Những món quà vô giá
Vào cuối tháng 3, câu chuyện người con gái lớn của gia đình 3 chị em gái quê ở Hà Tĩnh quyết định hiến tạng người mẹ bị tai nạn giao thông chết não đã làm rung động trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Khi các mạnh thường quân đề nghị giúp đỡ, em đã từ chối, cho rằng hiến tạng là việc nên làm, phù hợp với đức tính giúp đỡ người khác của người mẹ quá cố.
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, kể lại: “Để kịp thời sử dụng hiệu quả những món quà thiêng liêng ấy, các y bác sĩ đã trắng đêm chạy đua tìm bệnh nhân phù hợp để ghép các tạng. Do người mẹ đã chết não, có vấn đề về tim và tim có thể ngừng đập bất cứ lúc nào, các bác sĩ hồi sức ngoại thần kinh phải sử dụng vận mạch gấp đôi liều cao nhất để giữ cho tim đập đến lúc tìm được người thay”. Cuối cùng, các bác sĩ đã ghép thành công hai quả thận và lá gan cho 3 bệnh nhân. Riêng giác mạc của người mẹ được chuyển sang bệnh viện khác để kịp thời đem lại nguồn sáng cho một bệnh nhân mù.
Ngày 1-6 vừa qua, 4 bệnh nhân đã có một cuộc đời mới từ một cô gái 18 tuổi gặp tai nạn giao thông bị chết não, người thân đã quyết định hiến tặng nguồn tạng. Sự hiến tặng đó cũng làm nên kỳ tích của BV Chợ Rẫy, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của BV Việt Đức, lần đầu tiên BV này đã thực hiện ghép tim thành công.
Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết: Sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý, 4 phòng mổ được bố trí tại BV Chợ Rẫy để các kíp ghép tạng tiến hành song song việc nhận và ghép tạng cho 4 bệnh nhân. Ở phòng mổ thứ 5, thiếu nữ đã chết não được chuẩn bị sẵn sàng cho việc hiến tạng. Đội ngũ y bác sĩ đã cùng đứng cúi đầu cảm ơn cô gái trẻ đã tiếp tục sự sống cho nhiều người. “Người nhà nói với chúng tôi là bây giờ sẵn sàng hiến tạng để cứu người, còn trách nhiệm của BV là đảm bảo an toàn và ghép cho người bệnh cần, bác sĩ Ngọc Thảo xúc động kể.
Chung tay sẻ chia sự sống
Qua hơn 20 năm kể từ khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, Việt Nam đã thực hiện trên 1.280 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 17 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy... Nhưng con số này vẫn còn quá ít so với tiềm năng hiện có. Tại BV Chợ Rẫy, bình quân mỗi ngày có 10 bệnh nhân bị chết não do tai nạn giao thông nhưng có rất ít trường hợp tự nguyện hiến mô tạng. Trong khi đó, hiện tại đây có hơn 400 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo định kỳ, hơn 50 người cần được ghép tim…
PGS-TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy, cho biết điều nan giải nhất vẫn là nguồn tạng hiến còn khan hiếm trầm trọng, do người dân chưa có thói quen hiến tạng khi chẳng may bị tai nạn hoặc bệnh nan y không cứu sống được.
Kêu gọi bạn bè cùng hiến tạng khi qua đời
Ý thức được việc hiến tặng tạng khi qua đời, bạn trẻ Hoàng Minh Anh Tú (24 tuổi, quê Lâm Đồng) đã từ Liên bang Nga trở về Việt Nam, tự mình đến BV Chợ Rẫy đăng ký và kêu gọi bạn bè cùng tham gia, với mong muốn làm giàu thêm nguồn tạng hiến, cứu giúp nhiều người.
Anh Tú chia sẻ: “Mình không còn sống trên thế gian này mà cơ thể mình giúp ích được cho người khác, thậm chí cứu được mạng sống của người khác, chỉ nghĩ tới điều đó thôi là tôi quyết tâm đăng ký ngay và kêu gọi bạn bè cùng tham gia”.
ĐOÀN KIÊN
Còn theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam, Chủ tịch Hội Niệu - Thận học TPHCM, rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng thuộc về những định kiến, quan niệm xã hội. Ngay cả những người đồng ý cho người thân hiến tạng, sau đó thường cũng phải chịu những áp lực từ bạn bè, họ hàng. Nguồn cho các bệnh nhân cần được hiến tạng vẫn đang rất khan hiếm, dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh, trong đó nổi lên là tình trạng buôn bán và buôn lậu tạng phủ. Tình trạng này xuất hiện không chỉ ở nước ta mà là tình hình chung trên thế giới.
“Có nhiều người lợi dụng việc này, đã bắt ép, dụ dỗ để được sự đồng ý hiến của người khác. Đặc biệt, việc mua bán nội tạng còn dẫn đến việc ghép tạng không đúng tiêu chuẩn. Đã có rất nhiều người tìm đến các BV để cấp cứu vì ghép thận, tạng lậu, nhưng việc cứu chữa vô cùng khó khăn và sau khi chữa, cơ thể không còn khỏe mạnh, cơ quan tạng không giữ được lâu. Có nhiều người đã bỏ mạng vì qua biên giới mua bán tạng phủ”, GS-TS Trần Ngọc Sinh nhấn mạnh.
Chấp nhận hiến tạng của người thân, gia đình người xấu số đã dũng cảm vượt qua nỗi đau và những quan niệm truyền thống để cứu giúp nhiều người. Hiện nay, đang còn rất nhiều người chờ đợi được tiếp tục sự sống nhờ những sự hiến tặng thiêng liêng đó.