Lặng thầm giữ vững bình yên
Chúng tôi theo Đội đặc nhiệm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TPHCM đi tuần tra trên sông trong những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019. Trong hành trình chuyến công tác, Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng TPHCM, chia sẻ: “Biên phòng thành phố quản lý 1.755km2 từ mũi Cần Giờ ra biên giới quốc gia trên biển. Đặc thù địa bàn rộng, quân số mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ, phương tiện, vật chất bảo đảm ăn ở, sinh hoạt ở một số trạm, chốt nổi còn thiếu thốn, vất vả, nhưng không vì thế mà anh em thiếu tinh thần trách nhiệm. Ngược lại, họ luôn hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ được giao”.
Ca nô chạy đến khúc sông thuộc phường Phú Hữu (quận 9), Đại tá Nguyễn Văn Tiến tiếp tục kể cho chúng tôi nghe vụ bắt giữ băng cướp liên tỉnh do Trần Quốc Tấn (sinh năm 1985) cầm đầu. Quê Tấn ở chính khúc sông này nhưng nằm bên phía xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Đây là băng cướp táo tợn, gây nỗi khiếp đảm cho người dân sông nước. 4 giờ sáng 5-5-2014, Biên phòng Cửa khẩu cảng Nhà Rồng nhận được tin báo từ sà lan mang biển số SG-6545 bị nhóm 6 đối tượng cướp tài sản.
Khi đó, Trung tá Hồ Minh Thanh là trưởng trạm, đã trực tiếp chỉ huy đồng đội truy bắt băng cướp này. Thấy bị truy đuổi, 6 tên leo lên ghe máy bỏ chạy về hạ nguồn sông Đồng Nai. Một ca nô biên phòng, một ghe máy rượt nhau tốc độ cao suốt hàng chục cây số đường sông. Tình thế cực kỳ nguy hiểm khi các anh chỉ có trang bị gậy đối mặt với băng cướp đông hơn, mỗi tên lăm lăm mã tấu dài hơn 1m.
Sau hơn 30 phút truy đuổi, lúc này ca nô thứ 2 của đơn vị trang bị súng AK kịp thời đến chi viện, dàn thế trận bao vây. Cùng đường, bọn cướp nhảy xuống sông định bỏ trốn. Bất chấp hiểm nguy, các anh đồng loạt nhảy theo truy bắt. Tấn và đồng bọn bị tóm gọn tại trận.
Đại tá Nguyễn Văn Tiến cho biết, để phá một vụ án, công sức BĐBP bỏ ra không hề nhỏ, nhất là giai đoạn đón lõng, mai phục. Lực lượng biên phòng phải ẩn giấu danh tính, kiên trì đeo bám, mật phục, có khi phải đóng giả kẻ buôn bán hàng lậu, ma túy nhằm trà trộn vào mạng lưới của chúng. “Trong quá trình phá án chúng tôi không được phép sơ suất, bởi bọn tội phạm rất liều lĩnh và sẵn sàng “ăn thua đủ” với lực lượng làm nhiệm vụ”, Đại tá Nguyễn Văn Tiến cho hay.
Thế trận lòng dân
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” - khẩu hiệu đó luôn là niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Vì vậy, ở đâu các anh cũng luôn sâu sát dân, miệng nói tay làm bằng cả trái tim người lính.
Cụ thể, từ năm 2015 đến 2018, BĐBP TPHCM vận động cán bộ, chiến sĩ và các nhà hảo tâm hỗ trợ trên 22,6 tỷ đồng để xây dựng các công trình dân sinh, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo; xây dựng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”; tham gia xây dựng nông thôn mới; tặng quà, tặng bò giống cho người nghèo và đỡ đầu các em học sinh hoàn cảnh khó khăn…
Trong ngày nghỉ cuối tuần, các cán bộ, chiến sĩ cùng tổ dân vận xuống tận ấp giúp dân phát cây dại, phun thuốc diệt muỗi, vá lưới giúp ngư dân, dặm vá, tráng nhựa đường đi để nhà cửa người dân thêm khang trang.
Đó còn là các phong trào, mô hình được các đồn biên phòng triển khai, nhân dân tích cực hưởng ứng, như đã xây dựng được 16 tổ tự quản tàu thuyền an toàn, 23 tổ an ninh trật tự, 20 bến đò tự quản an toàn… Trong đó, Tổ tự quản tàu thuyền an toàn là một điểm sáng, được Đồn biên phòng Long Hòa (Cần Giờ) và chính quyền xã Long Hòa thành lập tháng 1-2017. Đến nay có 30 chủ phương tiện tàu thuyền tham gia.
Trước đây, ngư dân ra khơi không ít trường hợp phương tiện bị chết máy, hay gặp phải mưa bão, sóng to, gió lớn, những lúc đó họ phó mặc cho trời đất. Nhưng khi vào tham gia tổ tự quản thì sự cố trên biển không còn là nỗi lo lắng của ngư dân, vì họ luôn được hỗ trợ ngay khi liên lạc về tổ.
Chia sẻ về tính hiệu quả của mô hình này, ông Bùi Văn Ẩn (sinh năm 1969, ngụ ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa) phấn khởi nói: “Sự ra đời của tổ tự quản đã giúp ngư dân chúng tôi đi vào hoạt động có nề nếp, mọi người ngày càng đoàn kết trong vươn khơi bám biển, không rời rạc, mạnh ai nấy lo như ngày xưa nữa. Vì vậy, mỗi lần ra khơi chúng tôi cũng thấy yên tâm. Đặc biệt từ khi đi vào sinh hoạt có tổ chức, trong tổ ai bị ốm đau, tai nạn, các anh biên phòng và các thành viên trong tổ tự quản đều đến thăm hỏi động viên. Việc làm thiết thực đó đã thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của bà con ngư dân ngày càng bền chặt hơn”.
Tạm biệt những người lính biên phòng, những người đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển của thành phố, chúng tôi tin tưởng các anh luôn vững vàng, chắc tay súng giữ yên bình cho thành phố mang tên Bác.