1. Chiều 17-11-2023, nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu. Có mặt trong buổi gặp gỡ ấm áp này, cô giáo Dương Thị Diến, với bộ trang phục thật đẹp của người dân tộc Tày, đã kể lại câu chuyện đầy cảm xúc của riêng mình. Cô Diến sinh năm 1988 ở Bắc Kạn, là người dân tộc Tày, từ nhỏ đã ước mơ được làm cô giáo mầm non, vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, cô thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây.
Tốt nghiệp ra trường năm 2008, một năm sau, cô Diến tình nguyện lên tỉnh Lai Châu công tác và được phân công giảng dạy tại Trường Mầm non xã Tà Mít (huyện Tân Uyên), là trường nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện ở thời điểm đó. Buổi đầu tiên đến nhận lớp, trước mắt cô giáo trẻ Dương Thị Diến là lớp học được dựng tạm bằng tre, nứa, lợp bằng cỏ tranh với những bộ bàn ghế được ghép từ những tấm ván.
Cô giáo Dương Thị Diến |
Tuy nhiên, giữa khung cảnh trường lớp tạm bợ đó là 64 nụ cười, 64 đôi mắt trong veo của các bé khi nhìn thấy cô giáo mới đã khiến trái tim cô giáo trẻ xao xuyến, và cô quyết tâm gắn bó với sự nghiệp giáo dục của tỉnh Lai Châu.
Để đến được trung tâm trường, cô giáo trẻ Dương Thị Diến và đồng nghiệp phải đi hơn 4 giờ đồng hồ đường núi, lội qua 21 khe suối, 12 đèo, dốc. “Trước khi đến với Lai Châu, tôi từng nghe về sự vất vả của việc tìm kiếm cái chữ ở vùng núi.
Đến rồi mới cảm nhận sâu sắc những vất vả, nhọc nhằn của các thầy, cô giáo “cắm bản”, “gùi con chữ” lên non. Không chỉ là nỗi nhớ gia đình, người thân, không chỉ là những cung đường cheo leo, lầy lội, băng suối, vượt đèo, mà còn có muôn vàn khó khăn của cuộc sống thường nhật. Nhưng vượt lên tất cả, tình đồng nghiệp mến thương, chia ngọt sẻ bùi, những ánh mắt trẻ thơ, những đón chào đầy thân thương của bà con dân bản đã giúp chúng tôi thêm nghị lực, quên đi nỗi buồn và mệt nhọc để hoàn thành nhiệm vụ”, cô giáo Diến tâm sự.
Cô chia sẻ, cô giáo mầm non đã vất vả, cô giáo mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn vất vả bội phần. Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng, các cô giáo còn phải trực tiếp nấu ăn bán trú cho trẻ. Có những lúc, các cô phải góp từng đồng tiền nhỏ, đi xin từng cân gạo, mớ rau để nấu cho các con ăn đủ no. Có những lúc cô chỉ mong đun được thêm nhiều ấm nước nóng để các con đỡ lạnh giữa mùa đông giá.
“Chúng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết lòng vì đàn em thơ, ngày nối ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, vào từng nhà, gặp từng người, vận động từng con em đi học để hy vọng tri thức, văn hóa nảy mầm sinh sôi trên những vùng đất khó”, cô Diến tâm sự.
Với 14 năm công tác trong ngành giáo dục tỉnh Lai Châu, cô Dương Thị Diến luôn đạt thành tích giáo viên dạy giỏi, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2023 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua của tỉnh Lai Châu; 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng bằng khen.
Cô giáo Dương Thị Diến và thầy Vũ Văn Tùng là 2 trong số 200 giáo viên tiêu biểu được ngành giáo dục tôn vinh trong mùa hiến chương nhà giáo năm 2023. Hành trình “trồng người” chưa bao giờ là dễ dàng, bởi đó là nghề kiến tạo tương lai, nghề gieo ánh sáng, ươm ước mơ…
Không chỉ hơn 1,6 triệu nhà giáo đang công tác hiện nay trong cả nước thầm lặng cống hiến, mà biết bao thế hệ nhà giáo Việt Nam đã miệt mài “đưa đò” cho sự nghiệp trồng người cao cả, dẫu cuộc sống của thầy cô còn bao bộn bề khó khăn. Các thầy cô không chỉ là người bồi đắp kiến thức, mà trên hết, là người thắp lên ngọn lửa đam mê, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ.
