Cách mạng cần việc gì mẹ cũng ráng làm hết sức
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành là biểu tượng của một bà mẹ miền Nam, với bao đau thương, mất mát nhưng vẫn kiên định con đường chiến đấu, kiên cường vượt lên những ngón đòn thù, sát vai cùng các nữ du kích đánh giặc, tràn ngập tình yêu thương con cháu. Một bà mẹ có 8 người con và 2 người cháu hy sinh - một nỗi mất mát quá lớn với một người mẹ, để những người con phương xa khắp mọi miền đất nước, một lần về Củ Chi, đứng trước bàn thờ tưởng niệm mẹ không khỏi lắng lòng, trước mất mát, đau thương của cuộc chiến tranh mà những người mẹ phải gánh chịu.
Mẹ đã đồng hành với những trang lịch sử đất thép thành đồng Củ Chi. Năm 1945, mẹ là người đầu tiên gắn lá cờ đỏ búa liềm lên ngọn cây điệp, cùng nhân dân trong xã đứng lên giành chính quyền. Chống Pháp rồi chống Mỹ, lần lượt các con mẹ ngã xuống: Nguyễn Văn Đúng (hy sinh năm 1949), Nguyễn Văn Sóc (1954), Nguyễn Văn Nâng (1963), Nguyễn Văn Huôi và Nguyễn Văn Sướng (1966), Nguyễn Văn Dé (đầu năm 1967), Nguyễn Văn Hè (1968), Nguyễn Văn Luông (1972); cháu ngoại Huỳnh Văn Cường (1967), cháu nội Nguyễn Văn Rưng (1969).
Nỗi đau không làm mẹ ngã gục. Mẹ vận động bà con đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm, đòi hiệp thương, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Mẹ cất chòi ở sát bưng làm nơi đi lại liên lạc của anh em du kích, cán bộ; cũng là nơi gặp nhau của mẹ và các con sau những ngày xa cách. Mẹ đào hầm nuôi cán bộ tỉnh ủy, xã ủy và các đơn vị khác, lo canh gác, nhiều lần mưu trí cứu anh em thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù… Cách mạng cần việc gì mẹ cũng ráng làm hết sức.
Mẹ đồng hành cùng nhiều trận đánh của dân quân du kích. Ít ai ngờ trong hàng trăm cây số địa đạo Củ Chi ẩn mình trong lòng đất, còn in dấu bàn tay bền bỉ của mẹ Rành một thời xung phong đào địa đạo cho đàn con ẩn náu, đánh giặc… Ngày 6-11-1978, mẹ Nguyễn Thị Rành được Quốc hội và Chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Những người phụ nữ bước ra chiến hào
Chồng bị đày đi khắp các nhà tù khét tiếng khắc nghiệt từ Phú Lợi, Thủ Đức, Côn Đảo, Bà Rá rồi bị thủ tiêu cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng khác trong một đêm đen đầu năm 1962, mẹ Huỳnh Thị Phước (Út Phước) khi ấy là Trưởng ban chấp hành phụ nữ xã Trung Lập Thượng còn bồng đứa con út trên tay. Thù nhà nợ nước trĩu nặng hai vai, người phụ nữ mang tang chồng sớm bước ra chiến hào đánh giặc. Mẹ lãnh đạo phong trào đấu tranh chống thu thuế chợ, chống gom dân vô ấp chiến lược, chống bắn pháo vào xóm làng; phát động chị em xóm ấp đào địa đạo, làm chông xây dựng ấp chiến đấu, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, nuôi dưỡng thương binh. Phong trào đấu tranh võ trang lên mạnh, mẹ gửi con cho nhà chồng, thoát ly hoạt động. Cuối năm 1962, mẹ giữ chức Bí thư, Chủ tịch xã kiêm Chính trị viên Xã đội Trung Lập Thượng. Những tay súng du kích dưới sự chỉ huy của mẹ không chỉ đón đánh lính bảo an, tập kích biệt kích mà còn mưu trí chặn đánh cả một tiểu đoàn lính Mỹ suốt 3 ngày 2 đêm tại Lào Táo Thượng.
Năm 1967, mẹ được bầu lại làm bí thư kiêm chính trị viên xã đội, hội trưởng phụ nữ xã. Sâu sát, đồng cam cộng khổ với đồng bào, người mẹ cầm súng năm ấy đã lãnh đạo xã từ một vùng trắng phong trào thành xã mạnh toàn diện, được báo cáo điển hình… Xã Trung Lập Thượng do mẹ lãnh đạo tính đến năm 1968 có 78 dũng sĩ diệt Mỹ, trong đó có 2 phụ nữ.
