Liên quan đến vụ “Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng” như Báo SGGP đã đưa tin, ngày 25-3, Công an TPHCM vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc.
Ngay sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam thì những người tham gia trong các buổi livestream như khách mời, trợ lý… có phải chịu tránh nhiệm gì không? Để làm rõ thông tin trên, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Hữu Quốc (Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận, Công ty Luật Một thành viên Sài Gòn – Bến Thành) về vấn đề này.
Luật sư Phạm Hữu Quốc cho biết, việc nhiều người là khách mời, trợ lý… tham gia với bà Hằng trong các buổi livestream, trong quá trình điều tra nếu xác định những người này có bàn bạc thống nhất với bà Hằng trong việc dùng lời nói khiếm nhã, xâm phạm đời tư của người khác hoặc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bịa đặt, xuyên tạc, lăng mạ, loan truyền thông tin sai sự thật, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ Luật hình sự với vai trò đồng phạm.
Riêng người bình luận trong các buổi livestream của bà Hằng hay đưa thông tin của bà Hằng không đúng để làm nhục, vu khống người khác thì được xem là hành vi bị cấm theo Luật An ninh mạng.
Ngoài ra, nếu việc đưa thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, người bị hại có thể yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố hình sự về tội làm nhục hoặc tội vu khống. Người bị đưa thông tin xúc phạm phải có đơn tố cáo.
Luật sư Phạm Hữu Quốc chia sẻ, nếu hành vi chưa đến mức cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 15/2020 về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… với số tiền 10 - 20 triệu đồng. Nếu bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống, mức phạt có thể lên đến 5 năm hay 7 năm tù giam.
"Qua các buổi livestream của bà Hằng có sự sắp xếp, tham dự của nhiều người. Những người tham dự cùng với bà Hằng có dấu hiệu đồng phạm theo điều 17 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra để xem xét vai trò của từng đồng phạm như người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức để xử lý vụ việc", luật sư Phạm Hữu Quốc chia sẻ.
Như Báo SGGP đã thông tin, ngày 24-3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại điều 331 Bộ Luật hình sự. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND TPHCM phê chuẩn.