2. Thầy giáo Vũ Văn Tùng, giáo viên môn Lịch sử - Địa lý Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) cũng là giáo viên tiêu biểu, là một câu chuyện đẹp, xúc động về nghề giáo. Thầy Tùng không chỉ được biết đến là một nhà giáo tận tâm, mà còn nổi tiếng với mô hình vận động học sinh đi học ở xã Pờ Tó.
Thầy giáo Vũ Văn Tùng (giữa) tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023” |
Đó là mô hình “tủ bánh mì 0 đồng” hỗ trợ bữa ăn sáng cho hơn 200 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại các điểm trường của Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp cũng như người dân nghèo sống tại điểm trường. Thầy cũng là người làm ra mô hình “trao sinh kế cho học sinh nghèo”, bằng việc hỗ trợ nuôi đàn bò để học sinh có tiền đi học từ năm 2021 đến nay.
Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp đóng ở 2 thôn khó khăn của xã Pờ Tó, với hơn 90% dân số là người dân tộc Ba Na. “Hốc Pờ Tó”, cái tên nghe đã gợi lên hình ảnh về sự xa xôi, heo hút của mảnh đất này. Trong suốt 8 năm dạy học ở đây, thầy Vũ Văn Tùng chứng kiến cảnh cứ nửa buổi học là học sinh lại trốn bỏ về. Sau khi đến tận nhà tìm hiểu, thầy Tùng mới biết là do các em đói bụng, về nhà kiếm cái ăn, rồi không dám trở lại lớp vì sợ thầy cô la mắng.
“Chúng tôi suy nghĩ phải làm gì đó để kéo các em đến trường, nên đã nảy sinh ý thưởng thành lập “tủ bánh mì 0 đồng” đặt ở trường, và nó tồn tại cho đến nay”, thầy Tùng kể.
Trước khi có “tủ bánh mì 0 đồng”, thầy Tùng đã phải làm rất nhiều việc để nâng bước học sinh đến trường. Ngày đầu mới thành lập trường, số học sinh đến lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay, việc vận động các em ra lớp là cả quá trình gian nan. Thầy Tùng đã mang bao đi xin từng lon gạo, từng gói mì để các em “ấm bụng” mà đến lớp.
“Có lần tôi vào đúng nhà đồng nghiệp, mở thùng gạo ra chỉ còn một ít thôi, khoảng 5-6 lon, nhưng thầy giáo bảo tôi cứ lấy đi, rồi thầy cầm thùng gạo đổ hết vào bao cho tôi mang về”, thầy Tùng xúc động kể. Đi hết một vòng khoảng 40km từ nhà đến trường thì thầy cũng xin được một bao gạo cho học sinh.
Ngoài giờ dạy trên lớp, thầy Tùng thường xuyên lồng ghép các hoạt động khác nhằm tuyên truyền về tình yêu quê hương đất nước cho học sinh. Trong đó có hình tượng của anh hùng Đinh Núp - một biểu tượng của người chiến sĩ cách mạng kiên trung trên mảnh đất Tây Nguyên. “Những việc làm của tôi còn rất nhỏ bé, nhưng hy vọng nó sẽ mang đến những lan tỏa tốt đẹp trong cuộc sống”, thầy Tùng tâm sự.
Trương Thị Thúy Vân, hiện là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), từng may mắn học thầy Vũ Văn Tùng từ lớp 6, bày tỏ: “Không chỉ em mà bất cứ học sinh nào học thầy đều cảm nhận rất rõ về một người thầy tận tâm với từng bài giảng. Thầy cũng như một người mẹ, người cha lo cho con từng bữa ăn sáng, chiếc bút, cuốn vở, chiếc xe đạp. Thầy còn nghĩ xa hơn là lo cả kinh tế gia đình cho học sinh, hỗ trợ nuôi bò để học sinh có tiền để đến lớp. Em không thể nói hết lòng biết ơn, kính trọng với thầy giáo Tùng của em”.
Tiếp bước thầy giáo của mình, khi là sinh viên, Vân cũng có những hoạt động tình nguyện, như một cách trả ơn cuộc đời, trả ơn ân tình của người thầy mà em coi như người cha, người mẹ…