Năm 1969, mẹ Huỳnh Thị Phước được bầu vào Thường vụ Huyện ủy Củ Chi, phụ trách xã trọng điểm H, tức Trung Lập Thượng. Có lực lượng võ trang khá mạnh, lại giỏi làm công tác dân vận, mẹ lãnh đạo Trung Lập Thượng làm nên phong trào phá ấp chiến lược Lào Táo, chỉ một đêm dỡ hơn 200 căn nhà về làng cũ. Cuối năm 1969, mẹ được cử đi học ở quân khu. Trên đường đi, mẹ hay tin con gái lớn Nguyễn Thị Tuyết Hạnh hy sinh ở tuổi 20. Đầu năm 1970, trên đường trở về Trung Lập Thượng, mẹ lại hay tin con gái kế Nguyễn Thị Lệ Thu, mới 18 tuổi, hy sinh trên đường tải gạo, gần căn cứ R. Rồi mẹ lại nhận tin con trai út Nguyễn Thanh Vân - giao liên huyện ủy - hy sinh…
Nhiều năm trôi qua, đồng đội mẹ vẫn nhớ kể lại: “Trên đường trở về xã, lúc ăn cơm với Đại đội 7 Củ Chi, ngồi bên miệng hầm, mẹ bày 4 đôi đũa và 4 vắt cơm cúng chồng con. Sau này đi đâu, mẹ cũng mang trong bòng 4 đôi đũa, 4 cái chén để mỗi bữa ăn cúng chồng con mình”. Hình ảnh bi thương ấy lại có sức động viên to lớn cho các chiến sĩ, để họ hiểu để không còn nhiều những bà mẹ mất con, thì càng phải chiến đấu kiên cường, sớm đến ngày hòa bình, thống nhất.
Mẹ Huỳnh Thị Phước cảm thấy mình may mắn hơn nhiều bà mẹ mất con khác, bởi gần đến ngày giải phóng, mẹ hay tin con trai út Nguyễn Thanh Vân còn sống, được tổ chức đưa ra miền Bắc học tập, trưởng thành, công tác ngành công an. Sau ngày hòa bình, mẹ công tác tại ngành thương binh - xã hội huyện Củ Chi, phụ trách khối Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, cho đến ngày nghỉ hưu.
Người mẹ kiên cường
Ở Củ Chi, có những bà mẹ kiên cường như Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ly ở ấp Phú Thuận, xã Phú Hòa Đông. Bốn người con trai của mẹ đều ngã xuống cho Tổ quốc, một anh là thương binh.
Trong một trận đột nhập ấp chiến lược Phú Hòa Đông, anh Huỳnh Văn Điển (Tư Thành - con trai mẹ) tham gia đội giao thông võ trang cụm tình báo H.63 do Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang chỉ huy), bị trúng đạn vào chân. Địch đưa anh vào bót Phú Hòa Đông khai thác. Biết đây là một đối tượng quan trọng của đơn vị tình báo đóng trên đất Củ Chi, chúng cho điều trị vết thương cho anh, vừa ra sức dụ dỗ, mua chuộc. Không khai thác được gì ở người chiến sĩ cụm tình báo chiến lược nội đô, chúng quay sang tra tấn anh dã man như lấy dùi sắt nung đỏ ngoáy vào vết thương chưa lành, dí điện vào chỗ hiểm. Anh vẫn cắn răng chịu đựng.
Địch nghĩ ra kế hiểm, đánh vào tình mẫu tử, đưa người mẹ đến thuyết phục con đầu hàng. Người mẹ ấy thật nhỏ nhoi khi bước vào chốn hang hùm nọc rắn. Chúng đưa mẹ vào bót Phú Hòa Đông. Mẹ điếng người, nghẹn ngào nhìn thấy con trai nằm trên chiếc giường sắt, đằng sau là tên ác ôn mặt hầm hầm. Trên tường, xung quanh phòng là dây điện, kềm, roi. Mẹ đau đớn khi nhận ra sau tấm vải đắp là thân thể hằn chi chít những lằn roi ngang dọc, vết thương ở chân sưng tấy, mặt con bầm tím, chỉ có đôi mắt nhìn mẹ thật sâu thẳm, như muốn nói biết bao điều… Người mẹ nào không thương con nhưng vào lúc ấy, mẹ Nguyễn Thị Ly cúi xuống, nói nhanh với con trai: “Chú Tư và anh em gửi lời thăm con, nói con ráng…”. Anh Điển hiểu những gì mẹ muốn nói, chồm dậy nói lớn: “Má ơi, nói mọi người cứ yên tâm!”. Lời người mẹ có sức động viên mạnh mẽ, giúp anh tiếp tục vượt qua những trận đòn tra tấn dã man của địch. Không khuất phục được anh, địch lập hồ sơ, đày anh ra Côn Đảo. Sau Hiệp định Paris năm 1973, anh được trao trả tù binh.
Nhà mẹ nghèo, 4 người con hy sinh đều không có một tấm ảnh, nhưng mẹ nhớ rõ từng đứa con từ giọng cười, tiếng nói, tính nết. Hình ảnh những người con hy sinh luôn hiển hiện bên mẹ, cho đến phút cuối đời…