Ở đô thị nhộn nhịp như TPHCM, phố xá chưa bao giờ thưa vắng nhưng chắc chắn ngày lễ hoặc cuối tuần luôn đông khách qua lại hơn ngày thường. Và khi hình thức staycation (du lịch tại chỗ) được nhiều người lựa chọn, tiết kiệm chi phí và không mất thời gian chuẩn bị trước, các không gian công cộng, điểm vui chơi trong thành phố trở thành điểm đến của nhiều người thì cánh hàng rong cũng tranh thủ những ngày lễ để kiếm thêm.
Với những người lao động kiếm cơm từng bữa, đắp đổi qua ngày thì chuyện nghỉ lễ là khái niệm xa xỉ. Ngày thường cảm sốt, nghỉ bán vài bữa cũng không tiếc, nhưng ngày lễ có mệt một chút cũng ráng vì có thể kiếm lời bộn hơn.
Đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1), xe đẩy hàng nặng trĩu đồ ăn vặt, từ trái cây gọt sẵn đến bánh tráng trộn, quay qua quay lại đã vơi gần một nửa, cô Ba (54 tuổi, ngụ quận 8) lật đật hối chồng về nhà lấy thêm.
“Mấy bữa này phải tranh thủ mà bán, khách đi chơi nhiều nên món nào cũng hết sớm, chứ ngày thường bán lai rai thôi. Phải hối ổng chạy về lấy thêm đồ để bán cho kịp, một năm được mấy ngày lễ để mình kiếm thêm chút đỉnh, có mệt một chút cũng không dám nghỉ. Nghỉ bán một bữa lễ, tiếc lắm bây ơi”, cô Ba kể.
Quán cà phê ngày lễ luôn trong tình trạng kín khách, có nhiều quán còn dành không gian riêng cho khách làm việc trực tuyến. Chuyện làm việc xuyên lễ, vài năm gần đây trở thành xu hướng phổ biến trong giới trẻ hiện đại, nhất là thế hệ Gen Y, Gen Z… Khi xu hướng freelancer (làm việc tự do) được nhiều bạn trẻ lựa chọn, có thể vừa đi du lịch vừa làm từ xa, chuyện đi chơi lễ cũng không quá quan trọng, thay vào đó là chọn một không gian cà phê đẹp và hoàn thành những phần việc dang dở.
Và có những công việc, chuyện nghỉ lễ cũng hên xui lắm, “tới ca thì phải trực thôi chứ lễ lạt gì tầm này”, bạn tôi, một nhân viên y tế viết vội tin nhắn rồi vào ca trực lễ. Có lẽ trong nhịp sống hiện đại, chuyện đi làm hay nghỉ lễ cũng không còn là điều quá bận tâm, khi ngày thường người ta vẫn có thể nghỉ và ngày lễ có công việc vẫn phải làm.
Chuyện đi làm hay nghỉ lễ còn tùy thuộc vào từng người và từng công việc khác nhau. Nhưng đâu đó trong guồng quay của cuộc sống, chuyện mưu sinh cũng lắm nhọc nhằn với không ít người, nhất là cánh hàng rong, vé số, năm dài tháng rộng nhưng chuyện nghỉ lễ gần như là không bao giờ. Niềm vui của họ không phải là những chuyến đi, những miền đất mới, mà hôm nay bán đắt hơn, lời hơn một chút…
Suy cho cùng, ai trong chúng ta cũng có những bộn bề trong cuộc mưu sinh. Nhọc nhằn hay tận hưởng, còn tùy thuộc vào cách mỗi người tìm cho mình một góc nhỏ để “chill” trong chính cuộc sống của mình.