Xoay quanh hai cuốn là tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ”- nhà văn Phạm Ngọc Tiến và “Quảng Trị 1972- Hồi ức của một người lính”- tác giả Nguyễn Quang Vinh, buổi tọa đàm đã đưa người đọc ngược về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước khốc liệt nhưng vô cùng anh dũng của dân tộc.
Chia sẻ với độc giả, nhà văn Phạm Ngọc Tiến thừa nhận cuốn tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ”là cuốn sách đầu tiên và duy nhất đậm chất văn chương, lãng mạn mà bay bổng của tác giả. Cuốn sách in lần đầu đầu năm 1994 và tái bản nhiều lần, ấn bản mới nhất vừa được NXB Văn học phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ. Tiểu thuyết từng đạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 5 năm (1991- 1996). Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho biết, cuốn tiểu thuyết là câu chuyện của chính bản thân tác giả, bạn bè thế hệ ông, những hồi ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người lính đi tìm lại đồng đội của mình…
Nếu “Tàn đen đốm lửa” là cuốn tiểu thuyết đượm chất văn chương thì “Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính” của tác giả Nguyễn Quang Vinh, lại là ký ức của một người lính Hà Nội về một trong những chiến trường khốc liệt, nơi đã lưu giữ bao kỷ niệm lưu giữ những khát vọng, mơ ước của những bao trai Hà Nội khi xếp bút nghiên lên đường chống Mỹ. Đã hơn 40 năm kể từ ngày non sông nối liền một dải, nhưng những ký ức về chiến tranh vẫn còn tươi nguyên với những chiến sĩ đã trực tiếp cầm súng. Nguyễn Quang Vinh tâm sự, ông khắc họa lại những ngày tháng ở Quảng Trị không vì mục đính văn chương mà như một nén hương lòng tưởng niệm và tri ân những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.
Qua “Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính”, bộ mặt thật của chiến tranh được phơi bày, cả vinh quang lẫn nước mắt, cả dũng cảm và hèn nhát. Nhưng trên tất cả vẫn là bản anh hùng ca của tuổi trẻ, từ bộ đội chủ lực đến giao liên, du kích…
“Tàn đen đốm đỏ” và “Quảng Trị 1972- Hồi ức của một người lính” đều là những cuốn sách được chính những người lính cầm bút viết về chiến tranh, rồi hòa vào dòng văn học chiến tranh không chỉ là những nguồn cảm hứng, đem những giá trị lịch sử đến với độc giả mà còn góp phần khẳng định một khuynh hướng mới có nhiều triển vọng trong đời sống văn học hiện nay.