Vượt sóng cứu người giữa đêm biển động
Ngày 6-11 chúng tôi về làng chài thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), đi đến đâu cũng nghe người dân xứ biển ngợi ca tinh thần tương thân tương ái của anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty CP du lịch Sơn Nam, chỉ mới 29 tuổi đã cùng với cộng sự cứu thành công hơn 200 người dân trôi dạt trên biển trong cơn bão số 12 vừa qua. Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được anh Luân, bởi lý do duy nhất anh từ chối báo chí vì anh nghĩ đó là việc mà ai cũng làm, không riêng gì anh nên không muốn “kể công”.
Trước đó, chiều 4-11, tức chỉ sau vài giờ khi cơn bão số 12 giật trên cấp 14 đi qua địa bàn huyện Vạn Ninh, anh Luân hay tin có hàng chục người đang mắc kẹt trên các bè nuôi tôm và một số đảo hoang giữa vùng biển Vạn Ninh. Lúc này biển Vạn Ninh có sóng cao 2-3m, mưa to. Nhận định các ngư dân trên sẽ gặp chuyện xấu nếu không ứng cứu kịp thời, anh nhanh chóng cùng 7 cộng sự lên 3 ca-nô vượt sóng dữ đến cứu người.
Sau hơn 1 giờ đạp sóng, nhóm anh Luân phát hiện và cứu được 8 ngư dân đang ôm nhau trên một thùng phuy nhựa, trôi giữa biển. Theo chỉ dẫn những người bị nạn, nhóm anh Luân vượt hàng chục cây số đến một hòn đảo thuộc thôn Thái Hưng, xã Vạn Thạnh, phát hiện thêm cả chục người khác đang kiệt sức, bấu víu vào những khúc gỗ từ những chiếc bè tôm bị xé toang. Trong chuyến cứu hộ này, anh cứu được gần 20 người đã đưa vào bờ, lúc này trời đã tối như mực. Bản thân anh Luân kiệt sức, nhai không nổi gói mì tôm sống nên nhường phần lái ca-nô lại cho một tài công khác.
Một người dân bị kẹt trên đảo hoang được nhóm anh Luân tiếp cận và đưa vào bờ trưa 6-11
Sau khi đưa các nạn nhân vào bờ, điện thoại của anh Luân reo liên tục, có nhiều người điện báo cầu cứu người nhà họ vẫn ở trên biển, giữa sóng to gió lớn không biết chết sống ra sao. Dù đã mệt lả người, nhưng nhóm của anh Luân vẫn lao về phía biển. Nhóm chia làm 3 hướng, gồm một hướng đi về vùng biển phía Bắc huyện Vạn Ninh, một hướng về phía Nam và một đâm thẳng ra Bãi Giếng ở phía Đông, thuộc xã Vạn Thạnh.
Ca-nô đi đến đâu, nhóm của anh dùng đèn pin rọi tìm người trôi dạt, đưa họ vào bờ. Cứ thế, hàng chục giờ đồng hồ trôi qua, nhóm anh tạm hoàn thành công việc vào 5 giờ sáng ngày hôm sau. Lúc này, người thì kiệt sức phải nhập viện, người thì không lê nổi bước về nhà. Ấy vậy mà, khi chúng tôi đến, 3 chiếc ca-nô của anh Luân vẫn tiếp tục đi đến các vùng biển trên địa bàn để tìm người mất tích.
Anh Hoàng Quốc Trường, một thành viên nhóm cứu hộ cho biết, lúc mới nhận tin có người bị nạn, chúng tôi cứ lên thuyền ra cứu người và không nghĩ được gì, chỉ dặn anh em phải hết sức cẩn thận, bởi ai cũng có gia đình cả rồi, phải đảm bảo an toàn cho mình mới cứu người được.
“Nhìn những người dân trôi dạt và tay buộc chặt vào thùng phuy, người thì ngồi co ro trên các đảo hoang mà xót! Nếu không ứng cứu kịp thời, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với họ khi thông tin liên lạc vô hiệu trong mấy ngày mưa bão”, anh Trường bộc bạch.
Ân hận vì không cứu được hết
Được biết, anh Luân là chủ một công ty dịch vụ du lịch chuyên đưa khách ra đảo Điệp Sơn, huyện Vạn Ninh, nên số điện thoại của anh người dân ven biển nơi đây ai cũng biết. Bởi vậy, sau khi có sự cố, biết anh có ca-nô, nhiều người dân gọi cầu cứu.
Bà Nguyễn Thị Nhung, một người dân Vạn Giã, xúc động kể: Đêm ngày 4-11, chồng tôi cùng 12 nhân công túc trực trên bè tôm hùm giữa biển, bởi đó là cả gia tài, trị giá hàng chục tỷ đồng. Do sóng lớn đánh sập bè, điện thoại không liên lạc được, tôi hoảng loạn tìm đến anh Luân nhờ ứng cứu. Nhận tin, anh Luân cho ca-nô ra biển và đưa được 12 nhân công cùng chồng tôi vào bờ an toàn.
“Nếu không có anh Luân và đồng nghiệp của anh ấy ứng cứu, chắc chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra với gia đình chúng tôi”, bà Nhung tâm sự.
Chiều 6-11, trao đổi với báo chí, ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết nghe được tin anh Luân làm việt tốt, lãnh đạo tỉnh ra tận nơi gặp anh động viên, khích lệ. “Trước khi bão đến, đội tàu cứu hộ của anh Luân nằm trong biên đội cứu hộ dự phòng của huyện lập ra. Qua nắm bắt ban đầu, có khoảng gần 200 người dân trên biển đã được anh Luân và bạn ứng cứu”, ông Phẩm cho hay.
Dù đến nay, anh Luân và nhóm bạn của anh đã trở thành những người hùng thực sự trong mắt ngư dân làng chài ven sóng Vạn Giã, nhưng ít ai biết rằng, nhóm anh Luân ai cũng nhà cửa tan hoang sau bão. Bản thân anh Luân cũng có 3 chiếc ca-nô bị bão dập nát, nằm lăn lóc trên bãi biển Vạn Giã, nhưng họ chưa một phút giây dọn dẹp, sửa sang vì đang dành thời gian cho việc cứu người.