặp người phụ nữ trong phim. Đi men theo bờ tường nhà hàng xóm, căn nhà nhỏ hiện ra làm tôi thật bất ngờ. Trước sân và hai bên nhà trồng đầy các loại hoa kiểng, mấy cây cau, bụi chuối, chiếc lu nước. Sao mà bình yên đến vậy. Vẫn dáng người thấp nhỏ, bước đi nhanh nhẹn, gương mặt thân thiện, chân tình mà tôi còn nhớ rõ khi xem bộ phim. Người trong phim nhiều năm trước, ra tận cửa đón chúng tôi.
Chị kể cho tôi nghe chuyện quãng đời làm cách mạng của chị: 16 tuổi làm công nhân dệt ở Nhà máy dệt Tái Thành sau này là Dệt Thành Công. Bất bình trước việc chủ nhà máy dệt bóc lột nhân công, trả lương thấp, chị cùng chị em công nhân đấu tranh. Năm 1965 chị trở thành chiến sĩ tự vệ của đội võ trang mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Chị tham gia chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân. Trận chiến rất khốc liệt từ tối mùng 1 đến mùng 5 Tết thì hết đạn, đồng đội hy sinh hết. Chị bị bắt, trên mình vẫn mang bao đạn của súng AK. Chị bị án 5 năm tù giam biệt xứ; đã trải qua các nhà tù như Tổng nha, Chí Hòa, Thủ Đức, Côn Đảo… Án 5 năm nhưng đến năm 1974, sau Hiệp định Paris chị mới được trao trả. Tức là gần 7 năm bị giam cầm.
Những hình ảnh chị bị bắt lọt vô ống kính của những nhà quay phim nước ngoài và sau đó được phát lên toàn thế giới. Chị kể, khi bị bắt, những tên lính ẵm chị xuống khỏi cái máng xối chị đang trốn, như ẵm đứa con nít. Vì lúc đó chị chỉ khoảng 35kg. Chị nghĩ mình sẽ chết, nhớ rõ có người nước ngoài quay phim cảnh chị bị bắt, nhưng không để ý. Chị nghe tiếng những tên lính nói loáng thoáng “bắn nó đi, nó mới bắn chiếc xe ngoài kia”. Nhưng cũng nghe tiếng nói “thôi bắn nó làm gì, nó còn con nít…”. 49 năm đã qua nhưng ký ức chị vẫn không phai những hình ảnh của những ngày Mậu Thân ác liệt, máu lửa; đồng đội, đồng chí, cả người yêu của chị hy sinh trước mặt. Chị kể mà tưởng như mới xảy ra gần đâu đây.
Chị nói nhớ về quá khứ là để sống tốt hơn, để không quên đồng đội, đồng chí và một thời hào hùng, thiêng liêng; để không bị lung lay trước cuộc sống muôn chiều, làm nhiều việc tốt để không phụ lòng những người đã hy sinh. Người đồng đội cuối cùng ở bên chị trong ngày mùng 5 Tết Mậu Thân 1968 ấy là chú Bảy Nhơn, từng là Quận ủy viên quận 5. “Tôi nghe nguyên một tràng đạn nổ là biết chú Bảy hy sinh”.
Chị nghẹn ngào kể, đó là Nguyễn Thị Hiền tức Năm Lan. Cuộc chiến tranh ác liệt với tội ác, lửa đạn, những ngày tù tội đã lùi rất xa ở phía sau. Năm Lan không hề tiếc nuối những gì chị đã trải qua và hy sinh; trọn vẹn với lý tưởng chị đã chọn để giữ gìn độc lập, hòa bình cho Tổ quốc.
3. Tôi trở lại Vị Xuyên lần này cách lần trước 3 năm. Chúng tôi thắp nhang, đặt nến tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh đang nằm ở nghĩa trang này từ chiều cho đến khi trời tối mịt. Những ngọn nến lập lòe như những ánh sao rơi tạo nên cảnh tượng thật xúc động. Và rồi có những phút đứng lặng người ở nghĩa trang, lại không cầm được những giọt nước mắt. Lần đến đây 3 năm trước, chúng tôi còn chưa biết có Nghĩa trang Vị Xuyên ở Hà Giang. Năm ấy chúng tôi đi Về nguồn nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Mọi người mong muốn chuyến đi một vòng các tỉnh miền núi phía Bắc. Vậy là chúng tôi lên đường. Người hướng dẫn viên nói về Nghĩa trang Vị Xuyên, thế là chúng tôi quyết định lập tức: Phải ghé thăm.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của 1.746 liệt sĩ, trong đó có 264 phần mộ liệt sĩ chưa biết tên. Các anh đến từ 33 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, là những chàng trai vừa đôi mươi, mười tám đã anh dũng hy sinh trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Để giữ vững biên cương, tại Vị Xuyên, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm… Cuộc chiến kết thúc, có cao điểm bị bạt đi hơn mấy thước vì đạn pháo ác liệt, đến mức được gọi là “lò vôi thế kỷ”. Quân dân ta đã đẩy lùi những kẻ xâm phạm biên cương về bên kia biên giới.
Năm nay, chúng tôi trở lại Hà Giang với Vị Xuyên. Gần 60 văn nghệ sĩ và lãnh đạo, cán bộ của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức một buổi biểu diễn nghệ thuật hết sức đặc biệt. Các nghệ sĩ đã hát với tất cả tấm lòng, hát cho các anh hùng liệt sĩ nghe tại Nghĩa trang Vị Xuyên. Người dân Hà Giang ngồi quanh tôi đã nói, lâu lắm họ mới được xem một chương trình biểu diễn hay và xúc động như vậy. Tôi cũng vậy, đã xem biểu diễn chuyên nghiệp nhiều, nhưng không thể đặc biệt và nhiều cảm xúc như vậy.
27-7 năm ngoái, chúng tôi lên thăm Nghĩa trang liệt sĩ ở Đồi 82, Tân Biên, Tây Ninh. Rất đông người đang thăm viếng nghĩa trang nhưng có 3 người làm tôi chú ý, một phụ nữ và một người đàn ông trung niên và một thanh niên trẻ. Họ đi thắp nhang và đặt hoa ở các ngôi mộ. Tôi hỏi thăm, biết được chị là cô giáo Tuyết Mai cùng cậu con trai là kiến trúc sư Đỗ Quang Hưng ở Hà Nội vào cùng người em chồng. Anh trai của chị Mai hy sinh ở vùng đất này, đêm 7 rạng ngày 8-3-1969 cùng với gần 200 đồng đội, nằm chung trong 2 ngôi mộ tập thể. Gần như năm nào gia đình chị Tuyết Mai cũng đến Tân Biên, tại Nghĩa trang đồi 82 này để thắp nhang cho tất cả ngôi mộ ở đây, trong đó có người thân của mình. Chị Mai kể rằng anh của chị tên Nguyễn Văn Điền học rất giỏi, có giấy gọi đi học nước ngoài, nhưng vì gia đình đã có một người anh đang học nước ngoài, nên khi có giấy gọi nhập ngũ, anh Điền không đi, vào Nam chiến đấu và hy sinh khi mới 19 tuổi.
Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa là việc phải làm. Nhưng điều tôi đau đáu là năm tháng cứ trôi đi, nhiều người có còn biết, còn nhớ những người như chị Năm Lan, chú Sáu Thắm, những liệt sĩ đang nằm ở các nghĩa trang. Tôi chỉ mong cuộc sống đời thường hiện tại không làm nguội lạnh đi tình cảm, lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, thắp lên ngọn lửa vì độc lập tự do.
Tháng 7- 2017